T2, 06/07/2020 10:17

Thương lái ép ngư dân Phú Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có rất nhiều ngư dân đang sở hữu tàu công suất nhỏ làm nghề lưới ghẹ, câu mực… khai thác vùng biền gần, tối ra khơi sáng quay về. Vất vả, cơ cực nhưng họ phải bấm bụng chia đi phần nhiều lợi nhuận cho các đầu nậu bằng việc bán hải sản với giá rẻ bèo.

Chúng tôi cùng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, Đồn Biên phòng An Thới tuần quanh một vòng khu vực Bãi Xếp, thuộc thị trấn An Thới.

Hơn 8 giờ sáng, các tàu câu mực, lưới ghẹ đang neo đậu kín một bãi biển dài và rộng. Trên bến còn nhiều thương lái đứng ngóng ra biển như chờ đợi. Một số đang í ới chỉ tay cho người cân cá, tôm, mực… đóng thùng mang đi. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ số hải sản mà các thương lái thu mua được đều tươi roi rói, chưa qua bất kỳ một công đoạn bảo quản nào.

 

Cảng An Thới.  

Vào vai một khách du lịch, chúng tôi tiến đến nơi một ngư dân da đen nhẻm, quần áo ướt nhem. “Bán cho tôi vài ký mực”-tôi lên tiếng. Người đàn ông này không trả lời mà liếc mắt về phía người phụ nữ đứng đối diện. Tôi quay sang nói với chú nhóc vừa khệ nệ một kệ mực từ xuồng lên bờ: “Mực của chú mày tươi quá, bán bao nhiêu một ký, chú mua cho?”. “Số mực này người ta mua rồi, chú muốn mua thì hỏi cô kia kìa…” – chú nhóc vừa nói vừa chỉ tay về người phụ nữ.

Anh chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Bãi Xếp cho biết: Hai cha con họ là người dân địa phương, chuyên làm nghề câu mực. Chiều nào cũng ra khơi, đến sáng hôm sau mới trở vào bờ. Mỗi chuyến biển nếu trúng thì kiếm được hơn 10 kg mực tươi, còn kém cũng được vài kg.

Cũng giống như cha con họ, hầu hết ngư dân có phương tiện nhỏ ở vùng biển này đều thuộc dạng hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Theo quy trình đánh bắt, khi hoàng hôn buông xuống là lúc họ dong thuyền ra biển, quần quật cả đêm, bình minh họ lại quay thuyền về bến.

Sau một đêm thức trắng, mệt mỏi, có khi là đói khát, nhưng khi đem sản phẩm vào bờ họ không có quyền định đoạt mà tất cả đều do các đầu nậu quyết định.

Bởi do hoàn cảnh nghèo khó, túng thiếu, để có tiền mua nguyên liệu, ngư lưới cụ, trang trải gia đình, họ phải đi vay, người ít cũng 5-10 triệu, nhiều thì vài chục triệu. Ngân hàng thì không vay được vì không có điều kiện, tài sản lớn để thế chấp. Họ đành phải bấm bụng vay lãi cao của những đầu nậu thu mua hải sản của mình, và chấp nhận điều kiện đánh bắt được bao nhiêu phải bán hết chủ nợ.

Tôi lân la hỏi chuyện vay mượn tiền, ngư dân Nguyễn Văn Tư trần tình: “Lãi suất cũng không cao lắm, tụi tui lo nổi. Nhưng chúng tôi chịu thiệt, sau khi bắt được cá, ghẹ, tôm, mực… phải bán hết lại cho họ, với giá mà họ định”.

“Ngư dân chúng tôi chỉ quen nghề biển, đánh bắt thì giỏi, nhưng không thạo việc mua bán, giá cả. Mỗi khi vào bờ có bao nhiêu là gọi họ bán ngay, giá nào cũng được, miễn là lấy tiền liền. Vì vậy, nhiều thương lái họ quan sát nếu chuyến biển nào trúng, họ liền ép giá, chuyến biển thất thì họ mới tăng giá chút đỉnh!”- lão ngư Trần Văn Còn nói thêm.

Chỉ tính riêng tại cảng cá An Thới hàng ngày có rất nhiều tàu thu mua loại lớn từ đất liền ra cặp bến thu gom các loại hải sản tươi sống với giá rẻ, chuyển vào đất liền bán với giá cao.

Theo ngư dân địa phương, những thương lái thu mua hải sản từ đất liền ra có vốn mạnh và đều có mối hết. Mối của họ chính là những ngư dân mặt mày đen đúa, áo quần ướt sũng, lấm lem kia.

Chúng tôi đến chỗ một người phụ nữ mập mạp, đội nón rộng vành, quấn khăn che kín mặt mũi, ngỏ lời: “Bán cho em vài ký ghẹ sống đi chị”. Người phụ nữ hét giá: “Mỗi kg ghẹ giá từ 180 đến 250 ngàn đồng, các chú chọn đi”. “Sao giá cao thế, bằng tại các nhà hàng ở Rạch Giá rồi” – tôi kỳ kèo. “Ghẹ mua tại bến chắc hơn, ăn ngon hơn, không sợ cân thiếu, được quyền lựa chọn con ngon…”- người phụ nữ này giải thích.

Được biết, một kg mực tươi (loại mực câu) thương lái mua tại bến của ngư dân chỉ khoảng từ 150-180 ngàn đồng, tùy theo mùa. Sau đó bảo quản, đóng thùng chuyển vào đất liền bán lại với giá từ 250 – 350 ngàn đồng/kg. Việc bảo quản, vận chuyển hải sản vào đất liền giờ rất dễ dàng, thuận tiện, không hao hụt, nên thương lái không bao giờ bán lại tại chỗ với giá thấp.

Nhận vay vài triệu bạc để rồi trở thành mối bất đắc dĩ của các đầu nậu hải sản đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành quy luật ở hầu hết các bãi biển trên đảo Phú Quốc cũng như các vùng biển khác ở tỉnh Kiên Giang. Ngư dân một nắng hai sương tạo ra sản phẩm, nhưng vì túng thiếu, nghèo khó đành chấp nhận chia đi phần nhiều lợi nhuận cho những đầu nậu, những người có tiền dư, bạc để kiếm sống qua ngày.

Việt Tiến - Tiến Vinh

Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!