Cơ hội thành công ở thị trường Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại hội thảo “Giới thiệu về thị trường Trung Quốc: kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh” vừa tổ chức ở Cần Thơ, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công và Tham tán Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm đã chia sẻ.

Thị trường khổng lồ

Ông Trần Văn Công cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, hàng nông, lâm thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 6 tỷ USD và nhập về gần 2 tỷ USD, thặng dư hơn 4 tỷ USD. Những mặt hàng xuất sang Trung Quốc tăng mạnh so cùng kỳ năm 2018, trong đó, thủy sản 831 triệu USD (tăng 14,2%).

Thời gian qua, Trung Quốc siết chặt kiểm soát để đảm bảo ATTP, yêu cầu đi đường chính ngạch và thông tin truy xuất nguồn gốc, hàng hóa có bao bì nhãn mác rõ ràng. Các cơ quan quản lý hai nước tăng cường đàm phán và nhiều doanh nghiệp của Việt Nam tích cực đổi mới để đáp ứng nên đã khơi thông được nhiều mối giao thương. Về thủy sản, hiện tại có 665 cơ sở được phép xuất khẩu vào Trung Quốc với danh mục 128 mặt hàng, 44 mặt hàng thủy sản sống. Trung Quốc vừa công bố cắt giảm thuế về 0% cho 33 mặt hàng thủy sản là tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương…

Thủy sản xuất khẩu cần được giám sát nghiêm ngặt – Ảnh: CTV

Theo ông Trần Văn Công, hiện đang có nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, nhất là thủy sản. Hai nước đã có Hiệp định Thương mại biên giới ký ngày 9/12/2016, hiện đang triển khai Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN. Với mặt hàng thủy sản, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và đang áp thuế 0%, một lợi thế của Việt Nam so các nước khác trong khu vực. 

 

Ba vấn đề cần quan tâm

Ông Trần Văn Công nhấn mạnh, nông, thủy sản Việt Nam muốn tận dụng cơ hội ở thị trường Trung Quốc phải đi đường chính ngạch. Còn ông Hồ Tỏa Cẩm, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lưu ý, thu nhập bình quân đầu người một năm của Trung Quốc hơn 10.000 USD, nhu cầu về ATTP rất cao và thị trường Trung Quốc đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc để đáp ứng. 

Về thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu phải có đủ điều kiện máy móc, trang thiết bị sản xuất, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng, kho tàng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (hồ sơ kỹ thuật, nhật ký sản xuất…). Được NAFIQAD kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy đinh của Việt Nam và của Trung Quốc, cấp mã số đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Thủy sản sống đăng ký tương tự như trên và Cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc có thể tiến hành thanh kiểm tra khi cần thiết trước khi cho phép nhập khẩu. Các loại thủy sản tươi sống khác, đăng ký với NAFIQAD kiểm tra, đưa vào danh sách Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Để nắm cơ hội, theo ông Hồ Tỏa Cẩm, không nên bỏ qua 4 hội chợ thường niên quan trọng nhất ở Trung Quốc. Hội chợ Côn Minh tại tỉnh Vân Nam vào tháng 6, tôn vinh hàng nông sản; Hội chợ Nam Ninh vào tháng 9 tại tỉnh Quảng Tây; Hội chợ Quảng Châu ở tỉnh Quảng Châu. Đồng thời, cần thiết lập mối liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các hiệp hội thương gia Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa đặc biệt cần bán hoặc gặp vướng mắc trong giao dịch làm ăn cứ tới Đại sứ quán Trung Quốc, có phòng thương mại tiếp nhận và tư vấn. Những năm qua, Đại sứ quán đã xử lý nhiều vụ khiếu nại về gian lận thương mại, bảo vệ việc làm ăn đúng pháp luật của hai phía.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!