Tròn mười năm ấy biết bao nghĩa tình

Chưa có đánh giá về bài viết

Tạp chí Thủy sản Việt Nam bước vào tuổi thứ 10, ghi nhận những thành quả của người làm báo, của các chuyên gia và doanh nghiệp, những người nông dân trong việc xây dựng và phát triển một diễn đàn năng động, gần gũi và thiết thực. Tạp chí đã trở thành một phần của ngành thủy sản và là món ăn tinh thần của người làm nghề cá, tôm.


Thủy sản Việt Nam được đông đảo bạn đọc đón nhận Ảnh: TSVN

Chung một ý tưởng

Ngành thủy sản Việt Nam có bề dày lịch sử khá lâu đời, nhưng chỉ thực sự phát triển từ sau năm 1975, tuy nhiên, cái thiếu của ngành lúc này là có một tờ báo đẹp và hay. Không ít lần giới chuyên môn đã xây dựng ra tờ báo chuyên ngành thủy sản, nhưng lúc khó khăn về kinh tế, khi lại thay đổi cơ chế… nên báo chí thủy sản lúc mất lúc còn, lúc thịnh lúc suy.

Trong bối cảnh đổi mới, lấy dân làm gốc, Hội Nghề cá Việt Nam ra đời để phát huy sức mạnh gốc rễ từ các ngư dân, cộng đồng thủy sản, các hội, hiệp hội và doanh nghiệp… Rõ ràng, một tổ chức lớn có vai trò kinh tế và chính trị quan trọng trong lúc cả nước đều hướng ra biển, rất cần một diễn đàn có uy tín, tiếng nói có trọng lượng. Đúng thời điểm ấy, TS Nguyễn Việt Thắng, Nhà báo Dương Xuân Hùng và nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản đã có sáng kiến xây dựng một tờ tạp chí lấy tên Thủy sản Việt Nam.

Tôi là một trong những người gắn bó với ekip làm tờ báo này từ số đầu tiên. Tờ báo ra đời trong bối cảnh khó khăn chồng chất và rất ít người tin rằng nó có thể thành công. Đó là do hoàn cảnh báo chí ngày càng thu hẹp, kinh doanh thua lỗ, báo mạng và diễn đàn lấn lướt báo giấy hay ngân sách kiểu bao cấp dành cho báo chí không còn… Để xây dựng lên tờ báo, những người cốt cán phải lo mọi thủ tục, tài chính để vận hành, thậm chí giai đoạn đầu, Nhà báo Dương Xuân Hùng phải làm việc không lương, còn tiền trả lương cho cán bộ, phóng viên phải đi vay.

Những số báo đầu tiên được in cả trong Nam, ngoài Bắc mang tên Thủy sản Việt Nam với hình thức trình bày đẹp, hiện đại, nội dung gắn liền với nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu và dịch vụ hậu cần thủy sản… đã làm chấn động làng báo. Người ta bất ngờ khi thấy tờ tạp chí chuyên về thủy sản, một ngành thế mạnh của Việt Nam xuất hiện trên các chuyến bay, tại các quán cà phê và cả trên sạp báo. Những người sáng lập vô cùng phấn khởi, nhưng vẫn còn những nỗi lo toan nhất là mỗi lần báo được đưa đi phát hành.

Đón nhận

Sự lớn mạnh của Tạp chí Thủy sản Việt Nam được ví như “Thánh Gióng”. Bởi chỉ chừng vài năm, Tạp chí đã kịp “phủ sóng” khắp các tỉnh, thành. Đáng nể hơn nữa là bên cạnh Tạp chí Thủy sản Việt Nam còn có các ấn phẩm chuyên sâu như: Con Tôm, Tra&Basa, Người Chăn nuôi, hay mới nhất là Tạp chí Thế giới Gia cầm (hợp tác cùng Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam)… Đi đến đâu, người trong ngành cũng nói với nhau về những cuốn tạp chí nhiều ý nghĩa này.

 Bác Sáu Ngoãn, người một thời được vinh danh là “vua tôm”, cho biết: “Tôi thường xuyên đọc Tạp chí Thủy sản Việt Nam, không bỏ sót bài nào. Những bài viết luôn giúp tôi suy nghĩ, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Tuy vậy, cũng có những ý kiến khiến tôi muốn phản biện và được phản biện. Chẳng hạn việc nên phát triển nuôi tôm quảng canh hay nuôi tôm công nghiệp? Bởi theo tôi, vấn đề này phải dựa vào đặc trưng từng vùng miền, không nên phát triển đại trà”.

