T2, 06/07/2020 02:01

Tôm Minh Phú: Chất lượng chính là thương hiệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Minh Phú là một trong những nhà cung cấp tôm hàng đầu trên thế giới, Tập đoàn cũng giúp tiêu thụ lượng lớn tôm nguyên liệu của người nông dân Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng những định hướng phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới cũng như những chia sẻ của ông về ngành tôm Việt Nam hiện nay.

Thưa ông, ngành tôm Việt Nam năm 2019 đã đi qua với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, là một doanh nhân nổi tiếng trong nước và trên thế giới, ông có thể cho biết một vài suy nghĩ về lĩnh vực này?

2019 là năm khó khăn với ngành tôm Việt Nam. Vụ 1 thuận lợi, vụ 2 mưa nhiều, các bệnh vi bào tử trùng EHP bùng phát dẫn đến thiếu nguyên liệu trầm trọng, tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các nhà máy chế biến tôm. Trong khi, các nước trên thế giới như Ecuador, Ả Rập Saudi nuôi rất thành công, Ấn Độ nuôi tôm cũng ngày càng tốt hơn. Nguồn cung trên thế giới ngày càng đa dạng và dồi dào. Tôm nguyên liệu trong nước thiếu, dẫn đến giá tôm nguyên liệu tăng, nhưng giá tôm trên thị trường thế giới không tăng, điều đó khiến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 không có lãi hoặc lãi rất thấp.

 

Ông có thể chia sẻ giải pháp đã giúp Tập đoàn Minh Phú vượt qua những khó khăn trong năm 2019, tiếp tục phát triển theo lộ trình đã định?

Minh Phú cho rằng, để tăng lợi nhuận và phát triển bền vững thì cần phát triển các sản phẩm trị giá gia tăng. Minh Phú đã và đang tập trung vào các mặt hàng giá trị gia tăng như Shushi, Nobachi, tôm tẩm bột. Trong đó, sản phẩm tôm tẩm bột của Minh Phú được các khách hàng trên thế giới hết sức ưa chuộng, đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ. 

Sản xuất tôm tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú – Ảnh: Nguyệt Nga

 

Ông đánh giá về tiềm năng của thị trường tôm tẩm bột trong thời gian tới như thế nào?

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Mỹ giảm đến một nửa tôm tẩm bột nhập khẩu từ Trung Quốc, đây là cơ hội cho Minh Phú cũng như doanh nghiệp các nước khác chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Tôm tẩm bột của Minh Phú được khách hàng Mỹ ưa chuộng và đánh giá cao.

Đây vốn là mặt hàng thế mạnh của Minh Phú xuất khẩu vào Nhật Bản, đến nay lại tiếp tục được khách hàng Mỹ tin tưởng.

 

Theo ông, vì sao các dòng sản phẩm của Minh Phú chiếm được tình cảm của người tiêu dùng trên khắp thế giới?

Các sản phẩm xuất khẩu của Minh Phú luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, đồng thời có giá thành hợp lý để sản phẩm có thể đến tay nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới. Với sản phẩm tôm tẩm bột, Tập đoàn chúng tôi đã dày công nghiên cứu, kết hợp với nhiều chuyên gia hàng đầu của thế giới, đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại nhất. Đây chính là cơ sở để tạo ra những dòng sản phẩm uy tín, đáp ứng được mong mỏi của khách hàng. Mặc dù sản phẩm Minh Phú đã chinh phục thị trường rất khó tính là Nhật Bản, nhưng khi tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư những thiết bị máy móc, công nghệ cao phù hợp với mặt hàng tôm tẩm bột ở thị trường Mỹ để tăng năng suất, giảm giá thành, có giá bán cạnh tranh để phục vụ tốt cho thị trường này.

