Nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả cao đã và đang được nhân rộng. Đóng góp quan trọng vào thành công đó, phải kể đội ngũ khuyến nông cơ sở – lực lượng gắn bó sâu sát công việc hằng ngày của nông, ngư dân. Phóng viên Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Kim Văn Tiêu (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, quanh vấn đề này.
Hoạt động khuyến ngư những năm qua nhiều kết quả tốt, điểm nổi bật trong đó là gì, thưa ông?
Hoạt động khuyến ngư năm 2012 tập trung 5 lĩnh vực: Một là, đối tượng có tính chất hàng hóa, kể cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, như: cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá lóc, cá rô phi; Hai là, xây dựng mô hình theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện môi trường, như: nuôi tôm – lúa, cá – lúa, tôm luân canh rong câu…; Ba là, xây dựng mô hình cho các đối tượng nghèo, như mô hình nuôi cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi; Bốn là, xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị khai thác hải sản xa bờ và máy dò ngang Sonar; Năm là, mô hình sơ chế bảo quản sản phẩm trên biển. Các mô hình này đều được người dân ủng hộ và mang lại hiệu quả cao hơn ít nhất 30%. Mô hình khai thác hiệu quả bất ngờ tăng đến 200%, mô hình bảo quản sản phẩm khai thác tăng giá trị của cá lên 5.000 – 10.000 đồng/kg, giảm hao hụt nước đá từ 30% xuống còn 5%.
Đặc biệt, từ năm 2011, hoạt động khuyến ngư triển khai theo dự án, mỗi dự án phải được triển khai theo vùng, miền, ít nhất ở 3 tỉnh. Các dự án này có kinh phí mua giống, vật tư 70%, đào tạo 20%, thông tin tuyên truyền 7%; khi mô hình đạt kết quả sẽ tập huấn nhân rộng, mời người dân địa phương và tỉnh bạn về tham quan, cùng học tập và rút kinh nghiệm. Hình thức đào tạo, tuyên truyền này rất hiệu quả, khả năng nhân rộng nhanh. Ba nội dung này phải đồng bộ, nhịp nhàng, làm tăng hiệu quả mô hình.
Bên cạnh đó, việc triển khai hoạt động khuyến ngư còn không ít khó khăn; ông có thể chia sẻ thêm về điều này ?
Nuôi trồng theo GAP mang lại 4 lợi ích: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội. Tuy nhiên, năm 2012, các mô hình xây dựng theo GAP gặp nhiều khó khăn. Khó trong việc thuyết phục nông dân làm theo, vì nuôi theo quy trình GAP giá thành cao hơn, khó thực hiện hơn, gò bó hơn… Và sản phẩm GAP chưa được nước khác công nhận, giá chỉ bằng sản phẩm không áp dụng GAP; đây là cản trở lớn. Khó khăn nữa là kinh phí cấp cho khuyến ngư còn quá thấp so với nhu cầu; ngay kinh phí bình quân cấp cho một hộ nông dân Việt Nam cũng kém 20 lần Thái Lan.
Trong hoàn cảnh đó, lực lượng khuyến nông đã tăng cường biện pháp tuyên truyền, vận động, tập huấn, tổ chức tham quan mô hình GAP… Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng tham mưu cho Bộ NN&PTNT về nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai các hoạt động, trong 3 năm qua đã xây dựng 4 mô hình nuôi theo VietGAP, kinh phí 20,8 tỷ đồng. Từ các mô hình này, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền nhân rộng, vì những lợi ích của nuôi theo quy phạm GAP.
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả được tuyên truyền nhân rộng – Ảnh: Thanh Nhã
Ông đánh giá thế nào về vai trò lực lượng khuyến nông viên cơ sở trong hoạt động khuyến ngư?
Khuyến nông viên (KNV) cơ sở là người gần nông dân nhất, cùng nông dân đồng hành trong công việc. KNV cơ sở được tập huấn quy phạm nuôi theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường để hướng dẫn ghi nhật ký và chỉ đạo thực hiện nuôi theo quy phạm; đồng thời phân tích, tuyên truyền lợi ích việc áp dụng quy phạm để nhân rộng mô hình. KNV cơ sở không thể thiếu trong xây dựng mô hình, góp phần thắng lợi nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Mục tiêu trọng tâm của hoạt động khuyến ngư năm 2013 là gì, thưa ông?
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp Hội đồng xác định các chương trình trọng điểm giai đoạn 2013 – 2020 cho khuyến ngư; theo đó đã thông qua danh mục 5 chương trình khuyến nông trọng điểm lĩnh vực khuyến ngư, gồm: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH – KT) nuôi thủy sản nước lợ, mặn, ngọt; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KH – KT sơ chế, bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch; Hỗ trợ nông dân hình thành kênh phân phối sản phẩm thủy sản nuôi trồng; Thông tin tuyên truyền kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, VietGAP. Trong mỗi chương trình, hội đồng tư vấn đã chọn ra mục tiêu, nội dung, đối tượng cụ thể, tạo thuận lợi cho các đơn vị, địa phương triển khai.
Theo ông, thời gian tới, để hoạt động khuyến ngư hiệu quả hơn, cần phải làm gì?
Cần cùng lúc thực hiện 5 nội dung cơ bản: Một là, công tác nghiên cứu khoa học phải đưa ra được các tiến bộ KH – KT tạo nguồn giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh tốt (nhằm hạn chế dịch bệnh), tạo sản phẩm chất lượng cao được thị trường chấp nhận; Hai là, khuyến ngư phải gắn với thị trường, phải làm theo chuỗi, gắn với doanh nghiệp trong các khâu (giống, thức ăn, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm…), tổ chức lại sản xuất (thành lập các tổ, hợp tác xã, câu lạc bộ…); Ba là, trong nuôi trồng thủy sản, công tác dự báo môi trường phải thực hiện tốt và đi trước một bước, không nên bị động như hiện nay là khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng mới tìm kiếm nguyên nhân, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác khắc phục và hạn chế dịch bệnh; Bốn là, trong khai thác hải sản phải làm tốt công tác dự báo ngư trường (nếu không làm được thì hiệu quả khai thác sẽ không cao và thiếu bền vững); Năm là, KNV cơ sở phải được trả lương theo bằng cấp đào tạo, được hưởng chế độ như viên chức thì mới khuyến khích được người giỏi, gắn bó với nghề nghiệp, bởi KNV còn là cán bộ nguồn cho tỉnh rất hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Từ năm 1993 đến 2007, công tác khuyến ngư đã xây dựng được hơn 9.000 mô hình trình diễn; nhập và chuyển giao hơn 70 công nghệ; tổ chức gần 28.000 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu người, 128 lớp tập huấn xóa đói giảm nghèo cho 2.700 lượt người dự… đã góp phần nâng cao nhận thức cho nông, ngư dân; thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất thủy sản. |