T2, 06/07/2020 12:59

Công ty CP Việt Nam Food: Khai thác “mỏ vàng” phụ phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Công ty CP Việt Nam Food (VNF) thành lập năm 2013, là Công ty hàng đầu và lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực thu gom, xử lý và chế biến phụ phẩm thủy hải sản (đầu vỏ tôm, nội tạng mực…), tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như: Dược phẩm, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón.

Gian hàng VNF tại Vietstock 2016 nhận được sự quan tâm đặc biệt của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Gian hàng VNF tại Vietstock 2016 nhận được sự quan tâm đặc biệt của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Tạo ra sự khác biệt

Theo phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, định hướng đạt tổng sản lượng thủy sản lên đến 9 triệu tấn. Chỉ tính riêng lượng phụ phẩm thủy, hải sản (chiếm tỷ trọng bình quân 54% khối lượng) đã lên đến gần 4,86 tấn, nếu không được đưa vào khai thác/sử dụng một cách hợp lý mà thải bỏ ra môi trường sẽ gây ra nhiều vấn đề ô nhiễm. Tại Việt Nam, với công nghệ xử lý truyền thống, chỉ 23% trong tổng số lượng phụ phẩm thải bỏ được dùng vào việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi và 7% dùng vào việc sản xuất sản phẩm có giá trị tăng cao, hơn một nửa lượng phụ phẩm còn lại bị thải bỏ. Trong khi ở các nước ngành phụ phẩm phát triển, trung bình có thể xử lý được 75%. Thậm chí ở Na Uy, có đến 95% lượng phụ phẩm được tái sử dụng, ngành công nghiệp phụ phẩm gần như đạt hiệu quả tối ưu.

Riêng về ngành tôm, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Sản lượng tôm Việt Nam năm 2014 đạt gần 600.000 tấn và dự kiến đạt 800.000 tấn đến năm 2020. Phụ phẩm tôm chiếm tỷ trọng bình quân ở mức 35 – 45% trọng lượng cơ thể (tùy theo loại tôm sú, tôm thẻ…), ngoài ra, protein trong đầu tôm còn có chứa carotenoids (một dạng sắc tố hữu cơ, chủ yếu là astaxanthin – sắc tố có màu đỏ thẫm), đầu vỏ tôm còn là nguyên liệu tốt nhất trong số các nguyên liệu làm chitin/chitosan.

Với kỳ vọng đưa ngành chế biến phụ phẩm trở thành một trong những ngành nghề trọng điểm đáp ứng xu hướng “Không chất thải – zero waste” toàn cầu (tận dụng triệt để nguyên liệu đầu vào – giảm thiểu tối đa lượng chất thải đầu ra), VNF đã lên kế hoạch đầu tư khai thác “mỏ vàng” phụ phẩm này tại Việt Nam. Qua nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng, đến nay VNF đã sản xuất thành công rất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu đầu vỏ tôm. Có thể phân ra 4 nhóm sản phẩm chính, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu đã và đang được thị trường tiêu thụ trong nước chấp nhận, gồm:

Nhóm thực phẩm/nguyên liệu sản xuất thực phẩm: Bột tôm, dịch đạm tôm. Sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm (sợi mì, gia vị mì, snack, gia vị snack, sốt các loại…), nấu ăn (nêm nếm) hoặc ăn trực tiếp, nhằm tăng hương vị và dinh dưỡng tự nhiên cho sản phẩm. Đây là bước tiến lớn trong ngành khi dịch đạm của VNF có thể dùng để thay thế cho các hóa chất hương liệu, phụ gia tổng hợp có hại cho sức khỏe người dùng; Đồng thời đảm bảo chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Do đó, VNF đã nhận được nhiều quan tâm từ các đối tác lớn trong ngành thực phẩm.

Nhóm thức ăn chăn nuôi/Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Chất dẫn dụ: Dịch tôm thủy phân, dịch mực thủy phân. Sử dụng làm nguyên liệu thức ăn thủy sản. Bổ sung chất dinh dưỡng, mùi dẫn dụ hấp dẫn, kích thích tôm cá bắt mồi nhanh và hiệu quả. Nhiều nhóm các trường đại học trong ngành thủy sản và nông nghiệp đã thực hiện khảo nghiệm hiệu quả của SSE nghiên cứu trên cá rô phi, heo và cá tra đã cho kết quả khả quan cả về mặt hiệu quả kinh tế và hiệu quả chăn nuôi. Cụ thể, SSE cho kết quả vượt trội ở heo, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) giảm đáng kể từ 2,44 xuống 2,15, dẫn đến chi phí thức ăn giảm 11%, doanh thu tăng 31% và lợi nhuận tăng 42%. Kết quả tương tự cho thực nghiệm trên cá tra và cá rô phi, việc sử dụng SSE giúp tăng tỷ lệ sống sót cho vật nuôi 8 – 12% và tăng lợi nhuận 15 – 25% so nhóm đối chứng. Việc nghiên cứu thành công dòng sản phẩm chất dẫn dụ được xem như một bước đột phá, tạo ra giá trị gia tăng hoàn toàn mới cho ngành phụ gia thức ăn chăn nuôi.