Sản phẩm tôm sinh thái của Minh Phú được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới

 

 Năm 2019, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, việc truy xuất nguồn gốc đã và đang là vấn đề “nóng” của ngành thủy sản. Có ý kiến cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản nói chung và con tôm nói riêng đã ảnh hưởng tới giá tôm trong nước. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Chúng ta nên hiểu rằng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chỉ nhập khẩu những mặt hàng tôm nguyên liệu mà trong nước không có, không nuôi trồng hoặc bổ sung nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt để tối đa công suất của nhà máy và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Cụ thể, chúng tôi chỉ nhập những dòng tôm size nhỏ để phục vụ cho phân khúc thị trường ưa thích tôm size nhỏ. Ấn Độ là quốc gia cung cấp khá nhiều tôm nguyên liệu loại này, do họ còn nuôi bằng quy trình cũ. Tại Việt Nam, nếu nuôi tôm size nhỏ sẽ bị thua lỗ nên không ai nuôi. Chúng tôi khuyến khích bà con nuôi tôm dòng tôm nguyên liệu này và các vùng nuôi của Minh Phú đang nuôi theo công nghệ thu tỉa nhiều lần, 3 lần, 5 lần hoặc hơn để có nguồn nguyên liệu size nhỏ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi cũng chuyển giao công nghệ này cho bà con nông dân. 

 

Được biết, Tập đoàn Minh Phú rất quan tâm đến nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và cũng cung cấp cho thị trường mặt hàng tôm sinh thái rất được ưa chuộng. Ông có thể cho biết về định hướng phát triển tôm sinh thái?

Bảo vệ môi trường và phát triển ngành nông nghiệp bền vững là kim chỉ nam cho hoạt động của Tập đoàn Minh Phú bấy lâu nay. Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn rất lớn để phục vụ nuôi tôm sú hữu cơ sinh thái. Minh Phú đầu tư mạnh mẽ nuôi tôm hữu cơ sinh thái trong rừng ngập mặn, tạo thu nhập tốt, ổn định cuộc sống cho bà con để bà con có thể chăm lo trồng rừng bảo vệ rừng.

 

Theo ông, triển vọng của mặt hàng tôm sinh thái như thế nào?

Tôm sinh thái thường có giá bán cao hơn từ 10 – 30% so với tôm bình thường. Ngoài ra, tiềm năng mặt hàng tôm sinh thái rất lớn, ngày càng có rất nhiều khách hàng quan tâm tới tôm sinh thái của Việt Nam. Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn rất lớn để phục vụ nuôi tôm sú hữu cơ sinh thái tốt. Minh Phú chủ trương đầu tư mạnh mẽ nuôi tôm hữu cơ sinh thái trong rừng ngập mặn, tạo thu nhập tốt, ổn định cuộc sống cho bà con. Để hoàn thành kế hoạch này, các chứng nhận tôm hữu cơ sinh thái sẽ phải đi kèm. Hiện tại, Minh Phú đã có được 1 số chứng nhận tôm hữu cơ sinh thái. Minh Phú sẽ cố gắng hoàn thiện để đạt được hiệu quả cao hơn. 5 năm nay Minh Phú mới hoàn thiện được 3 chứng nhận, còn chứng nhận của Bắc Mỹ Minh Phú đã làm 3 năm nay, hy vọng đầu năm 2020 sẽ xong và lúc đó Minh Phú sẽ bán mạnh tôm sú hữu cơ sinh thái vào Mỹ và Canada. Vì để đạt được các chứng nhận quốc tế thì quả là tốn nhiều thời gian và tiền của, nhưng Minh Phú vẫn luôn cố gắng nỗ lực hàng ngày để có thể sản xuất cung cấp được mặt hàng tôm sinh thái tốt cho sức khỏe mà đảm bảo môi trường sống của con người.

 

Năm 2019, Việt Nam thực hiện triệt để việc nuôi trồng thủy sản không sử dụng kháng sinh, ông nhận xét gì về vấn đề này?

Kháng sinh là vấn đề mà các thị trường kiểm soát ngày càng gắt gao, nên người nuôi trồng và chế biến bắt buộc phải hòa nhập và đáp ứng yêu cầu ngày một tốt hơn. Nhờ các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và sự chung tay của doanh nghiệp và người nuôi nên trong năm 2019, việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng giảm đi rất nhiều.

Riêng Tập đoàn Minh Phú hiện đang áp dụng công nghệ nuôi tôm 2 – 3 – 4 không dùng kháng sinh; nên sản phẩm của Minh Phú không có kháng sinh và chúng tôi cũng đang chuyển giao công nghệ nuôi tôm không kháng sinh cho các vùng nuôi.

