Vua “sát thủ” cá ngừ đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Kinh nghiệm ngư trường được xâu chuỗi qua một quá trình gần 30 năm đi bạn có được. Gia cảnh thuộc hạng bần nông đã qua, nay được dân làng vinh danh ông thuộc hàng “Vua sát thủ cá ngừ đại dương” có một không hai, một lão ngư tỷ phú tại vùng quên nghèo. Ông là Nguyễn Thư (SN 1952), trú tại thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

 


 

 

Cái khó ló cái khôn

“Tui nhớ cha mẹ sinh tui ra đều từng ngày nếm cái khổ cực của sự nghèo túng ở vùng quê bốn bên đều là biển. Đến chừng 20 tuổi, tui đã có kinh nghiệm để tự ra biển câu cá, mực mang về phụ giúp gia đình lúc đói khát, mặc dù lúc đó chưa dám đi xa. Ở độ tuổi như bọn tui hồi đó không bao giờ dám mơ đến chuyện cắp sách đi học mà chỉ nghĩ cách để kiếm tiền từ… biển mà thôi”, ông Nguyễn Thư kể lại.

Chính vì bản thân mình không được học đến nơi đến chốn nên ông Thư đã dồn tâm sức đi làm thuê cho các chủ tàu khác để có cái cho 5 người con được học chữ. Ông nói: “Vì là đặc thù của dân miền biển nên dù có muốn các con tui cũng chỉ học hết cấp 2, được 1 đứa theo học đại học, còn nữa đều theo nghề biển của cha mà kiếm sống”.

Gần 30 năm đi bạn cho người ta, đến năm 1999 ông Thư cũng tích góp và vay thêm ngân hàng và đóng được một cái thuyền cho mình. Từ đó ông cũng bắt đầu với nghề chuyên câu cá ngừ đại dương. Ông Thư tâm sự: “Phận làm thuê cho người khác có muôn vàn điều bất tiện, ai trong số đám bạn của chúng tôi cũng muốn sắm cho mình một chiếc thuyền để cùng tạo kế sinh nhai. Khi có thuyền rồi cuộc đời tui như bước sang một trang mới, đi đâu gặp cá ở đó, đánh đâu là thắng đó, lúc về đất liền lúc nào cá cũng đầy khoang”.

Theo lời kể của ông Thư, những tháng ngày đi biển câu cá ngừ đại dương của những năm 2000 ai biết đường đều thắng lớn, mà toàn là loại cá trên 60kg trở lên. Ông chia sẻ: “Lúc mà cá nhiều thì giá bấp bênh lắm, không được như bây giờ đâu. Còn bây giờ giá cả được một chút thì cá lại hiếm và thường xuyên xảy ra tình trạng mất trộm lưỡi câu ngoài khơi.

Từ một chuyến, hai chuyến và nhiều hơn nữa… cứ đến mùa cá ngừ (mùa chính câu cá ngừ là từ tháng 10 – tháng 3 âm lịch hàng năm – PV) tàu tui về mang đầy ắp cá lớn nên những năm tiếp theo người ở dân làng thấy vậy nên dồn về phía tui xin đi bạn. Nếu mình đóng thêm tàu cũng giải quyết được trên dưới 50 người lao động cho địa phương, lại mang hiệu quả kinh tế về cho gia đình họ nên tui lại tiếp tục thu nhận và giải quyết nhu cầu cho họ”.

Ông Thư có 4 con tàu, kích cỡ từ 300 – 400CV, mỗi tàu đóng mới phải bỏ ra trên 1 tỷ tiền vốn, đấy chưa kể đến một khoản ngư cụ choán hết một lượng tiền khổng lồ mới dám “hành trình” ra khơi câu cá.

 

 

Xưởng sản xuất cá ngừ của ông Thư

 

Vua “sát thủ” cá ngừ đại dương

Theo kinh nghiệm của lão ngư Nguyễn Thư, cứ nơi nào đông thuyền câu là ông né, gần biên giới nước bạn ông cũng né. Với Nguyễn Thứ, chỉ đánh bắt đúng địa phận của biển Việt Nam, đánh lẻ và câu được nhiều, tập trung đông là dễ xảy ra mất cắp ngư cụ.

Ông nói: “Trong đời đi câu cá ngừ chưa bao giờ tui nghĩ đến chuyện xâm chiếm lãnh hải của người khác, tui đã từng thấy những trường hợp các tàu cá của mình bị nước bạn bắt là vì mình lấn chiếm lãnh hải của họ trước, khi không đánh trúng vùng có cá đành làm liều lấn tới để đánh bắt cho nhanh mà trở về đất liền. Tất cả những trường hợp đó đều cố ý, chứ nói trưởng tàu ra khơi mà không xác định được lãnh địa của mình là sai hoàn toàn”.

Một chuyến ra khơi của đội tàu chuyên câu cá ngừ đại dương phải mất ít nhất 1 tháng, lâu hơn thì khoảng 50 ngày rồi quay lại đất liền. Ông Thư sẻ chia: “Không phải ai ra khơi cũng câu được cá ngừ đầy thuyền đâu, đội thuyền của chúng tôi gồm 50 chiếc thường ra khơi cùng nhau, một trong số đó không gặp may thì chúng tôi kêu gọi và chia sẻ cho nhau từng vùng mà mình phát hiện có cá. Như thế nên không có ai về không, mà lúc nào cũng tương trợ, giúp đỡ cho nhau nếu một trong số đó gặp nạn”.

Ông Thư cho biết, giờ đây bản thân ông tuổi đã cao, lại phải thường xuyên chăm sóc người vợ bị bệnh tai biến đã 10 năm, thêm đứa con trai bị bệnh tim nữa nên tất cả 4 chiếc thuyền lớn của ông đều để mấy anh em chú bác họ đứng thuyền trưởng.

Để quản lý tốt và thường xuyên theo dõi chuyến hành trình của anh em, bản thân ông Thứ phải sắm một bộ đàm dài mắc sẵn trong nhà và mỗi ngày ông nối máy nói chuyện hai lần để nhắc nhở anh em. “Để dò la vùng biển có cá ngừ lớn phải căn cứ vào cuốn nhật ký mình ghi lại, riêng cá ngừ đại dương thì loại máy dò cá đều vô hiệu hóa, chỉ có cuốn nhật ký ghi lại vĩ tuyến, tọa độ là nhất định mình sẽ thắng lợi 3 phần”, ông Thư kể.

Khi được hỏi đến dự định lớn hơn cho mai sau, ông Thứ vui vẻ cho biết, cả ông và các con ông tuy không đủ sức khỏe để theo thuyền ra khơi nhưng ông vẫn tiếp tục chuyến hành trình và nhất là gần 50 lao động ổn định của ông sẽ không mất việc làm là điều chắc chắn. Ông cũng sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm lần niềm tin cho các anh em đi biển, truyền lại cho các chủ tàu trẻ tất cả những gì họ muốn cho một nghề kiếm ăn chân chính của ngư dân vùng biển này.

 

>> Ông Thư hiện có 4 chiếc tàu, 40 lao động ổn định cho thu nhập trên 30 triệu/người/năm và chủ tàu Nguyễn Thư mỗi năm thu lại khoảng 2,5 tỷ từ 4 chiếc tàu ông cho thuê.

Việt Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!