T2, 06/07/2020 12:08

Chế tạo thức ăn nuôi tôm sú không bột cá ở Australia

Chưa có đánh giá về bài viết

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các kênh bán lẻ và nhà bảo tồn biển, các chuyên gia thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại Australia đã chế tạo thành công thức ăn nuôi tôm hiệu quả và không chứa bột cá đầu tiên trên thế giới.

Nghiên cứu sâu rộng

Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm thức ăn mới sẽ thay đổi diện mạo ngành công nghiệp nuôi tôm của Australia và toàn cầu. Trại nuôi tôm của hãng Australia Prawn Farms ở Bắc Queensland là đơn vị đầu tiên nuôi tôm thương phẩm bằng nguồn thức ăn mới. Đây cũng là trại nuôi luôn đi đầu trong công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Australia.

Matt West, Tổng Giám đốc Australia Prawn Farms cho biết, tôm sú nuôi bằng nguồn thức ăn mới phát triển nhanh và khỏe hơn tôm nuôi bằng bột cá truyền thống; tôm còn có màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngon hơn. Tháng 4/2015, Australia Prawn Farms thu hoạch xong lứa tôm đầu tiên nuôi bằng thức ăn cải tiến (không bột cá). West khẳng định, tôm nuôi bằng thức ăn mới tăng trọng trên 1,9 g/tuần và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) dưới 1,35. West là chuyên gia nuôi tôm với hơn 15 năm kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng về ngành tôm nuôi tại Australia, đồng thời đóng vai trò hạt nhân trong các nghiên cứu của Hiệp hội Tôm sú Australia (APFA). Ông đang là Chủ tịch Hiệp hội. Mục tiêu của cơ quan nghiên cứu thuộc APFA là cung cấp dữ liệu quan trọng của ngành tôm nuôi tại Australia, giúp các công ty sản xuất TĂCN tạo ra sản phẩm phù hợp, giảm chi phí nuôi và cải thiện tính bền vững cho ngành TĂCN.

chế tạo thức ăn nuôi tôm sú không bột cá ở Australia

Matt West và sản phẩm tôm được nuôi bằng thức ăn cải tiến

Trước đó, các nhà nghiên cứu chỉ tạo ra được sản phẩm thức ăn không bột cá đảm bảo tính bền vững nhưng làm giảm tỷ lệ tăng trưởng đáng kể và tăng hệ số FCR trong nuôi tôm. Đây không phải giải pháp kinh tế cho người nuôi. Sau nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn, dòng sản phẩm thức ăn bền vững, cải thiện tốt tăng trưởng, tỷ lệ sống và FCR mới ra đời tại Australia.

 

Hợp tác chặt chẽ

Sản phẩm thức ăn nuôi tôm cải tiến là quả ngọt sau 8 năm nghiên cứu của Tiến sĩ Richard Smullen và Tiến sĩ Matthew Briggs thuộc Công ty TNHH Ridley AgriProducts Pty – chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi hàng đầu tại Australia. Smullen là Giám đốc nghiên cứu và phát triển kỹ thuật với hơn 17 năm kinh nghiệm. Briggs đã làm việc trong ngành tôm nuôi 30 năm, với nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển thương mại từ châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi.

“Hợp tác chặt chẽ với các trại nuôi tôm đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tạo ra sản phẩm thức ăn mới. Cách đây 4 năm, chúng tôi đã xây dựng mô hình ao nuôi tôm thử nghiệm bằng nguồn thức ăn mới tại trang trại của một số hộ nuôi. Lúc đó, chúng tôi đã sản xuất được thức ăn giúp tôm đạt trọng lượng 30 g chỉ sau 120 ngày nuôi với hệ số FCR dưới 1,3. Từ thành công ban đầu, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thành công dòng sản phẩm thức ăn nuôi tôm nhãn hiệu MR để sử dụng trên diện rộng tại các trại nuôi quy mô ở Australia. Tuy nhiên, người nuôi tôm, các công ty hay hiệp hội nuôi tôm lớn tại Australia vẫn chưa hài lòng với sản phẩm chỉ có ưu điểm duy nhất là giúp tôm đạt tỷ lệ tăng trưởng tốt. Điều này có nghĩa, tổ nghiên cứu của chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện sản phẩm”, Smullen cho biết.

