T2, 05/12/2022 09:16

Tôm sú: Cần giải bài toán thị trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc chuyển đổi trở lại nuôi tôm sú đang được tiến hành ở châu Á. Nhưng liệu thị trường có sẵn sàng tiêu thụ khối lượng tăng lên, ở mức giá cao hơn hay không, vẫn là một câu hỏi.

Áp lực cạnh tranh lớn

Trong 2 thập kỷ qua, các nhà nhập khẩu ở châu Âu và Mỹ đã rất vất vả trong việc tìm ra các ngách đặc biệt cho tôm sú tại thị trường địa phương. Dịch vụ ăn uống cao cấp hay gói bán lẻ giá trị gia tăng, một bữa ăn thượng hạng dành cho những khách hàng sành điệu. Khi nhìn “bức tranh” tổng quan này, đây sẽ là ngách nhỏ đối với cho tôm cỡ lớn vì hầu như những phân khúc này hiện đang được thay thế bởi các kệ bán lẻ với nguồn TTCT rẻ hơn, đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, năm nay đã chứng kiến một sự thay đổi trong xu hướng thịnh hành, khi nhiều nông dân châu Á quay trở lại nuôi  tôm sú cỡ lớn mà họ biết rất rõ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội của TTCT Ecuador. Tại Diễn đàn tôm toàn cầu ở TP Utrecht, Hà Lan diễn ra trong tháng 9/2022, khi quy mô kế hoạch tăng trưởng tôm sú của Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia trở nên rõ ràng, câu hỏi đáng báo động đã được đặt ra: Ai sẽ mua tất cả lượng tôm nguyên liệu này?

Ít hy vọng tại EU và Mỹ

Tin tức từ các thương nhân châu Âu về tôm sú không đem lại nhiều niềm vui cho các nhà sản xuất. Ông Mathias Ismail, Giám đốc điều hành OSO – nhà sản xuất tôm sú của Pháp cho biết, thị phần hiện tại mà tôm sú chiếm giữ ở Pháp khoảng 5%, tương đương 5.000 – 6.000 tấn hàng năm. Con số này chứng minh các điều kiện thị trường bị hạn chế trong việc phát triển loài này.

Theo ông Ismail, khoảng 80% tôm sú được phân phối thông qua các cửa hàng chuỗi lớn và 20% thông qua dịch vụ thực phẩm, nhà bán lẻ nhỏ, chợ cá hoặc người kinh doanh thực phẩm nhỏ. Tuy nhiên, thị trường bị ảnh hưởng bởi giá nên việc sản xuất ồ ạt sẽ không phù hợp với nhu cầu thực tế. “Khả năng sản xuất của TTCT ngày càng tăng và kích cỡ cũng ngày càng lớn hơn. Vì thế, tôi nghĩ rằng sẽ có xung đột lợi ích trực tiếp giữa hai sản phẩm”, ông nói thêm.

Ông Rogier Speelman, Giám đốc điều hành Công ty kinh doanh thủy sản Fisherman’s Choice, Hà Lan cũng nghi ngờ về tiềm năng bùng nổ phát triển tôm sú tại thị trường EU. “Nếu chênh lệch giá so với TTCT là 6 EUR/kg trở lên, thì không ai muốn trả khoản này. Nếu chúng ta có thể giảm chênh lệch xuống 3 EUR/kg thì còn có khả năng và thu lợi nhuận từ việc số lượng tăng”, ông Speelman phân tích. Trên thực tế, tôm sú không có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường EU. Có lẽ, các nhà sản xuất tôm sú nên xem xét hướng đến tiêu thụ nội địa hoặc các thị trường tiêu dùng lớn ở châu Á.

Đồng quan điểm, ông Heiko Lenk, Giám đốc điều hành Công ty nhập khẩu Lenk Frozen Foods, Đức nói: “Tôi không thể ngồi đây và nói không sao, tuyệt vời, chúng tôi sẽ bán 550.000 tấn tôm sú theo kế hoạch sản xuất của Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng khó có thể làm được điều đó ở EU”.

Thật khó cho nhiều nông dân châu Á khi đang chuyển sang nuôi tôm sú trong năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định, tôm sú khó có khả năng cạnh tranh với TTCT. Hiện nay, các thị trường thích hợp cho tôm sú ở EU và Mỹ cũng chưa có nhiều tiềm năng. Theo đó, để thúc đẩy tiêu thụ loài này, cần giảm giá hoặc tìm đến các thị trường châu Á.

Ông Jeff Stern, đồng Chủ tịch Công ty nhập khẩu thủy sản đông lạnh CenSea, Mỹ, cho biết, tình hình tiêu thụ tôm sú tại Mỹ cũng tương tự EU. Ông giải thích: “Tôm sú là loài tôm nuôi kích cỡ lớn đầu tiên từ châu Á đến được thị trường Mỹ. Ban đầu dù khó khăn nhưng qua thời gian tôm sú cũng đang được người tiêu dùng dần chấp nhận. Tuy nhiên, sau đó TTCT đã lấy mất thị phần từ tôm sú và tăng trưởng vượt trội ở Mỹ. TTCT cạnh tranh hơn về giá và ngày càng nhiều nông dân chuyển sang nuôi loài này. TTCT cũng cho phép các khách hàng bán lẻ và dịch vụ thực phẩm lớn cam kết với số lượng lớn và họ có thể đầu tư”.

Tiềm năng ở phía Đông

Theo các chuyên gia, mặc dù tình hình kinh doanh có phần không mấy sáng sủa tại các thị trường phương Tây nhưng tôm sú vẫn có những tiềm năng phát triển trở lại.

Ông Willem Van der Pijl, người sáng lập Shrimp Insights cho rằng, sản lượng tôm sú của Trung Quốc đang tăng rất nhanh và vượt trội nhưng phần lớn vẫn chỉ mới đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, chưa bao giờ dành cho xuất khẩu.

Còn theo ông Ismail: Các thị trường châu Á đang phát triển là điểm đến mà các nhà sản xuất tôm sú nên hướng đến nếu muốn tìm kiếm sự tăng trưởng vì không có cách nào có thể dự báo được nhu cầu hiện tại của phương Tây có phù hợp với mức tăng trưởng nguồn cung tôm sú như dự báo hiện nay hay không.

“Châu Á là nơi tập trung phần lớn dân số thế giới và là nơi có sự tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, sản xuất ở châu Á và phục vụ thị trường châu Á có ý nghĩa rất quan trọng khi chi phí logistics là một vấn đề lớn đáng phải quan tâm như hiện nay. Tuy nhiên, sản xuất tôm sú cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá so với TTCT”, ông Ismail nói thêm.

>> Ông Robins McIntosh, Phó Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Foods (CPF) cho biết, sản lượng tôm sú toàn cầu đã tăng lên 546.000 tấn vào năm 2021 từ 382.000 tấn vào năm 2019. Sản lượng tôm sú của Trung Quốc trong năm 2022 ước tính sẽ đạt 180.000 tấn, tăng 20% ​​so năm 2021, có thể vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới.

Phương Ngọc

Theo Undercurrentnews & TFS

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!