An Giang: Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 16/7/2015, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015 – 2016.


Mục tiêu

Mục tiêu là phát triển sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, giá trị, đạt hiệu quả cao. Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành thủy sản. Đặc biệt, ứng dụng chuyển giao, hợp tác nghiên cứu các công nghệ cao trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Đến năm 2020 tăng giá trị thu nhập trên 1 ha diện tích nuôi thủy sản trong 1 năm có ứng dụng công nghệ cao tăng ít nhất từ 30% so với thời điểm năm 2012.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2016, có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao 331 ha; trong đó, cá tra khoảng 170 ha (tương ứng với sản lượng 76.500 tấn); tôm càng xanh khoảng 100 ha (sản lượng 250 tấn); cá lóc khoảng 27 ha (sản lượng 5.400 tấn); Cá sặc rằn khoảng 5 ha (sản lượng 150 tấn); cá điêu hồng, lươn khoảng 9 ha (sản lượng 3.600 tấn). Sản xuất giống 20 ha; Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm thủy sản ứng dụng theo hướng công nghệ cao đến năm 2016 khoảng 35 triệu USD.

Mục tiêu đến năm 2016, sản lượng cá tra An Giang đạt 76.500 tấn – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Thực hiện

Theo Kế hoạch, địa phương sẽ xây dựng tổ chuyên trách và triển khai thực hiện quy hoạch cho sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2015 – 2016; Tham vấn, lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đoàn thể, người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn. Xây dựng kinh phí triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch và kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, còn tiến hành khảo sát hiện trạng vùng quy hoạch ứng dụng công nghệ cao, đánh giá tiềm năng lợi thế của từng vùng, hoạch định kế hoạch và lộ trình cụ thể cho các vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng bộ phiếu phỏng vấn thu thập thông tin đảm bảo các thông tin theo yêu cầu của Kế hoạch triển khai thực quy hoạch; Tổ chức hội thảo khoa học nhằm trưng cầu ý kiến của các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học về các định hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao cho một số đối tượng thủy sản chủ lực như cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh và cá lóc. Hỗ trợ đẩy mạnh chương trình gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015 – 2016; Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả (2 chuyến/30 người) nhằm tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật, và nông dân tiên tiến có điều kiện tham quan học tập, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm các mô hình sản xuất thủy sản hiệu quả, ứng dụng công nghệ; Tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại…

Và cuối cùng, tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện nhằm tổng kết rút kinh nghiệm kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2015 – 2016 và đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch cho giai đoạn 2016 – 2020.

>> UBND tỉnh An Giang cũng vừa phê duyệt Đề cương, dự toán và kế hoạch đấu thầu xây dựng Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với dự toán 522.264.000 đồng. Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.

Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!