Nhóm nguyên liệu sử dụng cho ngành dược phẩm/công nghiệp: Chitin/Chitosan là những polysaccharide (phân tử carbohydrate) nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ vỏ tôm tươi với khả năng sát khuẩn và tạo màng sinh học, có thể ứng dụng đa dạng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: Y sinh học và dược phẩm; Hóa chất và công nghiệp; Mỹ phẩm; Thực phẩm và Dinh dưỡng; Bảo quản trái cây, rau củ quả; Xử lý nước thải; Nông nghiệp. Theo báo cáo của Global Industry Analysts – GIA, năm 2015, giá trị thương mại của Chitosan ước đạt 20 tỷ USD. Hiện, VNF đang tiếp tục hợp tác với các tổ chức nghiên cứu ở châu Âu, Đại học Harvard và Đại học Nha Trang… để nghiên cứu sâu hơn về dẫn xuất chitosan, vì đây là nguyên liệu càng nghiên cứu ứng dụng sâu, giá trị mang lại càng cao.

Nhóm phân hữu cơ vi sinh: Tận dụng bùn thải thu được sau quá trình sản xuất của VNF kết hợp với một số vi sinh có lợi cho đất và cây trồng tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh.

Sản phẩm VNF đã và đang được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia… VNF xác định tầm nhìn của Công ty là trở thành nhà sản xuất đạm và thực phẩm hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, tạo ra các sản phẩm giá trị cao cho khách hàng. Không chỉ dừng lại là một doanh nghiệp chế biến phụ gia cho các ngành, giá trị lớn nhất mà VNF mang lại đó là tư duy khác biệt về giá trị đầu vỏ tôm, đầu tư mạnh cho công nghệ và quan tâm đến vấn đề môi trường.

Hướng đến mục tiêu bền vững


Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về xử lý phụ phẩm thủy sản bằng phương pháp sinh học thân thiện với môi trường giữa 3 bên Công ty Brenntag Việt Nam, VNF và Trường Đại học Nha Trang

Thách thức lớn nhất mà bất cứ doanh nghiệp nào bước chân vào sân chơi “biến rác tôm thành vàng” cũng phải đối mặt là việc đầu vỏ tôm sẽ bị phân hủy trong vòng 4 giờ đồng hồ nếu không được bảo quản lạnh đủ tiêu chuẩn. VNF giải bài toán này bằng việc đặt nền móng xây dựng 2 nhà máy gần bên các nhà máy chế biến tôm lớn nhất trong khu vực. Cách làm này giúp giảm thiểu chi phí lập các điểm thu mua lưu động, kiểm soát đồng bộ chất lượng phụ phẩm đầu vào của tất cả các nhà máy sản xuất tôm ngay tại nguồn, chủ động được sản lượng thu mua phục vụ công tác điều tiết giá và năng suất thành phẩm.

Bên cạnh đó, VNF cũng rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ chất lượng sản phẩm từ khâu thu mua nguyên liệu, vận chuyển về nhà máy, sản xuất và lưu kho. 100% nguyên liệu phụ phẩm giữ được độ tươi được lấy trực tiếp từ các nhà máy thủy, hải sản lớn trong vùng. Phòng lạnh/kho cấp đông/xe tải đông lạnh đảm bảo yêu cầu bảo quản sản phẩm. Toàn bộ thành phẩm/thứ phẩm được thu gom bằng hệ thống băng chuyền đảm bảo vệ sinh và giảm thiểu thất thoát. Tất cả nguyên liệu/xe/phuy/đồ chứa sau khi được bốc dỡ sẽ được rửa bằng nước sạch thông qua hệ thống thủy lực áp suất cao. Toàn bộ việc sản xuất được tổ chức quản lý chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP. Thông qua bộ nhật ký công việc và kiểm tra chất lượng định kỳ cho phép sớm phát hiện những lỗi hoặc sự cố phát sinh. Tất cả thành phẩm cũng được kiểm tra độc lập sau khi sản xuất và định kỳ lưu kho.

Nhờ có chiến lược phát triển phù hợp, VNF đã liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm cải tiến giá trị cao, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng và thân thiện môi trường; Từ đó, chẳng những đảm bảo khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn góp phân nâng cao giá trị phụ phẩm tôm, biến “mỏ vàng phụ phẩm” thành một ngành công nghiệp mới thực sự cho nước nhà.

Ngoài việc đảm bảo về chất lượng đầu vào, quy trình sản xuất và chất lượng đầu ra, VNF luôn nhắm đến một hướng đi bền vững, lâu dài dựa trên 3 tiêu chí chính:
• Công nghệ sinh học: Ứng dụng công nghệ enzyme để tạo ra sản phẩm giá trị cao, đạt lợi thế xuất khẩu và thân thiện với môi trường.
• Mô hình sản xuất không chất thải: Quy trình sản xuất của VNF nhấn mạnh việc xử lý đầu nguồn, tận dụng hết những nguồn dinh dưỡng để giảm nhẹ đầu ra cho môi trường. VNF là Công ty duy nhất sử dụng cả phần vỏ và phần đạm của phụ phẩm tôm, trong khi các doanh nghiệp còn lại chủ yếu chỉ xử lý vỏ hoặc đạm tôm.
• Phát triển R&D tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng: VNF vẫn luôn cố gắng cải tiến sản phẩm qua nhiều phương diện như: Mở rộng ra những nguyên liệu mới như phụ phẩm nông nghiệp, rong biển, cua…; Cải thiện sản phẩm về chất lượng và hình thức, đầu tư công nghệ sấy phun; Mở rộng ứng dụng sản phẩm lên nhiều đối tượng, ngành nghề khác nhau.

>> Chọn hướng đi khác biệt là tạo ra phân khúc sản phẩm mới (chất dẫn dụ dịch tôm thủy phân), mong muốn của VNF là vẽ lại bản đồ cung ứng nguyên liệu đầu vào của nền công nghiệp thức ăn chăn nuôi nội địa hiện có giá trị khoảng 6 tỷ USD.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!