Anh Hoàng Vũ, một đại lý kiêm người nuôi tôm doanh số hàng trăm tỷ ở Bình Đại, Bến Tre cũng là một độc giả trung thành của Thủy sản Việt Nam. Anh sưu tầm tất cả các số báo và hầu như nội dung số báo nào anh cũng nắm vững. Mỗi lần gặp anh em trong tòa soạn, anh đều nói chuyện cái hay, cái chưa hay trong các số! Là một đại lý, nhưng anh không chỉ bán sản phẩm mà còn có mô hình nuôi thực nghiệm, để kiểm tra xem chất lượng sản phẩm mình bán như thế nào, tìm ra những quy trình nuôi phù hợp nhất giúp người nông dân thành công khi sử dụng sản phẩm của mình. “Gặp được Tạp chí Thủy sản Việt Nam với tôi đó là một mối cơ duyên, tờ báo giúp tôi rất nhiều niềm tin, kiến thức và sự quyết tâm”, anh Vũ nhấn mạnh.

Giải thưởng và triển lãm

10 năm, một chặng đường chưa phải là dài đối với một cơ quan báo chí, song Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã tổ chức, xây dựng được những giải thưởng và triển lãm uy tín vươn tầm quốc tế.

Danh hiệu “Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam” là giải thưởng uy tín, tôn vinh những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp xuất sắc trong mọi lĩnh vực của ngành thủy sản. Không chỉ ghi nhận thành tích kinh doanh, giải thưởng còn được trao dựa vào các kết quả hoạt động xã hội, đóng góp bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển thủy sản bền vững. Có những doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu để nhiều năm liên tục dành giải thưởng này và phát động phong trào lao động, sáng tạo trong toàn hệ thống công ty của mình, từ đó tạo ra không khí thi đua làm việc rất hiệu quả. Hơn nữa, không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà các tập đoàn quốc tế cũng rất vinh dự khi được trao giải thưởng “Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam”, thậm chí có doanh nghiệp còn làm bản sao giải thưởng để cấp cho các chi nhánh, như một niềm động viên khích lệ cán bộ, nhân viên.

VietShrimp, hội chợ triển lãm lớn nhất của ngành tôm Việt Nam được Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức, ngay lần đầu tiên đã suýt “vỡ trận” do số doanh nghiệp tham gia vượt quá dự kiến của Ban tổ chức. Tỉnh Bạc Liêu đánh giá rất cao hội chợ triển lãm này và bày tỏ mong muốn sẽ nhiều lần tổ chức VietShrimp, bởi hoạt động này thu hút đông đảo nông dân ĐBSCL, trở thành ngày hội cả khu vực tại Bạc Liêu.

Hướng đến sự phát triển bền vững

10 năm qua, cũng như người nuôi tôm đã đạt nhiều thành tích trong nuôi trồng, các nhà máy thành công trong xuất khẩu, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng có nhiều thành tựu và sự trưởng thành. Tờ báo đã và đang ngày càng phát triển, cả báo giấy và báo điện tử. Nhà báo Dương Xuân Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí luôn tâm sự: “Tạp chí muốn trở thành tiếng nói gần gũi của người dân, bảo vệ quyền lợi của người nuôi trồng thủy sản, làm sao nông dân được mùa, sản phẩm được giá, doanh nghiệp đạt kim ngạch cao nhưng lợi nhuận cũng cao tương ứng”. Phát triển bền vững và xây dựng uy tín thương hiệu cho ngành cũng là mục tiêu mà Tạp chí Thủy sản Việt Nam hướng tới.

Một trong những người sáng lập, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và hiện là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, tâm sự: “Hội xem việc phát triển nghề cá đi đôi với bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Tạp chí Thủy sản Việt Nam chính là cơ quan ngôn luận giúp người dân tin tưởng vào sự nghiệp thủy sản, yêu biển, yêu quê hương đất nước”.

Nhìn những số tạp chí mới in với nội dung ngày càng phong phú, được bạn đọc yêu mến và thực sự có ích cho các chuyên gia, người nuôi, doanh nghiệp và cả các bạn sinh viên, học sinh chuyên ngành thủy sản; những người làm báo cũng như đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, đối tác có thể hãnh diện và tự hào về 10 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

>> Tạp chí Thủy sản Việt Nam đang có những chương trình, kế hoạch phát triển tờ báo ngày càng phong phú, mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, để xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của bạn đọc trong và ngoài nước. Hãy cùng chờ đón những ấn phẩm chất lượng của Thủy sản Việt Nam.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!