(TSVN) – Trải qua một năm 2020 nhiều biến cố và thử thách, ngành tôm, cá hồi được dự báo phục hồi cả về giá và sản lượng trong năm 2021, cùng khả năng đa dạng hóa thị trường của các nước sản xuất nhằm nâng cao cạnh tranh hơn.
Hai vấn đề lớn mà ngành tôm toàn cầu phải đối mặt trong năm qua là nhu cầu tiêu thụ đi xuống khiến kênh dịch vụ ẩm thực toàn cầu lao dốc và sự sụt giảm nhu cầu sử dụng ở con số khổng lồ tại thị trường Trung Quốc, nơi nhập khẩu tôm vẫn liên quan đến các đợt bùng phát COVID-19. Kết quả, ngành tôm buộc phải cải thiện lượng tiêu thụ tại kênh dịch vụ ẩm thực cũng như xoa dịu các yếu tố sợ hãi liên quan đến sản phẩm tôm.
Nhưng rất may, hiện người tiêu dùng tại Trung Quốc đã không còn quá e ngại với các sản phẩm tôm nhập khẩu như trước đây, bởi họ nhận ra sự an toàn của sản phẩm này. Do đó, tiêu thụ tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh trong năm 2021, biến thị trường này trở thành động lực tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ cho thị trường tôm toàn cầu. Đây là một tín hiệu rất tích cực đối với các nước nuôi và xuất khẩu tôm, đặc biệt là Ecuador, vì ngành tôm nước này năm qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu. Theo Nikolik, chuyên gia phân tích ngành thủy sản tại Rabobank thì sự phục hồi của ngành tôm Ecuador sẽ ngoạn mục nhất trong năm 2021.
Nguồn cung cá hồi dự báo ngày một eo hẹp hơn. Ảnh: CTV
Trong khi đó, Ấn Độ – một nước nuôi tôm lớn trên thế giới cũng có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2019. Vấn đề lớn nhất mà ngành tôm Ấn Độ phải gặp phải do COVID-19 là hoạt động chế biến tôm bị gián đoạn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về xuất khẩu tôm trên thị trường toàn cầu. Theo một cuộc khảo sát của Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) vào tháng 10/2020, sản lượng tôm của Ấn Độ giảm tới 27% trong năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ này chỉ khoảng 10 – 15% trong cả năm, nhưng đây vẫn là con số sụt giảm tương đối lớn đối với ngành tôm Ấn Độ năm qua. Nhưng 2021 sẽ là một năm nhiều hy vọng đối với ngành tôm nước này nhờ sự phục hồi của các kênh dịch vụ ẩm thực tại Mỹ – thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Ấn Độ và khả năng hạn chế những tác động của COVID-19 tới hoạt động chế biến tôm tại thị trường cũng được cải thiện tích cực. Theo nhận định của Rabobank, Ấn Độ sẽ lấy lại những thị phần đã rơi vào tay Ecuador và Indonesia trong năm 2020 tại thị trường tôm Mỹ.
Trong khi Ecuador và Ấn Độ đều mong chờ sự trở lại ấn tượng vào năm 2021, thì ngành tôm Indonesia lại được dự báo một tương lai không mấy triển vọng. Có thể nói, 2020 là một năm thành công bất thường với ngành tôm Ecuador nhờ năng lực chế biến và sự suy yếu từ đối thủ cạnh tranh Ấn Độ. Nhờ đó, giá tôm xuất khẩu của Indonesia cũng cao hơn giá năm 2019. Rất khó dự báo giá tôm, song Indonesia sẽ phải đối mặt nhiều thách thức hơn trong năm 2021 và khó gặp thuận lợi tương tự về giá bán như năm ngoái.
Nhìn chung, ngành tôm được kỳ vọng phục hồi về giá và sản lượng trong năm 2021 sau khi giảm trong năm 2020 và các nước sản xuất tôm có khả năng đa dạng hóa thị trường hơn trong năm 2021, tạo ra một thị trường tôm toàn cầu cạnh tranh và bền vững hơn.
Chilê, nước nuôi cá hồi lớn thứ 2 thế giới cũng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Một trong những vấn đề chính của ngành cá hồi Chilê trong năm 2020 là giá bán thấp, dẫn đến tình trạng cắt giảm thả nuôi ước tính tới 11 – 24%, trong đó tỷ lệ thả nuôi cá hồi Atlantic giảm 13 – 14%. Do đó, ngành cá hồi năm 2021 cũng sẽ bị ảnh hưởng khi xuất khẩu có nguy cơ giảm 10%; từ đó, càng khiến cho nguồn cung eo hẹp hơn, đặc biệt là tại Mỹ – thị trường tiêu thụ cá hồi chính của Chilê.
Sản lượng cá hồi của Na Uy lại được dự báo tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, khi sản lượng cá hồi Chilê sụt giảm, thì tăng trưởng sản lượng cá hồi toàn cầu khó vượt qua mức 2%. Dù vậy, các hãng sản xuất cá hồi Chilê vẫn có thể kỳ vọng vào việc cải thiện mức giá trong năm 2021 sau một năm không mở rộng được các hệ thống phân phối tới châu Âu. Cá hồi Chilê khó vươn tới thị trường châu Âu bởi nhiều lý do, trong đó khoảng cách địa lý xa xôi, kết nối kém là nguyên nhân chính. Ngoài ra, châu Âu không ưa chuộng cá hồi đông lạnh và việc sử dụng các thành phần như protein gia cầm trong thức ăn của cá hồi tại Chilê cũng như xu hướng nuôi cá theo tiêu chuẩn BAP, thay vì ASC khiến cho cá hồi Chilê bị mất điểm tại thị trường châu Âu.
Trong khi Chilê không thể tiếp cận thị trường châu Âu, thì Na Uy, quần đảo Faroes và Scotland đều có thể xuất khẩu được cá hồi sang Mỹ. Do đó, thị phần của các hãng cá hồi châu Âu tại thị trường Bắc Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm 2021, một phần vì nguồn cung cá hồi tại đây đang eo hẹp hơn. Tuy nhiên, yếu tố tác động tích cực lên giá bán không chỉ có nguồn cung sụt giảm.
Sự xuất hiện của vaccine corona có thể giúp làm giảm bớt các lệnh hạn chế lên chuỗi nhà hàng, từ đó giúp cải thiện giá, đặc biệt tại Chilê, nơi nguồn cung cá hồi lớn nhất bị sụt giảm. Các chuyên gia Rabobank dự báo, giá fillet cá hồi Chilê có thể đạt 5 – 6 USD/kg tại Miami vào năm 2021 và đó là một mức giá đã được “bình thường hóa”. Nhưng giá cá hồi Na Uy có thể đạt mức trung bình 60 NOK/kg, biến 2021 trở thành một năm đáng mong đợi với ngành cá hồi Na Uy. Ngoài ra, phát triển nuôi cá hồi bằng hệ thống RAS trên cạn cũng được xem là xu hướng mới được quan tâm trong năm 2021.
Vũ Đức