Xuất khẩu thủy sản: Đừng “bỏ trứng vào một giỏ”

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của các doanh nghiệp (DN) Khánh Hòa sang Trung Quốc vẫn ổn định. Tuy vậy, về lâu dài các ngành chức năng cần có các giải pháp để tránh lệ thuộc vào thị trường này.

Xuất khẩu ổn định

Những ngày này, Công ty TNHH Thủy sản Phúc Minh (TP. Nha Trang) đang hối hả thu gom cá mú nuôi của người dân tại các tỉnh Nam Trung bộ để xuất khẩu chính ngạch cá sống sang Trung Quốc bằng tàu thủy. Từ đầu năm đến nay, DN này đã xuất được 5 chuyến tàu, với tổng sản lượng khoảng 150 tấn cá sống, trị giá hàng triệu USD. Cá mú đen đang được DN thu mua tại đìa với giá 250.000 đồng/kg, loại 1,5 kg/con. Ông Trần Đại Dũng, Giám đốc Công ty cho biết: “Nhà nhập khẩu Trung Quốc rất lo lắng tình hình Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, nhưng chúng tôi giải thích Nhà nước Việt Nam rất ủng hộ DN xuất khẩu, mọi việc buôn bán phía Việt Nam đều tiến hành bình thường nên họ rất yên tâm. Nguồn cá mú cung cấp từ Việt Nam được các DN Trung Quốc đánh giá rất cao về chất lượng”.

Thu mua cá mú xuất khẩu ở  TP. Cam Ranh.     

Thu mua cá mú xuất khẩu ở TP. Cam Ranh.

Hiện nay, giá cá mú tại Khánh Hòa đang dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/kg, tùy theo từng loại cá. Ngoài lượng cá mú được xuất khẩu chính ngạch, hiện có nhiều mặt hàng thủy sản khác như tôm hùm, ốc hương cũng đang được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Anh Nguyễn Tấn Hải, người chuyên thu mua tôm hùm ở huyện Vạn Ninh cho biết, hiện tôm hùm xuất đi Trung Quốc qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn bình thường, tôm loại 1 đang được thu mua tại lồng với giá 1,7 triệu đồng/kg, ổn định như năm ngoái.

Theo ông Hoàng Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, các mặt hàng thủy sản như cá mú, tôm hùm, ốc hương… tuy sản lượng không lớn, nhưng giá trị kinh tế rất cao. Đây là những mặt hàng chỉ đạt giá trị cao nếu đảm bảo được còn sống khi đến với khách hàng. Tuy vậy, ngoài lượng nhỏ tiêu thụ trong nước, hầu hết các mặt hàng này đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong tỉnh cũng chưa có DN nào chế biến các mặt hàng này. “Hiện nay, việc mua bán trao đổi giữa người dân và thương lái đi Trung Quốc vẫn diễn biến bình thường, giá cả không có gì biến động đáng kể”, ông Khánh cho biết.

Nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Lâu nay, các mặt hàng thủy sản sống có giá trị cao như: tôm hùm, cá mú, ốc hương hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông Huỳnh Kim Khánh cho rằng, điều này khiến ngành nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều bất lợi. Chỉ cần phía nhà nhập khẩu hạn chế hoặc dừng thu mua thì các mặt hàng này sẽ lập tức hạ giá. Thời gian gần đây, nhiều DN Khánh Hòa cố gắng tìm kiếm các thị trường tiêu thụ trong nước nhưng kết quả vẫn hạn chế. Anh Nguyễn Văn Hải, người chuyên thu mua cá mú tại TP. Cam Ranh cho biết, các thị trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rất ưa chuộng cá mú của Cam Ranh, giá thu mua để tiêu thụ nội địa cũng cao hơn giá xuất khẩu khoảng 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, sản lượng rất thấp, mỗi chuyến hàng chỉ vài trăm kg, trong khi đó mỗi chuyến xuất khẩu khối lượng lên đến hàng tấn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các mặt hàng hải sản cao cấp như cá mú, tôm hùm khi đến tay người tiêu dùng trong nước vẫn có mức giá khá cao nên rất khó tiêu thụ với số lượng lớn. Vì thế, việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc đang là điểm yếu của nhiều loại nông, thủy sản Việt Nam. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đang tái cơ cấu xuất khẩu, tìm ra các thị trường mới cho xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều DN hy vọng Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công sẽ mở rộng được các thị trường cho xuất khẩu thủy sản.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, các cơ quan chức năng cần ứng phó ngay, hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thêm đối tác đề phòng trường hợp bị gián đoạn. Trước mắt, cần ưu tiên  tìm kiếm các thị trường gần có chung đặc điểm tiêu thụ thủy sản sống như: Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông… và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Mặt khác, do giá trị đầu tư cao nên ngư dân cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng nuôi trồng để tránh rủi ro khi tập trung vốn vào một mặt hàng. Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm để đa dạng hóa đầu ra. “Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn nhưng không nên phụ thuộc vào họ. Việc tìm kiếm thị trường mới phải là các cơ quan chức năng chứ người dân không thể làm được việc này” – ông Lăng chia sẻ.

Đức Bình

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!