T2, 06/07/2020 10:03

Truy tìm loài tôm hùm sống… trên cây

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 80 năm biến mất một cách đầy bí ẩn, các nhà khoa học đã may mắn tìm lại được loài tôm hùm sống trên cây có tên khoa học là Dryococelus australis.

Cực kỳ hiếm

Tôm hùm cây có tên khoa học là Dryococelus australis, là một loài côn trùng cực kỳ quý hiếm thuộc họ Bọ que Phasmatidae. Con trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 12 – 15cm và trọng lượng trung bình khoảng 25 gram.

Con cái thường lớn hơn con đực một chút, có thân hình thuôn dài với hai cặp chân khỏe mạnh phía trước và một cặp càng rất lớn phía sau. Mặc dù những con đực có càng lớn hơn con cái nhưng cơ thể của chúng lại nhỏ hơn. Chúng không có cánh, đầu hình tròn tương đối nhỏ với một cặp râu ngắn chĩa về phía trước. Phần bụng tương đối giống loài tôm với các đốt ngắn. Màu sắc cơ thể có thể thay đổi từ màu đen đến màu nâu đỏ.

 

Tập quán yêu đương khác lạ

Hành vi ghép đôi của loài tôm hùm cây khá khác biệt so với những loài côn trùng khác. Chúng sinh sống theo từng cặp đôi và khá “chung thủy”. Con đực luôn theo sát con cái và hoạt động của nó hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của con cái. Ban đêm khi ngủ, con đực dùng chân cuốn lấy cơ thể con cái để bảo vệ và che chở, dù chúng có kích thước nhỏ hơn.

Những con cái đẻ trứng trên cây. Sau 9 tháng trứng nở. Con non có màu xanh lá cây, hoạt động vào ban ngày nhưng khi đạt độ tuổi trưởng thành, cơ thể của chúng sẽ chuyển sang màu đen hay nâu đỏ như bố mẹ và chủ yếu hoạt động vào ban đêm.

Loài tôm này có khả năng chạy rất nhanh và di chuyển linh hoạt nhờ vào những cặp chân khỏe mạnh.

 

Phát hiện may mắn

Dryococelus australis tưởng chừng như đã tuyệt chủng suốt 80 năm nay. Thế nhưng mới đây, các nhà khoa học đã tìm được 24 cá thể tôm hùm cây sống ở độ cao 152m, ngay trên cây duy nhất còn sống sót tại đảo đá khô cằn Balls Pyramid cao 562m nằm trơ trọi giữa Nam Thái Bình Dương.

Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là bằng cách nào mà loài côn trùng đặc biệt này có thể leo lên đỉnh của hòn đảo đá giữa biển để sinh sống khi mà chúng không biết bay và tồn tại trong điều kiện thiếu thốn nguồn thức ăn cũng như môi trường sống khắc nghiệt.

Trong chuyến thám hiểm đảo đá Balls Pyramid năm 2001, hai nhà khoa học Australia là David Priddel và Nicholas Carlile đã phát hiện được vài cá thể tôm hùm cây sinh sống tại đây. Tuy nhiên, do lo ngại ảnh hưởng tới số lượng loài côn trùng đặc biệt này, Chính phủ Australia đã không cho phép các nhà khoa học đưa chúng trở lại đất liền để nghiên cứu.

Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên trì thuyết phục, cuối cùng Chính phủ Australia cũng đã chấp thuận để các nhà nghiên cứu bắt 4 con tôm hùm cây về để gây giống nhằm tạo ra hàng ngàn cá thể mới, tránh cho chúng khỏi thảm họa tuyệt chủng.

>> Trong số 4 cá thể được đưa vào đất liền, không may hai cá thể bị chết và hai cá thể còn lại được đặt tên là “Adam” và “Eva”. Cặp đôi này đã sinh ra 11.376 tôm hùm cây con với 700 con nay đã trưởng thành tiếp tục hành trình duy trì nòi giống tại Sở thú Melbourne, Australia.

Hải Băng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!