Xử “đại án tham nhũng Phương Nam”: Doanh nghiệp không còn trả nợ ngân hàng

Chưa có đánh giá về bài viết

Vụ án xảy ra tại Công ty CP Thủy sản Phương Nam (Công ty Phương Nam) được Ban Nội chính Trung ương xác định là một trong 10 vụ án tham nhũng lớn, nên thường gọi “đại án tham nhũng Phương Nam”. Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Sóc Trăng mở phiên sơ thẩm, khai mạc ngày 20/7, xử trong 11 ngày, nghị án 4 ngày; chiều 3/8 đã tuyên án.

27 bị cáo, gồm 2 người ở Công ty Phương Nam và 25 người ở 5 chi nhánh ngân hàng đều bị kết án tù. Hai người ở Công ty Phương Nam là: nguyên Kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn bị phạt tù 14 năm, Phó Giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng 12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những người ở ngân hàng bị tù từ 2 đến 7 năm, với tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các mức án đều thấp hơn đề nghị của đại diện cơ quan công tố.

Tòa xử theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC)   ngày 11/6/2015; Viện KSNDTC ủy quyền cho Viện KSND tỉnh Sóc Trăng giữ quyền công tố. Phó chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Sóc Trăng Tăng Thị Thúy Nga làm chủ tọa.

 

Thiệt hại gần 785 tỷ đồng

Theo bản án, Công ty Phương Nam thành lập đầu năm 1998, kinh doanh tôm, vốn điều lệ 295 tỷ đồng, của ông Lâm Ngọc Khuân và vợ, con, cháu. Từ năm 2008 đến 30/9/2012, kinh doanh liên tục lỗ nhưng Công ty Phương Nam lập 19 báo cáo rằng lãi, để vay tiền 8 chi nhánh ngân hàng, hơn 16.000 tỷ đồng cả thảy; đưa vào sản xuất kinh doanh chỉ gần 6.000 tỷ, còn hơn 10.000 tỷ “chủ yếu đảo nợ và trả lãi vay”. Tổng số tiền lỗ được xác định hơn 996 tỷ đồng.

Trong số tiền vay, Công ty Phương Nam đã nâng khống số lượng kho tôm đông lạnh và dùng nó thế chấp với 5 chi nhánh ngân hàng để vay tiền. Giá trị hàng nâng khống khoảng 1.900 tỷ đồng. Việc khai khống, vay tiền để lại nợ cho 5 chi nhánh ngân hàng gần 825 tỷ đồng và được xét xử bằng vụ án này.

Hàng hóa tồn trong kho tôm, sau khi vụ án khởi tố, bán được hơn 40,6 tỷ đồng, được chia cho 5 chi nhánh ngân hàng theo tỷ lệ cho vay. Sau khi trừ số tiền này, bản án kết luận, cha con ông Khuân và các đồng phạm gây “thiệt hại” cho 5 chi nhánh ngân hàng gần 785 tỷ đồng.

Các bị cáo nghe Chủ tọa phiên tòa tuyên án – Ảnh: Sáu Nghệ

Số tiền “thiệt hại” cụ thể của 5 chi nhánh ngân hàng: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Sóc Trăng hơn 299 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang 239 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín – Sóc Trăng 126 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Sóc Trăng gần 73 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình – Bạc Liêu gần 50 tỷ đồng.

>> Những người ở ngân hàng lãnh án

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang có 8 người. Nguyên Giám đốc Đỗ Hùng Sở 5 năm tù, Phó Giám đốc Vũ Ngọc Thuận 4 năm, Trưởng phòng Khách hàng Nguyễn Hoài Bảo và Trưởng phòng Quản lý tín dụng Nguyễn Thanh Hải đều 3 năm. Chuyên viên tín dụng Tống Hùng Vĩ và Phạm Vĩnh Phúc, chuyên viên thẩm định Nguyễn Việt Tâm, chuyên viên định giá tài sản bảo đảm Nguyễn Thành Vinh đều 2 năm.

Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sóc Trăng có 6 người. Nguyên Giám đốc Nguyễn Thanh Long 4 năm, Phó Giám đốc Lưu Quốc Cường 3 năm 5 tháng, Trưởng phòng Cá nhân kiêm Doanh nghiệp Võ Lê Việt Thắng 3 năm. Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh Lê Hoàng Phong, chuyên viên khách hàng Trương Văn Hùng và kiểm soát viên tín dụng Lê Mạnh Hùng đều 2 năm.

Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Sóc Trăng có 5 người. Nguyên Giám đốc Nguyễn Thế Thắng 7 năm, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Xem 6 năm, Trưởng phòng Tín dụng Trần Văn Nhã 5 năm, Trưởng phòng Kiểm tra Vũ Văn Quang 4 năm, cán bộ Phòng tín dụng Từ Quỳnh Ngân 3 năm.

Chi nhánh Ngân hàng TMCP An Bình – Bạc Liêu có 3 người. Nguyên Giám đốc Nguyễn Văn Sơn 3 năm, Trưởng phòng Quan hệ Khách hàng Võ Văn Trương và Trưởng phòng Quản lý tín dụng Kim Hoàng Minh Tân đều 2 năm.

Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Sóc Trăng có 3 người. Nguyên Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung 4 năm, Trưởng phòng Khách hàng Lâm Quốc Tuấn 3 năm, cán bộ Phòng khách hàng Huỳnh Thị Ngọc Huệ 2 năm.

Tranh luận tại tòa

Quá trình xét xử, từ 27/7, diễn ra tranh luận giữa đại diện cơ quan công tố và luật sư. Đại diện cơ quan công tố kết luận, có 4 người ở Công ty Phương Nam “thực hiện thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt gần 785 tỷ đồng. Trong đó, ông Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân đã trốn đi Mỹ, nên truy tố 2 người còn lại là Phó Giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng và Kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn.

Vòng tranh luận đầu tiên, các luật sư đặt ra 14 vấn đề và Hội đồng xét xử yêu cầu đại diện cơ quan công tố tranh luận. Trong đó, nhiều vấn đề có thể làm thay đổi về đánh giá hành vi và tội danh các bị cáo.

Chẳng hạn, theo cáo trạng, 5 chi nhánh ngân hàng cho Công ty Phương Nam vay, chưa thu hồi được gần 785 tỷ đồng và cáo buộc các bị cáo ở Phương Nam đã “lừa đảo chiếm đoạt” số tiền này. Nhưng cáo trạng lại cho biết, Công ty kinh doanh lỗ hơn 996 tỷ đồng. Theo các luật sư, Công ty Phương Nam cũng đã mất vốn (996 – 785 = 211 tỷ đồng), vậy tiền chiếm đoạt theo cáo trạng là ở nguồn nào?

Luật sư Nguyễn Trường Thành bào chữa cho 6 bị cáo ở 3 chi nhánh ngân hàng, còn lập luận, Phương Nam hiện nay không phải Công ty Phương Nam trước kia mà đã được tái cơ cấu từ giữa năm 2013, với các cổ đông mới. Trong đó, LPB Hậu Giang và ABbank Bạc Liêu là cổ đông lớn. Phương Nam hiện nay cũng đã cam kết trả nợ các ngân hàng, nên cũng như đại diện các ngân hàng phát biểu tại tòa là các ngân hàng chưa mất tiền.

Đại diện cơ quan công tố vẫn dựa vào cáo trạng trả lời chung chung. Ngày 30/7, Hội đồng xét xử yêu cầu đại diện cơ quan công tố tranh luận 4 vấn đề. Trong đó có thẩm quyền cho vay thuộc hội sở hay các chi nhánh để làm rõ trách nhiệm các hợp đồng cho vay đều do hội sở ký nhưng lại truy tố 25 người ở chi nhánh ngân hàng, tổng giá trị tôm đông lạnh lưu chuyển từ năm 2007 đến 2012 đem thế chấp để vay tiền ngân hàng là bao nhiêu mà chỉ kết luận số hàng tồn cuối cùng hơn 40,6 tỷ đồng và tại sao vụ án không có bị đơn dân sự? Đại diện cơ quan công tố tiếp tục dẫn cáo trạng để trả lời nên chưa sáng tỏ. Hội đồng xét xử đi vào nghị án.

 

Doanh nghiệp hết nợ?

Chiều 3/8, tuyên án, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm buộc tội của cáo trạng, bác bỏ mọi bào chữa của luật sư và bị cáo, trừ đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ tội. Đó là thành thật khai báo, tích cực khắc phục hậu quả và tình hình chung  khủng hoảng kinh tế.

Về trách nhiệm dân sự, ông Lâm Ngọc Khuân là chủ Công ty Phương Nam (cũ) cùng các đồng phạm phải trả gần 785 tỷ. Nhưng cha con ông Khuân đang bỏ trốn nên án tuyên bà Phượng và ông Mẫn phải chia nhau trả, mỗi người 50%. Tuy nhiên, điều này có mâu thuẫn với phần luận tội cho rằng, ông “Lâm Ngọc Khuân và các đồng phạm chiếm đoạt” chỉ hơn 638 tỷ đồng (vốn gốc).

Vấn đề lớn hơn là nếu bản án có hiệu lực thi hành thì tiền nợ với 5 chi nhánh ngân hàng gần 785 tỷ đồng đã thuộc trách nhiệm của các bị cáo. Như thế, Công ty Phương Nam (mới) sẽ không còn phải trả nợ khoản tiền này, dù giữa năm 2013 thực hiện tái cơ cấu đã cam kết trả? Thoát nợ lớn, Công ty Phương Nam đã có tài chính lành mạnh. Còn 5 chi nhánh ngân hàng thu tiền “chiếm đoạt” sẽ rất khó khăn, khi bà Phượng và ông Mẫn phát biểu trước tòa, họ chỉ làm công ăn lương mà không được hưởng lợi gì từ món nợ vay khổng lồ.

>> Bản án yêu cầu tiếp tục điều tra để nếu có cơ sở thì xử lý 3 chi nhánh ngân hàng cho Công ty Phương Nam vay (có tài sản thế chấp) nay còn dư nợ: Agribank Sóc Trăng gần 535 tỷ VND; Vietinbank Sóc Trăng hơn 9 tỷ VND; Ngân hàng liên doanh Việt – Thái 2,4 triệu USD.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!