Về quê tính chuyện làm giàu

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Vợ con, nhà cửa đang đuề huề ở thành phố Rạch Giá, bỗng một ngày, Hồ Công Thắng một mình khăn gói trở về Đồng Hới dựng tạm cái lán nhỏ, rồi làm đơn xin xã Lộc Ninh nhận thầu 4 ha mặt nước để nuôi cá nước ngọt, mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân trong vùng.

 

 

Duyên nợ con cá, con tôm

Sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo, có nhiều đời làm nghề nông ở xã Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, từ nhỏ, Hồ Công Thắng đã nổi tiếng khắp vùng với cái “tài lẻ” là “sát cá, sát tôm”.

Năm 1978, tròn 18 tuổi, Hồ Công Thắng nhập ngũ và được biên chế vào Bộ Tư lệnh Vùng V Hải quân, tham gia chiến đấu trên đất Campuchia. Năm 1983, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Thắng lập gia đình với một người con gái quê Kiên Giang rồi quyết định ở lại đây lập nghiệp. Sau đó anh được nhận vào làm việc tại Công ty Dịch vụ Thuỷ sản Tây Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy công việc của Thắng ở Công ty Dịch vụ Thuỷ sản đang thuận lợi, nguồn thu nhập hàng tháng ổn định, đảm bảo cho anh duy trì tốt cuộc sống gia đình, nhưng nhiều lần anh bàn với vợ là mình sẽ xin nghỉ chế độ để ra làm ngoài, tích luỹ thêm vốn sau đó về quê lập nghiệp với nghề nuôi thuỷ sản. Bởi vì đã mấy chục năm ở Kiên Giang, nhưng Thắng vẫn chưa bao giờ quên được những cánh đồng lúa ở quê mình, với trữ lượng cá tôm phong phú, mùa nào cũng nhiều vô kể. Anh vẫn còn nhớ như in phía trước sân nhà mình ở Lộc Ninh có một đầm lầy chừng vài ha, mà lúc nhỏ anh vẫn thường ra đây bơi lội… Thắng nghĩ, nếu cải tạo và đầu tư hợp lý, đầm lầy đó có thể “đẻ” ra được nhiều tiền. Lúc đầu, khi mới nghe Thắng trình bày ý tưởng, chị Phượng vợ anh đã không khỏi “giật nảy mình” cho rằng anh “có vấn đề”, không bình thường, vì cả gia đình ở Kiên Giang đang sống rất tốt.

Lần thứ nhất thuyết phục vợ chưa được, Thắng kiên trì thuyết phục lần thứ hai, lần thứ ba… Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng chị Phượng cũng đồng ý cho anh nghỉ việc ở thành phố Hồ Chí Minh để về Kiên Giang tự buôn bán kiếm sống. Cống hiến cho ngành thuỷ sản 18 năm, năm 1990 khi về nghỉ chế độ, Hồ Công Thắng được doanh nghiệp thanh toán một lần trên 4 triệu đồng. Cùng với mấy chục triệu do vợ chồng tích cóp được, anh quyết định bắt tay vào làm nghề buôn bán hải sản tự do.

Trên chiếc xe máy cà tàng, hôm nào vợ chồng Hồ Công Thắng cũng dậy từ rất sớm chở nhau đến các ao nuôi trồng thuỷ sản để gom hàng nhập cho các quán ăn, khách sạn, nhà hàng, còn dư thì mang ra chợ bán kiếm lời… Công việc buôn bán hải sản của vợ chồng đang thuận lợi, mối làm ăn ngày càng mở rộng khắp nhiều vùng ở Kiên Giang và vươn ra các tỉnh lân cận, thì một ngày Hồ Công Thắng lại nhắc đến chuyện về quê nuôi cá. Lần này biết không thể lay chuyển được ý chí của chồng, chị Phượng đành thở dài: “Thôi anh muốn làm gì tuỳ anh…”.

