Châu Âu: Kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Tới nay, châu Âu vẫn là nhà nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực kiểm soát rất chặt chất lượng sản phẩm nhập khẩu với các kênh phân phối thị trường đều hướng đến sản phẩm thân thiện môi trường, tập trung tuân thủ các quy tắc vệ sinh và quy định quốc tế.


Châu Âu tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu Ảnh: CTV 

Luật thực phẩm

Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG SANTE) của Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm tại châu Âu. Luật nhập khẩu dành cho các sản phẩm thủy sản và nhuyễn thể có vỏ được đề ra nhằm đảm bảo tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao như sản phẩm của các thành viên thuộc EU – với kỳ vọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng hoặc an toàn thú y nếu sản phẩm phục vụ nuôi trồng. Để quá trình nhập khẩu diễn thuận lợi và hiệu quả, các quốc gia xuất khẩu thủy sản sang châu Âu buộc phải nắm được những nguyên tắc cơ bản của Luật Thực phẩm châu Âu (được cho là nền tảng cơ sở hình thành lên luật nhập khẩu).

Người dân châu Âu có quyền lợi chính đáng và cũng đặt kỳ vọng lớn vào độ an toàn và chất lượng của thực phẩm mà họ đang tiêu dùng. Để đáp ứng được nhũng kỳ vọng này, Luật thực phẩm của châu Âu đã thực hiện nguyên tắc cơ bản của quản lý chất lượng và quy trình chế biến theo hướng có thể kiểm soát xuyên suốt chuỗi thực phẩm từ tàu khai thác hoặc trại nuôi thủy sản tới bàn ăn. Nếu chỉ tiến hành kiểm tra đột xuất sản phẩm cuối cùng thì chưa thể đảm bảo được an toàn thực phẩm, chất lượng và sự minh bạch cho người tiêu dùng. Do đó, nếu không thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi có nhãn mác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU thì các nước xuất khẩu thủy sản khó tận dụng cơ hội từ thị trường xuất khẩu rộng lớn này.

Đề cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc

Việc nhập khẩu thủy hải sản vào thị trường châu Âu phải tuân theo chứng nhận chính thức, nghĩa là dựa trên sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia không thuộc EU. Công nhận chính thức về mức độ đáng tin cậy của cơ quan có thẩm quyền là yếu tố tiên quyết để các quốc gia có đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Những cơ quan công quyền với quyền pháp lý cần thiết và nguồn lực phải đảm bảo được việc giám sát đáng tin cậy và kiểm soát xuyên suốt chuỗi sản xuất bao trùm toàn bộ các khía cạnh của vệ sinh, sức khỏe cộng đồng và trong trường hợp sản xuất thủy sản thì phải kiểm soát được cả thú y.

Toàn bộ các đàm phán song phương hoặc đối thoại có liên quan đến vấn đề nhập khẩu thủy sản phải được thực thi bởi cơ quan quốc gia có thẩm quyền. Tất cả các doanh nghiệp tư nhân hoặc các đơn vị muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền và phải đối thoại với châu Âu thông qua kênh này. Thực tế, các mặt hàng như cá sống, trứng và ấu trùng phục vụ trại nuôi và nhuyễn thể có vỏ buộc phải đáp ứng được các quy định kiểm dịch. Điều này cũng đặt ra yêu cầu các dịch vụ thú y phải có năng lực kiểm soát hiệu quả các vấn đề liên quan sức khỏe vật nuôi.

Châu Âu cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể về kết cấu tàu bè, khu vực cập cảng, xây dựng khu chế biến và quy trình cấp đông, bảo quản… với thủy sản khai thác nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao nhất và ngăn chặn sản phẩm nhiễm độc suốt quá trình chế biến. Nhập khẩu nhuyễn thể có vỏ còn sống hoặc đã qua chế biến như ngao, hàu; động vật không xương sống da gai ở biển như hải sâm hoặc động vật chân bụng như ốc biển, ốc xà cừ chỉ được phép nếu sản phẩm được chứng nhận xuất xứ từ các khu vực được phép khai thác. Cơ quan quản lý tại các quốc gia xuất khẩu được yêu cầu phải đứng ra đảm bảo phân loại sản phẩm này và kiểm soát chặt chẽ vùng sản xuất để loại trừ sản phẩm nhiễm độc. Với thủy sản nuôi, các quốc gia xuất khẩu buộc phải thực hiện Kế hoạch kiểm soát chất lượng gồm kim loại nặng, độc tố, tồn dư kháng sinh và hóa chất theo các yêu cầu của châu Âu. Kế hoạch kiểm soát chất lượng phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện và được đệ trình lên EC để kiểm duyệt hàng năm.

Hỗ trợ đào tạo

Từ năm 2006 đến nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn so với thịt. Khi mua thủy sản, người tiêu dùng châu Âu sẽ ưu tiên xem xét mẫu mã, giá, nguồn gốc, thương hiệu và đặc biệt ưa chuộng sản phẩm khai thác tự nhiên hoặc có thể nấu nhanh bằng lò vi sóng. Do đó, để đảm bảo nguồn cung thủy sản chất lượng cho thị trường, đồng thời mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, EC đã và đang cung cấp chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia đang phát triển có thể đáp ứng được các quy định và luật kiểm soát sản phẩm nhập khẩu của châu Âu.

Chương trình đào tạo hàng đầu về an toàn thực phẩm (Better traning for Safer Food) của GD SANTE được thiết kế cho các quốc gia đang phát triển dựa theo các tiêu chuẩn của EU về thủy sản khai thác và nuôi trồng. Chương trình đào tạo nhằm mục đích mở rộng kiến thức và nâng cao năng lực áp dụng tiêu chuẩn EU tại các quốc gia này, giúp các quốc gia đang phát triển nắm bắt được cơ hội tiếp cận thị trường thủy hải sản châu Âu. Đây cũng là một cách châu Âu kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản nhập khẩu ngay tại nước sản xuất.

>> Châu Âu đã ban hành quy định mới về Chứng nhận quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của EU (IUU) từ tháng 9/2017. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu không có chứng nhận IUU, hàng không được thông quan và bị đưa vào danh sách kiểm soát tăng cường (danh sách đen); bị giữ hàng hóa 2 – 3 tuần, dẫn đến các sản phẩm có nguy cơ hỏng hoặc đội chi phí do bảo quản.

Tuấn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!