T4, 15/09/2021 10:19

Tổ chức giám định quốc tế HQTS giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng thủy hải sản xuất nhập khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo dự báo của các chuyên gia đảm bảo chất lượng thủy hải sản xuất nhập khẩu HQTS, chuỗi cung ứng toàn cầu tạm thời có những đứt gãy sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng mạnh. Trong đó, ngành thủy hải sản Việt Nam vẫn là một điểm sáng, nhờ khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do.

Tiến trình tiêm chủng và gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước là bệ phóng giúp ngành thủy hải sản Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Biến “nguy” thành “cơ”

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thể hiện rõ: kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm vượt mốc 4,1 tỷ USD.Trong đó, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại nhiều thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác. Ngoài ra, tính đến hết tháng 6/2021, xuất khẩu các sản phẩm hải sản Việt Nam đã đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tận dụng lợi thế từ các FTA, những tháng cuối năm 2021 sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có nhiều tiềm năng, cùng với sự phục hồi ấn tượng từ hai thị trường lớn là Mỹ và EU. Cùng với đó, VASEP cũng dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2021 có thể cán mốc 9 tỷ USD với đà tăng trưởng hiện nay.

Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, VN-EAEU FTA…), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang lại nhiều ưu đãi thuế quan.Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường, nghiêm túc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định thị trường…

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, ngày 9/2/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 859/BNN-QLCL về việc tăng cường hiệu quả kiểm soát chất lượng, ATTP thủy sản. Theo đó, trong giai đoạn kế tiếp, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ tăng cường thẩm tra, hậu kiểm điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến thủy sản, tăng cường giám sát chất lượng, ATTP đối với các sản phẩm thủy sản trước khi tiêu thụ xuất khẩu.

Bài toán quản lý chất lượng

Được sự ưu ái của thiên nhiên trù phú, nguồn thủy hải sản Việt Nam phong phú, có đủ điểu kiện thuận lợi để phát triển bền vững. Tuy nhiên, với đặc thù sản phẩm khó bảo quản, yêu cầu cao về độ tươi ngon, an toàn và hàm lượng dinh dưỡng, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn là mục tiêu quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản.

Những vấn đề doanh nghiệp ngành thủy hải sản thường đối mặt gồm: sản phẩm sản xuất ra dễ xảy ra tình trạng hư hỏng, chất lượng không đạt tiêu chuẩn, một sản phẩm có thể có nhiều chất lượng khác nhau… Cửa hẹp vào các thị trường khó tính đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt buộc doanh nghiệp phải chú trọng những phương pháp kiểm định mang lại hiệu quả cao nhất, như kiểm soát đầu vào, kiểm soát quy trình sản xuất và kiểm soát đầu ra thông qua quá trình kiểm tra, quan sát, đối chiếu…

Hiện tại, có những doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản xuất thông qua những tổ chức kiểm định chất lượng. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu, cập nhật đầy đủ các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, ATTP để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tập trung kiểm soát mối nguy, sản phẩm và yêu cầu của một số thị trường, đầu tư hoàn thiện các điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị, đặc biệt nguồn nhân lực đảm bảo xây dựng hệ thống tự kiểm soát trong toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến một cách thực chất, chất lượng và hiệu quả.

Thực hiện kiểm định chất lượng thủy hải sản xuất khẩu cũng là cách đảm bảo khắc phục tình trạng các lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất, kháng sinh, không đạt chuẩn và bị trả về. Giảm thiểu tối đa những rủi ro về chất lượng và số lượng sản phẩm trước khi xuất hàng, kiểm định chất lượng cũng giảm thiểu những phàn nàn hay khiếu kiện từ người tiêu dùng, giúp bảo vệ quyền lợi kinh doanh của nhà sản xuất, hỗ trợ công tác quản lý và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm được sản xuất và phân phối đến thị trường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!