Công tác liên kết đóng vai trò rất quan trọng

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chia sẻ của ông Trần Đình Luân (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhân dịp đầu năm mới. Trong cuộc trao đổi này, ông Trần Đình Luân còn đưa ra những nhận định về ngành thủy sản trong năm 2020 với những định hướng then chốt.

Ông có thể chia sẻ về bức tranh tổng quan ngành thủy sản Việt Nam năm 2019?

Năm 2019, ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng. Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2019, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.473,7 nghìn tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2018 và đạt 92,4% kế hoạch năm; trong đó, sản lượng khai thác đạt 3.474,8 nghìn tấn, nuôi trồng 3.998,9 nghìn tấn. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2019 đạt 7,85 tỷ USD.

Để duy trì đà tăng trưởng, phát huy lợi thế của ngành được những kết quả này là nhờ vào sự nỗ lực triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành; sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ/ngành liên quan, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân.

Tuy nhiên, trong bức tranh đó vẫn còn có một số khó khăn, như: Các cuộc xung đột thương mại giữa các quốc gia; lượng hàng tồn kho của năm trước cao khiến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn những tháng đầu năm; một số thay đổi về hàng rào kỹ thuật, tăng cường kiểm soát như Trung Quốc đã tác động đến xuất khẩu; “thẻ vàng” của EC về khai thác IUU…

 

Vậy, vấn đề “thẻ vàng” của EC về IUU đến nay chúng ta đã giải quyết ra sao? Thời gian tới ngành sẽ vào cuộc như thế nào, thưa ông?

Trong năm vừa qua, chúng ta đã rất nỗ lực trong việc khắc phục “thẻ vàng” của EC về IUU. Cụ thể, chúng ta đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được các yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm nỗ lực ngăn chặn tàu cá vi phạm, đặc biệt trong những tháng gần đây tình hình kiểm soát các tàu cá vi phạm đã có những kết quả rất tích cực. Trong 2 năm vừa qua, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, ghi và nộp sổ nhật ký khai thác cũng đã có nhiều tiến bộ, giúp việc truy xuất nguồn gốc thủy sản được tốt hơn. Quan trọng nhất là nhận thức của cả hệ thống chính trị về khai thác IUU, không chỉ là việc đáp ứng yêu cầu của EC mà còn là một trong những chủ trương của nhà nước để phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới. Sau kết quả kiểm tra đánh giá lần 2 của EC, những khuyến nghị để tiếp tục hoàn thiện việc quản lý khai thác thủy sản sẽ tiếp tục được triển khai nhằm hướng tới sớm rút được cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Thời gian tới, thông điệp đầu tiên chính là không để tàu cá Việt Nam vi phạm các vùng biển nước khác. Thứ hai, phải kiểm soát tốt các nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam để chế biến. Thứ ba, tiếp tục triển khai các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, trong đó có công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng theo đúng quy định; lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình liên tục theo quy định; ghi chép nhật ký khai thác phải đảm bảo độ chính xác để giúp công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác xuất khẩu. Và lâu dài, phải tăng cường nguồn lực cho công tác kiểm soát tàu cá, thực thi pháp luật thủy sản và đầu tư hạ tầng nghề cá. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục thực hiện theo 4 nhóm khuyến nghị của EC đề nghị Việt Nam tiếp tục theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá, gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

 

Với nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong năm vừa qua đã có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Trong thời gian qua, một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra đã có rất nhiều mô hình ứng dụng công nghệ, công nghệ nuôi vi sinh và tổ chức liên kết, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả.

Tuy nhiên, ngành NTTS nước ta vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn như: Sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ vẫn còn nhiều; một số nơi cơ sở hạ tầng về thủy lợi, điện… vẫn chưa đảm bảo; biến đổi khí hậu gây ra các vấn đề về môi trường, dịch bệnh và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong NTTS cũng ngày một gia tăng, dẫn đến dịch bệnh xuất hiện không theo quy luật, rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi phát sinh diện tích nuôi tự phát, không tuân theo quy hoạch làm mất cân đối cung cầu ở những thời điểm nhất định, nguy cơ dịch bệnh và hiệu quả sản xuất kém.

Nuôi tôm công nghệ cao đang là xu thế phát triển tại Việt Nam – Ảnh: PTC

 

Như ông chia sẻ, dịch bệnh trong NTTS xuất hiện không theo quy luật, điều này đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để có thể lường trước và đưa ra những kế hoạch để ứng phó? Trước khó khăn như vậy thì chúng ta có hướng giải quyết thế nào?

Thực tế, ngành cũng đã có đề xuất một loạt các nghiên cứu đánh giá hiện trạng các mô hình nuôi tôm, cá trong giai đoạn vừa qua để thấy được với tình hình canh tác như hiện nay và ứng phó với biến đổi khí hậu đang có một số bất cập, từ đó để đề xuất ra được những giải pháp về mặt khoa học kỹ thuật cho những mô hình nuôi phù hợp. Từ kết quả nghiên cứu đánh giá về hiệu quả các mô hình, trong thời gian tới ngành sẽ có kế hoạch để tổ chức các hội thảo tuyên truyền và nhân rộng những mô hình này.

Về phía người nuôi, cần phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật, các quy định kiểm soát con giống, quá trình nuôi, sử dụng thuốc, hóa chất và quan trọng cần phải tổ chức liên kết sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã… gắn với tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận với vật tư đầu vào. đây là những điểm mấu chốt để sản xuất đủ sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu cả về số lượng, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đúng cung cầu để toàn chuỗi thu được kết quả tốt.

 

Đâu sẽ là định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam năm 2020, thưa ông?

Thủy sản vẫn là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Theo đó, với những đối tượng chủ lực như tôm, cá tra vẫn tiếp tục thực hiện theo tái cơ cấu, tức là tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Về cơ bản, sẽ ổn định diện tích nhưng chú trọng đầu tư khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, cũng sẽ ứng dụng công nghệ nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi để truy xuất nguồn gốc.

Về lĩnh vực nuôi, sẽ phát triển đa dạng hơn, tập trung vào nuôi biển, cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) và một số đối tượng đặc thù của địa phương, như ba ba của Yên Bái, cá chiên của Tuyên Quang… Tuy nhiên, trong NTTS yếu tố quan trọng là phải kiểm soát được từ con giống, thức ăn, vật tư đầu vào…

Đối với lĩnh vực khai thác, theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ cơ cấu lại nghề khai thác, cân đối giữa điều tra nguồn lợi để cơ cấu đội tàu cho phù hợp với nguồn lợi trên tinh thần giảm cường lực khai thác, đặc biệt là khai thác ven bờ và nâng cao bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, xuất phát từ các yêu cầu của thị trường nên giữa người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự phối hợp để có những thông tin kịp thời, từ đó giúp việc tổ chức sản xuất được tốt hơn, đặc biệt là để nắm bắt và tuân thủ đúng các quy định của thị trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: “Với sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, khả năng từng người dân có thể dự báo được thị trường là rất khó. Cho nên công tác liên kết đóng vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, nó giúp liên kết theo chiều ngang, là tổ chức sản xuất theo diện tích lớn. Thứ hai là giúp tiếp cận dễ hơn với các nguồn vật tư đầu vào, giảm giá thành đầu vào trong sản xuất. Thứ ba là có tổ chức sản xuất tốt thì việc liên kết với các nơi tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn và khả năng để đưa giá bán cao hơn”.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!