Thương sò, sò trả ơn

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Từ khi chọn con sò lông để nuôi, nhiều bạn bè và ngư dân ở Kiên Lương, Kiên Giang bảo ông Sáu là người liều lĩnh, táo bạo. Thế nhưng, chỉ sau vài mùa thu hoạch, gia đình ông thu về bạc tỉ, chừng đó mọi người mới ngỡ ngàng và bắt đầu thán phục ông – một nông dân đầy bản lĩnh, dám nghĩ dám làm và biết nhìn xa trông rộng.

Gian nan khởi nghiệp

Ông Sáu tên thật là Nguyễn Trường Sơn. Thời trai trẻ, vợ chồng ông ra riêng chỉ với vài công đất ở xã Tây Yên, huyện An Biên, Kiên Giang, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ lay lắt qua ngày. Sau ngày hòa bình, vợ chồng ông vẫn tiếp tục nghề ruộng rẫy, nhưng hễ lúa lên một thì phân vọt lên mười. Trước hoàn cảnh đó, ông ngẫm nghĩ “chẳng lẽ mình tiếp tục ôm cây lúa nước để rồi vợ con chết đói hay sao?”. 

Lúc đó có một người bạn khuyên ông nên chuyển sang nghề nuôi thủy sản sẽ có hy vọng đổi đời. Thế là ông bàn với vợ con bán hết đất vườn và số nữ trang mà hai vợ chồng tích góp bấy lâu rồi kéo về Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang để nuôi trồng thuỷ sản.

Sò lông vừa thu hoạch tại bãi biển Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang

Để thực hiện ước mơ của mình, ông đã bỏ ra thời gian tìm tòi học hỏi, suốt ngày rong thuyền trên biển, ghé thăm từ hòn đảo này đến hòn đảo khác, gặp ai ông cũng tìm hiểu nên nuôi con gì, nuôi như thế nào? Sau nhiều lần gặp gỡ ngư dân và các chủ lồng bè ở hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải, ông Sáu đã rút ra được một bài học thực tiễn: “Việc nuôi trồng thuỷ sản hiện nay chỉ có mô hình cá mú, cua và sò huyết là phát triển mạnh, nhưng muốn thực hiện cần phải có vốn và có kinh nghiệm”. Suy đi nghĩ lại, vì thiếu vốn nên ông quyết định chọn con sò lông, một loài hai mảnh vỏ vừa dễ nuôi vừa không tốn thức ăn. Sò lại sinh sản nhanh, nguồn con giống dồi dào, nơi nào cũng có. Để chắc ăn, ông tìm đến các cơ sở thu mua thăm dò ý kiến và được một công ty xuất khẩu đồng ý hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng với điều kiện sản lượng phải nhiều.

Để nhanh chóng bắt tay vào việc, ông liền làm thủ tục thuê đất, tiếp theo là chặt cây, dọn bãi, cắm cọc và bắt đầu thả

>> Bà Nguyễn Ngọc Phượng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 3.000 ha diện tích nuôi sò lông, tập trung chủ yếu ở Kiên Lương. Sở khuyến khích nông dân nên phát triển nuôi giống sò này vì chi phí nhỏ, ít làm ảnh hưởng đến môi trường và có lãi. Do dó việc phát triển nghề nuôi sò lông theo cách làm của ông Nguyễn Trường Sơn là đúng hướng.

con giống từ năm 2000 tại bãi Giếng và bãi Bình An thuộc huyện Kiên Lương. Ông cất chòi ở luôn ngoài bãi để chăm sóc và bảo vệ thành quả của mình. Ông Sáu cho biết, sò lông rất dễ nuôi, tỷ lệ sống lên đến 95%. Chúng thích sống ở những nơi có bùn pha cát, độ sâu từ 3 đến 5 mét, và cách xa bờ từ 500 – 1.000 mét. Thức ăn chính của chúng là bùn, bã hữu cơ và thực vật phù du. Từ lúc thả con giống đến lúc trưởng thành mất 7 – 10 tháng và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 8 tháng. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi lúc nào cũng phải tìm tòi, học hỏi về đặc tính sinh học và quá trình phát triển của sò lông để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Bà Sáu, vợ ông kể lại: Thấy ổng suốt ngày dãi nắng dầm mưa, quên ăn mất ngủ tôi không chịu nổi. Vậy mà lúc nào trước mặt tôi, ổng cũng động viên, an ủi “Con người có gan mới làm giàu. Mình ráng chịu cực chịu khổ mới có ngày thành công”.

Thế nhưng, trong lúc mọi người vui mừng phấn khởi trước thành quả sắp gặt hái, thì bọn cướp sò không biết từ đâu kéo tới hàng chục ghe ngang nhiên cướp bóc. Vợ chồng ông vừa van xin, vừa ra sức chống giữ nhưng bọn chúng ỷ mạnh hiếp yếu, vừa cào bắt, vừa hăm doạ. Ông Sáu chỉ còn biết cách kêu trời! Ông cho biết, sau vụ mất trắng đó, vốn liếng tiêu tan, nợ nần chồng chất, buộc lòng ông phải cho 7 công nhân nghỉ việc mà không sao cầm được nước mắt.

 

Thương sò, sò trả ơn

Mặc dù trắng tay nhưng ông Sáu vẫn không đầu hàng số phận, ông gượng đứng lên và nói với mọi người rằng “Buồn cũng nghèo, cười cũng nghèo, nhưng cười sẽ đỡ khổ hơn”. Nghĩ vậy, ông liền về nhà cha mẹ, anh em mượn bằng khoán đỏ để thế chấp vay tiền ngân hàng, thuê thêm diện tích bãi 50 ha để tiếp tục “sự nghiệp” dang dở của mình. May mắn thay, năm 2002, bãi sò bắt đầu sinh sôi nảy nở, sờ tay xuống bãi chỗ nào cũng sò. Đúng là sò đã trả ơn người hoạn dưỡng. Năm 2003, chỉ sau một mùa thu hoạch ông đã lấy lại thế cân bằng, mỗi năm thu về bạc tỉ, có năm lên đến 2 tỉ. Có thể nói ông là người đầu tiên nuôi sò lông với quy mô lớn nhất ở vùng biển Kiên Giang, có lúc thu hoạch mỗi ngày trên 150 tấn. 

Ông Nguyễn Trường Sơn phấn khởi trong mùa thu hoạch sò lông

Trong niềm vui phấn khởi đó, ông đã dành ra trên 60 triệu đồng để hỗ trợ cho những người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa và góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo xây cất nhà tình thương cho các hộ nghèo.

Từ hiệu quả kinh tế đáng khích lệ, ông đã đứng ra xin thành lập Công ty TNHH Trường Sơn, chuyên nuôi trồng thuỷ sản tại số 87, ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm. Với thành tích đã đạt được, năm 2008 ông đã nhận được bằng khen “Nông dân sản xuất giỏi” của Hội Nông dân tỉnh An Giang.

Hiện nay, do quy hoạch chung của ngành thủy sản địa phương nên diện tích nuôi sò lông của ông Nguyễn Trường Sơn chỉ còn trên 10 ha, nhưng sản lượng vẫn cao và đầu ra lúc nào cũng ổn định. Hy vọng con đường phát triển “nuôi trồng thủy hải sản”, cụ thể là con sò lông của Công y Trường Sơn sẽ tiếp tục vươn ra thị trường thế giới, đồng thời góp phần làm giàu cho ngân sách địa phương.

    Hoài Vũ

 

 

   

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!