Từ thợ hồ trở thành triệu phú trại cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đã thuộc vào diện hộ nghèo lại sống tại vùng trũng “trồng lúa mà chỉ thu rơm rạ”, an phận với nghề thợ hồ tận các xứ Tây Nguyên. Rồi “chuyển mình” thành ông chủ trại cá, thoát nghèo và giúp đỡ bà con, hiến kế cho mọi người cùng làm giàu trên quê hương mình.

Ông chính là Nguyễn Ngọc Ánh (ảnh bên), trú tại thôn Tân Dương, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định – chuyên cung cấp cá thịt và sản xuất con giống các loại như cá lóc, trê, chình, cá bống tượng, cá rô đồng và ba ba. Mô hình của ông Ánh là hồ tự nhiên, hồ nhân tạo và bạt hồ.

 

Khởi nghiệp từ 5 triệu vay lãi

“Làm thợ hồ rất mất sức, mỗi ngày chỉ kiếm được dăm bảy chục ngàn rồi lại phải chia chác với nhau, số còn lại ít ỏi gom để gửi về cho vợ. Thế nhưng, tui không từ bỏ mà cố gồng mình để có cái mà nuôi con ăn học, chứ về quê trông vào vài mẫu ruộng phèn thì các con thất học mất”, ông Ánh kể lại. Rồi lần lượt từng đứa con lớn, nhỏ của ông đậu đại học, cao đẳng và ra trường có chỗ làm ổn định. Ông nói: “Tui bắt đầu nghề nuôi cá từ năm 2005. Từ 5 triệu tiền vay lãi của ngân hàng, một ít của để dành, tui đổi nghề về vườn tìm kế sinh nhai”.

Cuộc hồi hương của ông Ánh cũng phải đánh đổi bằng một cái nghề mà ông chắc chắn là sẽ đem lại thu nhập cho vợ chồng ông chứ nhất định không ngồi không để con cái nuôi. Cuối cùng người con trai cả Nguyễn Ngọc Thảo, kỹ sư nuôi trồng thủy hải sản Bình Định phải cùng ông giao du một chuyến qua các miền Nam, Bắc để ông tham quan các mô hình nuôi cá nước ngọt, nước lợ rồi ông mới “ưng ý” về quê chuyển nghề.

Với số vốn ít ỏi gia đình gom góp, để mở một hồ cá phải mất gấp ba đến bốn lần mới thành. Trước tình cảnh đó, thêm lần nữa ông Ánh bàn cùng vợ con, “nếu muốn làm giàu mình phải liều thêm phen nữa”. Vậy nên, sổ nhà đất của ông lần lượt được “gác” trên ngân hàng để đổi vốn làm ăn. Từ 10 triệu xây được một hồ cá lại thiếu con giống, đến 20 triệu có thêm con giống lại muốn mở rộng hồ ra… Sau hai năm ông đầu tư, toàn bộ vốn vay ngân hàng vào những loại cá ngắn ngày, bán thu nhập để tích vốn rồi ông trả hết nợ ngân hàng và mở rộng ra các hình thức nuôi thả các loại con giống khác như chình, ba ba, cá bống tượng…

Ông Ánh nói: “Phần làm tui bất an nhất là kỹ thuật nuôi, nên con trai tui phải tranh thủ ngày nghỉ, lễ về quê hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho tui từ chi tiết đến cụ thể. Ban đầu còn nhiều mơ hồ nhưng dần dần tui nắm bắt được, có thêm nó làm kỹ sư thủy sản tui thêm an tâm nên mô hình của nhà tui ngày một hiệu quả”.

Mô hình nuôi thủy sản tổng hợp mang lại cho ông Ánh hàng trăm triệu tiền lãi

 

Truyền nghề cho… người giàu

Để tăng thêm thu nhập, bản thân ông Ánh tự chạy xe về cảng Quy Nhơn mua thức ăn mang về, mỗi chuyến ông tiết kiệm được năm chục đến vài trăm ngàn so với mua lại thức ăn tại quê. Ông cho biết: “Những năm gần đây khi đã có số vốn ổn định trong tay, tui làm thêm mô hình nuôi ba ba và cá bống tượng, đặc biệt xuất con giống là chủ yếu”.

Học theo mô hình của ông Nguyễn Ngọc Ánh, không chỉ người dân trong huyện, tỉnh mà ở các tỉnh bên như Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum… cũng tìm đến tìm hiểu và mua con giống về nuôi.

Ông Ánh nói: “Để có một mô hình thủy sản tổng hợp thì chỉ có nhà giàu mới dám làm, chứ nhà bình thường thì không đủ vốn đâu, nhất là con ba ba cần rất nhiều vốn lại là loại nuôi dài ngày nên rất phức tạp”. Theo ông Ánh, trong xã Nhơn An đã có ông Hồ Ngọc Châu (Bí thư Đảng ủy xã), Trần Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Chúc… đã mạnh dạn nhân rộng mô hình nuôi ba ba. Ngoài ra, nhiều nông dân nghèo muốn học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào mô hình nuôi cá ngắn ngày đều được ông chỉ bảo tận tình. Ai chưa tin tưởng thì ông gọi con trai về truyền lại kỹ thuật cho họ, những gì người dân cần biết về nghề nuôi cá đều được cha con ông Ánh tận tình giúp đỡ.

Mỗi năm, mô hình thủy sản tổng hợp mang lại cho ông Ánh trên 200 triệu tiền lãi. Số tiền này ông lại đầu tư thêm các loại ao hồ nhân tạo khác, kể cả đám ruộng lúa mất mùa cũng được sử dụng vào mục đích “lấy ngắn nuôi dài” của ông. Ông Ánh tâm sự: “Tui cũng xuất thân từ một nông dân nghèo, có được ngày hôm nay là nhờ sự động viên hết mức của bà con lối xóm, giờ tuổi cao nhưng tui vẫn theo nghề này thêm nhiều năm nữa. Tui rất sẵn lòng giúp đỡ bà con cả về kinh nghiệm, kỹ thuật lẫn vốn liếng nếu bà con có nhu cầu làm giàu trên quê hương mình. Tui thấy đó là niềm vui và nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho người nghèo…”.           

Việt Hương

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!