Vẫn còn trên 15.000 tàu cá “3 không”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 4.375 tàu cá trên 15 m không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, trong đó có 220 tàu cá trên 24 m… Cùng đó, cả nước còn gần 15.200 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Do đó, để thực hiện tốt công tác chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 5 (tháng 4/2023); Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố ven biển về việc thực hiện một số nội dung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Cần thêm các giải pháp mạnh để quản lý những tàu cá “3 không” tại các địa phương. Ảnh: Như Đồng

Thông tin tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chủ trì tổ chức tại tỉnh Kiên Giang vừa qua, Phó Thủ tướng đã ghi nhận sự cố gắng của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế mà Đoàn Thanh tra lần thứ 4 của EC đã chỉ ra. Tuy nhiên, xét về tổng thể, đến nay tại một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, như: tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp; việc kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không”; cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong điều tra, xác minh, xử phạt các hành vi khai thác IUU như khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối hoặc gửi, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình (VMS) trái phép, vi phạm về Nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng…; dẫn đến kết quả còn rất hạn chế, chưa đồng bộ giữa các địa phương, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Dự kiến tháng 4/2023, EC sẽ sang Việt Nam để thanh tra lần thứ 5. Đây được xem là cơ hội “cuối cùng” để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” trước khi EU bầu cử.  Nếu không gỡ được “thẻ vàng” trong thời gian sắp tới thì có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ”, bị hạn chế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường quan trọng khác. 

Trước thực tế này, trong văn bản gửi các địa phương mới đây Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với các tàu cá chưa đăng ký tại địa phương, không để phát sinh tình trạng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại địa phương. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra và xác định rõ tình trạng tàu cá (đang ở đâu, đang hoạt động hay nằm bờ, chủ sở hữu, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác) mất kết nối qua hệ thống VMS trên 6 tháng, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên. Báo cáo rõ nguyên nhân mất kết nối, kết quả xử lý, lý do không xử phạt theo quy định đối với từng trường hợp. 

Trong gần 15.200 tàu cá “3 không” (trong đó chủ đạo là nhóm tàu chiều dài từ 6 -12 m), tập trung nhiều nhất tại các tỉnh như: Bình Thuận (1.868 tàu), Kiên Giang (1.465 tàu), Quảng Ninh (1.348 tàu), Hà Tĩnh (1.152 tàu), Bà Rịa – Vũng Tàu (1.095 tàu), Bình Định (1.067 tàu), Quảng Nam (1.000 tàu)… Được biết, tỉnh Kiên Giang đã và đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Kiên Giang cam kết, trước ngày 30/4/2024, hoàn thành công tác điều tra, xác minh, xử lý nhóm tàu vi phạm và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài của năm 2023. Sở NN&PTNT Kiên Giang phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm nhóm tàu “3 không”; tiếp tục rà soát, nắm hiện trạng, đề xuất công bố thêm cảng cá loại III, để tổ chức quản lý, giám sát qua cảng theo quy định. Xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển. Thực hiện đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc hợp thức hóa hồ sơ. Khẩn trương hoàn thiện sửa đổi bổ sung quy chế quản lý thiết bị giám sát hành trình và quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Còn tại tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức triển khai hoàn thành việc thống kê toàn bộ tàu cá từ 6 m trở lên chưa đăng ký đến địa bàn cấp xã, thôn; tập trung nguồn lực (phân công, bố trí lực lượng; phân chia theo tổ, theo địa bàn), nhằm triển khai công tác đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không” đang hoạt động để theo dõi, quản lý trước khi Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực thi hành. Thời gian yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/3/2024.

Qua rà soát, kiểm tra của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, nguyên nhân khiến cho tỉnh có số lượng tàu “3 không” lớn đó là việc thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định gặp rất nhiều vướng mắc về hồ sơ, như: Không có giấy chứng nhận xuất xưởng do cơ sở đóng tàu đủ điều kiện cấp; không có văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá của Sở NN&PTNT tỉnh; ngư dân tự mua máy cũ trôi nổi trên thị trường, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; tự ý cải tạo, nâng cấp tàu cá không báo cáo, không có xác minh của đơn vị có thẩm quyền… Mặt khác, toàn tỉnh chỉ còn 22 cơ sở đóng mới, sửa chữa và cải hoán tàu cá hoạt động, tập trung ở các địa phương: Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn. Trong đó, chỉ có 5 cơ sở ở thị xã Quảng Yên đủ điều kiện hoạt động đã được Sở NN&PTNT công bố. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết ngày 25/2/2024 cơ bản hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm chính thức; phấn đấu hoàn thành đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy trước ngày 30/3/2023 và có kế hoạch ra quân cao điểm xử lý triệt để vào tháng 4/2024. Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị di dời lên bờ, không cho phép hoạt động. Các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Công an…) mỗi tuần phải xử phạt ít nhất một tàu cá không có đăng ký, đăng kiểm và làm đến đâu thì tăng cường tuyên truyền đến đó.

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!