Đây là giải pháp đột phá của Minh Phú. Quy trình công nghệ này vừa mang lại hiệu quả cho người nuôi, vừa nâng cao hiệu quả trong sản xuất đối với các nhà máy/đơn vị chế biến và đặc biệt tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tôm nuôi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sau quá trình thử nghiệm, Minh Phú đã thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công nâng từ 40 – 50% lên 90 – 95%; số vụ nuôi tăng từ 1 – 2 vụ/năm lên 4 – 4,5 vụ/năm. Với tỷ suất lợi nhuận ước đạt 40 – 60%/vụ, người nuôi sẽ có lãi cho dù giá nguyên liệu tôm trên thị trường xuống thấp do ảnh hưởng từ giá tôm thế giới. Theo Minh Phú, công nghệ này sẽ được áp dụng cho khoảng 100% diện tích vùng tự nuôi của Minh Phú và tại 50.000 ha vùng nuôi liên kết các hộ nông dân, tỷ lệ áp dụng lên tới 20 – 50%. Công nghệ 2 – 3 – 4 đã cho thấy vai trò tích cực trong tiết giảm chi phí nguyên liệu; vì vậy, dựa trên những thành công bước đầu, Minh Phú sẽ nhân rộng và áp dụng mô hình nuôi tôm bền vững này trong những năm tiếp theo.

 

Ngành tôm thế giới và ở Việt Nam đều đang phát triển mạnh mẽ; Chính phủ kỳ vọng xuất khẩu 10 tỷ USD từ tôm. Tập đoàn Minh Phú có kế hoạch phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Minh Phú đang tập trung phát triển vùng nuôi trồng và phấn đấu đến 2024 Minh Phú tự nuôi được 50% nguyên liệu cho xuất khẩu. Về doanh số, định hướng đến năm 2025 Minh Phú sẽ xuất khẩu khoảng gần 1,2 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD không khó vì các nhà máy chế biến xuất khẩu hiện đã đạt đủ công suất để chế biến, còn lại chỉ là vấn đề nguyên liệu. Nếu nhà nước có chính sách cụ thể và quyết liệt, đặc biệt là về nguồn vốn cho người nuôi tôm mở rộng vùng nuôi và chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao (tỷ lệ thành công có thể lên tới hơn 95%), thì đến năm 2023 Việt Nam đã có thể cán đích xuất khẩu được 10 tỷ USD. 

Hiện nay, nếu nuôi theo công nghệ cao, tỷ lệ thành công cao nhưng vốn đầu tư rất lớn, nếu nuôi 3 ha cần khoảng 4,5 – 6 tỷ đồng vốn đầu tư ao nuôi và cần khoảng 3 – 4 tỷ đồng vốn lưu động. Nếu ngân hàng cùng doanh nghiệp, người nuôi tôm, ngành bảo hiểm cùng chung tay giải quyết thì ngành tôm chắc chắn sẽ đạt được 10 tỷ USD vào năm 2025.

Với tầm nhìn của lãnh đạo một tập đoàn xuất khẩu tôm lớn của thế giới, ông nhận định ra sao về thị trường tôm toàn cầu cũng như Việt Nam và triển vọng trong năm 2020?  Nhu cầu tôm thế giới tăng 5 – 7%/năm. Song, nuôi tôm công nghệ cao ngày càng hiệu quả hơn, từ đó làm cho giá thành con tôm rẻ hơn. Do đó, giá tôm sẽ khó tăng cao. Tuy vậy, giá thành hạ sẽ kích cầu nhu cầu sử dụng tôm trong bữa ăn của người dân trên toàn cầu, do đó lượng tiêu thụ tôm sẽ tiếp tục tăng. 

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang: “Bà con nuôi tôm Việt Nam rất cần cù, sáng tạo, có nhiều cách thức, ý tưởng nuôi tôm rất hay. Tôi hy vọng trong năm mới, bà con nuôi tôm sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thay mặt Tập đoàn Minh Phú, chúc bà con nuôi tôm có những vụ mùa bội thu, thu nhập cao, đời sống được đảm bảo và ngày một phát triển!”.

 Anh – Nga (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!