 

Làm giàu trên đất quê hương

Một mình khăn gói về quê với 100 triệu đồng, chưa kịp vào nhà thăm mẹ, vừa xuống xe, Hồ Công Thắng mang cả va li chạy thẳng một mạch ra cái đầm lầy trước nhà mà anh đã có dự định trở về lập nghiệp. Đi một vòng đầm lầy khảo sát, anh nhận ra rằng, nguồn nước ngọt ở đầm khá đồi dào, nếu cải tạo hợp lý, thì đây sẽ là ao nuôi cá nước ngọt lý tưởng. Nghĩ là làm, Hồ Công Thắng đã làm đơn xin xã nhận thầu 4 ha mặt nước thời hạn lâu dài để thả nuôi cá. Thắng được biết thêm, ở đây từng có nhiều người nuôi cá nhưng đều thất bại.

Được xã Lộc Ninh giao toàn bộ khu vực đầm lầy, ngày nắng cũng như mưa, Hồ Công Thắng một mình xuống ao để vét bùn, phát cây chuẩn bị cho việc nuôi cá vụ đầu. Dốc túi toàn bộ số tiền mang theo, chạy vạy vay mượn khắp nơi được thêm 50 triệu đồng, Thắng đầu tư dựng tạm lán trại làm chỗ ở, mua lưới chắn cá và xây dựng mới 200m2 chuồng trại để nuôi lợn theo mô hình ao – chuồng kết hợp.

Ao cá rộng 4 ha của ông Hồ Công Thắng nằm cạnh trụ sở UBND xã Lộc Ninh

 

Cải tạo xong ao nuôi, năm 2007, Hồ Công Thắng quyết định thả nuôi 1.000 con cá lóc giống. Thời điểm đó, nuôi cá lóc ở quê anh là một việc làm rất mới. Do thiếu kinh nghiệm chăm nuôi và do cá thất thoát nhiều khi nước to, nên trong vòng 1 năm, Thắng chẳng thu được đồng lãi nào.

“Thua keo này bày keo khác”, từ vụ nuôi 2008, Hồ Công Thắng không thả cá lóc mà chuyển sang các giống cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá mè, cá chép, cá trôi… Bình quân mỗi năm nuôi một vụ, anh bỏ ra 100 triệu đồng, mua trên 100 ngàn con cá giống. Để có thêm nguồn thức ăn nuôi cá, từ năm 2009, anh Thắng nhận canh tác thêm 1 ha lúa nước và nuôi 120 con lợn thịt. Mỗi vụ, 1 ha ruộng, anh thu 5-6 tấn lúa; 120 con lợn cho trên chục tấn lợn hơi, bán thu trên dưới nửa tỷ đồng. Có nhiều nguồn thức ăn từ chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp, hàng năm, Hồ Công Thắng chỉ phải bỏ ra gần 20 triệu tiền mua thức ăn cho cá. Trên 4 ha mặt nước, nuôi một vụ, hàng năm, anh Thắng xuất bán 10 tấn cá thương phẩm, thu về trên 400 triệu đồng. Mỗi năm, anh đóng tiền thuê ao và tiền thuế cho địa phương trên dưới 30 triệu đồng… 

*

*    *

… Bên bữa cơm chiều, chỉ có một mình Thắng mà thôi. Nhìn anh lúi cúi đảm đang mọi việc từ cơm nước, giặt giũ cho đến cho cá, cho lợn ăn, tôi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng trông anh vẫn vui vẻ lạ thường. Anh bảo vì duyên nợ với con cá, con tôm, vì hai đứa con đang học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và vì cả vùng quê nghèo Lộc Ninh, anh không ngại hi sinh hạnh phúc của riêng mình.

>> Là một xã nông nghiệp, trước đây, người Lộc Ninh chủ yếu làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khi Hồ Công Thắng về quê nuôi cá làm giàu, nhiều nông dân học theo anh tận dụng các diện tích ao hồ để nuôi cá, nhờ đó Lộc Ninh  trở thành nơi cung cấp các sản phẩm cá nước ngọt lớn nhất ở Đồng Hới.

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!