Cấp bách nâng giá trị gia tăng cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Nâng cao giá trị được xác định là nhiệm vụ cấp bách nhằm tạo hiệu quả trong sản xuất và trị giá ngành cá tra Việt Nam.

Chưa hết gian nan

Trong những năm qua, những tồn tại hiện hữu với cá tra Việt Nam khiến cho ngành cá tra khó nâng cao giá trị gia tăng trong thời gian qua đó là ngay từ khâu nuôi đã ẩn chứa nhiều vấn đề nội tại. Cụ thể, công nghệ, kỹ thuật nuôi còn rất đơn giản theo kinh nghiệm dân gian là chính dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện nuôi và quá trình nuôi chậm ban hành và chưa thống nhất thực hiện. Việc truy xuất nguồn gốc thì gặp nhiều khó khăn. Về chất lượng giống cá tra còn thấp ảnh hưởng lớn đến năng suất và thời vụ nuôi cá tra trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, chất lượng cá giống xuống thấp, nếu muốn đạt được kích cỡ cá trên, người nuôi phải nuôi đến 8 – 9 tháng. Và cũng chính đây là nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí sản xuất cá tra trong thời gian qua.

Cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo dạng nuôi nhỏ lẻ còn chiếm phần lớn. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm của người nuôi ở nhiều thời điểm gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Việc phân chia lợi ích trong chuỗi sản xuất chưa hợp lý, lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến chưa hài hòa, thua lỗ luôn thường trực về phía người nuôi.

 

Ngành cá tra cần đổi mới để nâng cao giá trị – Ảnh: Ngọc Trinh

 

Giảm giá thành sản xuất

Để nâng cao giá trị gia tăng cho cá tra không chỉ mỗi khâu chế biến xuất khẩu mà cần bắt đầu từ khâu nuôi. Cụ thể, bắt đầu bằng cách giảm giá thành sản xuất cá nguyên liệu, xem đây là yếu tố then chốt. Trong nuôi cá tra, chi phí thức ăn nuôi cá, lãi suất ngân hàng và con giống thường chiếm trên 80% trong tổng giá thành. Con giống chất lượng không tốt có thể làm tăng tỷ lệ hao hụt sản lượng 20 – 30%. Thức ăn, con giống và lãi suất ngân hàng là 3 yếu tố đầu vào quan trọng nhất nên việc tăng cường khâu quản lý chất lượng con giống, thức ăn từ các nhà cung cấp và phân phối là 2 yếu tố đầu vào cần được đặt lên hàng đầu, còn giảm lãi suất ngân hàng lại là yếu tố quan trọng.

Muốn nâng cao giá trị gia tăng ngay từ khâu nuôi không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng con giống qua việc đầu tư hệ thống sản xuất giống để làm sao đảm bảo 100% giống cá tra đưa vào sản xuất là giống “sạch”. Cần áp dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống cá tra có chất lượng tốt, màu thịt trắng, năng suất cao.

Còn khâu sản xuất thức ăn, rất cần phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu cung cấp cho các cơ sở chế biến thức ăn thủy sản như ngô, đậu tương, bột cá… để giảm giá thành sản phẩm. Cũng phải xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng và giá thức ăn.

Về kỹ thuật nuôi, tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, phù hợp. Đơn cử, với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thì ứng dụng Quy phạm Quản lý tốt hơn (BMP); các vùng nuôi tập trung thì ứng dụng Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Giảm mật độ nuôi để giảm lượng thức ăn, duy trì mật độ nuôi trong giới hạn tối ưu, không vượt quá 30 – 40 cá giống/m²; áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn (định kỳ 5 ngày hoặc 1 tuần ngưng cho ăn 1 ngày) để giảm lượng thức ăn cũng đã cho thấy những hiệu quả tích cực.

 

Và cả chế biến xuất khẩu

Để nâng cao giá trị gia tăng khâu chế biến xuất khẩu thì biện pháp giảm giá thành khâu chế biến là khá khó khăn, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

Về phía doanh nghiệp, cơ cấu chi phí chế biến cá tra fillet xuất khẩu hiện nay là tương đối hợp lý khó có thể giảm chi phí hơn được nữa, thậm chí còn phải tăng giá mua cá nguyên liệu cho người nuôi cá. Để giảm được giá thành, tăng giá trị gia tăng chỉ còn mấy cách. Đó là chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, giảm tỷ trọng sản phẩm cá tra fillet đông lạnh, tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu, làm sẵn, ăn liền bằng cách đầu tư trang thiết bị và công nghệ sản xuất mới.

Mặt khác, cần nghiên cứu sản phẩm mới và đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến phụ phẩm loại ra từ khâu chế biến fillet đông lạnh cá tra như thịt cá vụn, đầu cá, xương cá, da cá, nội tạng cá … để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như là surimi cá, dầu cá tinh luyện, bột cá, chà bông, bánh phồng, collagen và gelatin…

Và cuối cùng, giảm giá thành trong khâu chế biến bằng áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất nhằm tiết kiệm điện, nước và vật tư và áp dụng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi, thu mua đến chế biến và tiêu thụ cá tra.

N. T

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!