T4, 09/08/2023 08:00

Vĩnh Phúc: Khuyến nông hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình có mô hình “Nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Triển vọng mô hình mới

Dự án “Nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu” Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai với quy mô 2,1 ha thực hiện trong 3 năm (2021 – 2023).

Mô hình trai nước ngọt lấy ngọc giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, gia tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: TTKNVP

Năm 2021, Trung tâm đã triển khai hỗ trợ 15.000 con trai đã được cấy ngọc cho 6 hộ với quy mô 0,6 ha, trên địa bàn 2 huyện Tam Dương và Lập Thạch; năm 2022, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ 37.500 con trai cho 15 hộ trên địa bàn 3 huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường với quy mô 1,5 ha. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống và 50% thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học.

Con trai giống được lấy từ cơ sở uy tín, tỷ lệ sống cao; toàn bộ trai được đựng cố định trong túi lưới, treo phao, cách làm này giúp trai không bị lệch nên hạt ngọc tròn, đẹp; đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai. Trong quá trình nuôi, các hộ tham gia được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến thời điểm này, số lượng trai nuôi đã được cấy ngọc phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao, kích thước viên ngọc đạt 7,8 – 8,5 mm.

Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, gia tăng thu nhập cho người dân. Kết quả thu được tại các mô hình trong giai đoạn 2021 – 2022 cho thấy, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được đều cao hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra như: Tỷ lệ sống của trai đạt 81,6%; tỷ lệ ngậm hạt 71,1%; tỷ lệ ngọc loại I là 5,3%. Lợi nhuận thu được tại 0,6 ha nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đạt gần 300 triệu đồng.

Đồng hành cùng nhà nông

Với phương châm: “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã thực hiện 36 chuyên mục “Bạn của nhà nông”; 66 phóng sự cập nhật và cung cấp thông tin về những tiến bộ kỹ thuật và phản ánh điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất, các dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.

Cấp phát 7.500 cuốn Bản tin khuyến nông, 51.000 tờ rơi tuyên truyền diệt chuột tập trung, hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; tham gia 9 hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của tỉnh; xây dựng và thực hiện gần 100 mô hình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Thông qua mô hình khuyến nông, đã từng bước hình thành các vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP; vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 16 vùng trồng với 26 mã số vùng trồng xuất khẩu có tổng diện tích hơn 171 ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Australia, New Zealand, Mỹ, EU, Trung Quốc.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa hiện có theo hướng chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng rau quả, nuôi thủy sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trồng rau trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu.

Ngọc Diệp

Hà Tĩnh

Nuôi TTCT đạt chứng nhận VietGAP

Vừa qua, tại Hà Tĩnh, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội thảo mô hình “Nuôi TTCT đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung bộ”. Mô hình được triển khai với quy mô 1,6 ha tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 0,8 ha. Kết quả sau  hơn 3 tháng thả nuôi lứa tôm đầu tiên, tỷ lệ sống đạt khoảng 80%, kích cỡ tôm thương phẩm 60 con/kg, năng suất ước đạt 16 tấn/ha. Với giá bán tôm hiện tại 105.000 đồng/kg, doanh thu mô hình ước đạt 1,3 tỷ, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Mô hình đã cho thấy hiệu quả khá rõ rệt về mặt kinh tế cũng như môi trường và xã hội; phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển nghề nuôi tôm các tỉnh Bắc Trung bộ trong đó có Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hải Đường

Bình Định

Phát triển tiềm năng nuôi cá lồng bè trên các hồ chứa

Thông qua việc trình diễn các mô hình khuyến ngư của Trung tâm Khuyến nông Bình Định thời gian qua cho thấy, các loại cá nuôi lồng bè phù hợp với điều kiện sinh thái trên các hồ chứa lớn của tỉnh, đem lại năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cao. ThS Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, trong thời gian đến, đặc biệt giai đoạn 2024 - 2026, Trung tâm sẽ xây dựng các mô hình, dự án nuôi cá lồng trên hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đó là hướng đi thiết thực giúp cho các hộ nuôi có thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định, phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao hiệu quả của nghề nuôi cá lồng bè đem lại năng suất cao và phát triển bền vững.

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!