Theo đó, thách thức mới của các chuyên gia là phát triển dòng sản phẩm MR đã mang tính bền vững lên tầm cao hơn là xóa bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn bột cá truyền thống và đưa tỷ lệ FIFO (tỷ lệ sử dụng thức ăn từ cá biển để nuôi trồng thủy sản) tiến sát 0 mà không ảnh hưởng tác dụng kích thích tăng trưởng tốt của sản phẩm.

hiệu quả sử dụng thức ăn tôm sú không bột cá ở australia

 

Tận dụng triệt để phụ phẩm chất lượng

Bí quyết thành công của các chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi tại Australia là biết cách tận dụng sản phẩm phụ từ những loại cá chất lượng cao trong ngành chế biến thực phẩm. Những loại cá này là nguyên liệu chế biến tại xưởng đồ hộp, và phụ phẩm có chọn lọc tại chợ thủy sản Sydney. Tương lai không xa, Australia sẽ tận dụng triệt để phụ phẩm từ những xưởng chế biến cá hồi và cá barramundi trên khắp đất nước. Theo Smullen, những sản phẩm phụ trong ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản làm thực phẩm vẫn chưa được tận dụng hết, gây lãng phí lớn nguồn nguyên liệu tươi sống có giá trị. Mục tiêu của Ridley AgriProducts là sử dụng những phụ phẩm này kết hợp nguồn nguyên liệu tươi sống bền vững khác để tạo ra một siêu phẩm thức ăn nuôi tôm trên toàn cầu.

Phần lớn các sản phẩm bột cá truyền thống đều có nguồn gốc tự nhiên, khai thác bằng lưới kéo trên biển. Tuy nhiên, bột cá tự nhiên giá rất cao, làm tăng chi phí nuôi tôm. Hiện, người nuôi trồng thủy sản và người tiêu dùng đều nhận thức rõ tình trạng suy giảm nguồn lợi và khai thác thủy sản quá mức ở nhiều nơi. Không chỉ các nhà sản xuất thức ăn, người chăn nuôi cũng đang đối mặt áp lực tìm kiếm giải pháp TĂCN bền vững. Tại Australia, áp lực này rõ nhất, vì đây là nước đặt thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững lên hàng đầu. Do đó, nguồn thức ăn mới của Ridley AgriProducts có thể sẽ thay đổi được suy nghĩ của đại đa số người tiêu dùng khó tính trên thế giới, vì sản phẩm thức ăn mới đã giúp người nuôi tôm không còn lệ thuộc nguồn thức ăn từ bột cá tự nhiên. 

Các nguồn cung TĂCN từ châu Á đang cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Australia; nhưng theo Briggs, công nghệ sản xuất TĂCN của Australia tiến xa hơn các sản phẩm châu Á 10 năm, vì những sản phẩm đó phụ thuộc nhiều vào bột cá truyền thống cùng nhiều vấn đề đi kèm (như sử dụng nguyên liệu chế biến từ cá loại, thải và ươn hỏng, chất lượng kém). Sản phẩm của Ridley AgriProducts không rẻ nhất thị trường nhưng mang lại lợi nhuận lâu dài cho người nuôi tôm và chắc chắn tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. 

>> Tôm sú Queensland cho ăn bằng 1 kg thức ăn mới của Ridley, không bột cá, cùng công nghệ quản lý trại nuôi tiên tiến, có thể đạt trọng lượng gần 1 kg. Trước đó, để đạt trọng lượng 1 kg, phải tốn 3 kg thức ăn có chứa bột cá.

Tuấn Anh

Aqua Culture

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!