Trung Quốc: Mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc về sử dụng lao động cưỡng bức

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc liên quan tới việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chế biến thủy sản, và gọi cáo buộc này là “hoàn toàn bịa đặt”

Đòn giáng mạnh xuống Trung Quốc

Cáo buộc này xuất phát từ một bài báo đăng tải kèm video của tổ chức phi chính phủ The Outlaw Ocean Project (OOP) kết hợp với Tạp chí The New Yorker (Mỹ). Theo đó, bài báo khẳng định một số nhà máy chế biến thủy sản Trung Quốc đã sử dụng nhân công không tình nguyện từ Uyghur (một sắc tộc người Turk sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc), những người này đã bị buộc làm việc trong môi trường tương đương như lao động cưỡng bức. 

Ông Cui He, người đứng đầu Hiệp hội Chế biến và Tiếp thị Sản phẩm Thủy sản Trung Quốc. Ảnh: CAPPMA

Bài báo đã nhanh chóng khiến một số nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu tạm dừng đơn hàng từ một số nhà cung ứng Trung Quốc có tên trong danh sách cáo buộc. Ngày 13/10, Lund’s Fisheries, một công ty khai thác và chế biến mực, sò điệp và nhiều loại cá biển khác có tên tuổi tại Mỹ đã thông báo dừng hợp tác với một nhà cung ứng hải sản Trung Quốc được nêu tên trong bài báo.

Một nhà bán lẻ lớn khác của Mỹ, Albertsons Companies, cũng cho biết đã rút hai sản phẩm của High Liner, bao gồm cá bơn và cá hồi nâu. Bản thân High Liner đã ngừng làm việc với nhà cung ứng Trung Quốc sau khi cáo buộc liên quan tới lao động ở Uyghur được công bố. Công ty bán lẻ Aldi và Lidl của Đức cho biết họ tin nội dung của bài báo và cũng đã chấm dứt quan hệ với các nhà máy chế biến Trung Quốc.

Sự đáp trả quyết liệt

Đáp trả sự việc, Hiệp hội Chế biến và Tiếp thị Sản phẩm Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA) cho biết họ đã ngay lập tức tiến hành điều tra các công ty bị “chỉ mặt đặt tên” trong bài báo, và khẳng định không tìm thấy “bằng chứng về lao động cưỡng bức,” như cáo buộc. “Tất cả công nhân đến từ các sắc tộc khác nhau nhưng được hưởng điều kiện làm việc như nhau, có quyền lợi và lương thưởng bằng nhau”, Trung Quốc tuyên bố.

CAPPMA còn cho biết các nhà máy chế biến Trung Quốc “liên tục tuân thủ Luật Lao động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nghiêm túc thực hiện yêu cầu kiểm tra của các bên quốc tế thứ ba nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động”. Tuyên bố của CAPPMA nhấn mạnh tất cả người lao động từ mọi vùng miền, sắc tộc đều được bảo vệ bởi một loạt quyền lao động theo pháp luật Trung Quốc. “Nhân viên của các dân tộc đều hưởng quyền lao động, bao gồm cơ hội việc làm bình đẳng, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, bồi thường công bằng và được đào tạo kỹ năng nghề. Những nguyên tắc này cũng áp dụng cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản”, tuyên bố viết.

Các quan chức của CAPPMA đã thẳng thắn tuyên bố câu chuyện về lao động cưỡng bức là hoàn toàn bịa đặt và chỉ trích các phương tiện truyền thông, mặc dù họ không công bố bất kỳ bằng chứng nào về “sự bịa đặt” này. CAPPMA viết: “Thật sự quá vô trách nhiệm! Việc truyền tải thông tin đã khiến một số khách hàng của Trung Quốc tạm ngừng vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy được nhắc tên trong bài báo”.

CAPPMA đã mời một số tổ chức quốc tế và nhà báo đến thăm các nhà máy tại Trung Quốc để họ tự đánh giá. Ngoài ra, theo luật Trung Quốc, việc sử dụng lao động từ Tân Cương – bao gồm những người được đưa đi theo chương trình vận chuyển lao động của chính phủ – là hợp pháp.

Thế giới vào cuộc

Theo Đạo luật Bảo vệ Lao động Cưỡng bức đến từ Uyghur của Mỹ, hàng hóa sản xuất bởi cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương tại các cơ sở nằm trong hoặc ngoài Tân Cương đều bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.

Liên Hợp Quốc, các tổ chức nhân quyền và các chuyên gia cũng đồng tình rằng từ năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã đưa người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương vào hệ thống lao động bắt buộc của chương trình chuyển giao lao động toàn quốc. Theo chương trình này, công nhân bị tuyển dụng một cách ép buộc, thậm chí không có quyền tự do chấm dứt hợp đồng lao động.

OOP cho biết họ đã xác định các video được tải lên từ nhiều tài khoản người dùng trên Douyin – ứng dụng riêng tại Trung Quốc tương đương như TikTok – với nội dung cho thấy người dân tộc Tân Cương bị đưa tới các nhà máy chế biến hải sản ở Sơn Đông một cách không tự nguyện. Tệ hơn, họ bị bắt giữ, đánh đập, ăn uống thiếu thốn.

>> Cuộc điều tra đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ đến mức một ban đồng thuận của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã triệu tập một cuộc điều trần đặc biệt để thảo luận vấn đề này. Ủy ban hướng về Trung Quốc thuộc Quốc hội và Cơ cấu phụ trách hành chính của Hoa Kỳ (CECC) thông báo phiên điều trần sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần, bắt đầu từ ngày 24/10. Anh Ian Urbina (ảnh) - tác giả của bài báo - sẽ tham gia để chứng thực. Anh hiện là giám đốc kiêm nhà sáng lập OOP, đồng thời là phóng viên điều tra có 17 năm kinh nghiệm tại Tạp chí Thời báo New York và đã từng đạt giải Pulitzer (một trong những giải danh giá nhất của báo chí Mỹ).

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!