T2, 06/07/2020 12:04

De Heus Việt Nam: “Cùng chung sức cho kết quả tốt hơn”

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn 7 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, với 7 nhà máy được xây dựng, quy mô sản lượng 850.000 tấn/năm, De Heus Việt Nam đã vươn lên vị trí top 5 các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam. Cùng nghe những chia sẻ của Tổng Giám đốc De Heus Khu vực châu Á, Gabor Fluit (ảnh) để hiểu thêm chiến lược phát triển của De Heus tại thị trường Việt Nam thời gian tới.

gabor fluit tổng giám đốc de heus khu vực châu áLà một trong những tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trên thế giới, ở thị trường Việt Nam, thương hiệu De Heus đã được đa số người chăn nuôi tin tưởng sử dụng. Đâu là bí quyết giúp De Heus Việt Nam có được thành công này?

Ngay từ những ngày đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam, De Heus đã tập trung hỗ trợ những hộ chăn nuôi độc lập phát triển. Chúng tôi không muốn cạnh tranh trực tiếp với người nông dân qua cách xây dựng hệ thống trại chăn nuôi gia công mà chủ yếu hướng đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi cho họ. Sự hỗ trợ này luôn luôn đi cùng với cam kết sản xuất thức ăn chất lượng cao, ổn định, thông qua việc không ngừng cải thiện hệ thống máy móc sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005, GlobalGAP và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

 

Ông có thể giới thiệu đôi nét về De Heus Việt Nam?

De Heus vào Việt Nam vào tháng 11/2008 và sản phẩm đầu tiên được giới thiệu ra thị trường vào tháng 4/2009. Hiện nay, chúng tôi có 7 nhà máy ở Việt Nam, tọa lạc tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và hai nhà máy ở Vĩnh Long (một nhà máy thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và một nhà máy thức ăn thủy sản). Bên cạnh đó, De Heus Việt Nam cũng đã trở thành trụ sở chính cho Tập đoàn De Heus tại châu Á. Hiện tại chúng tôi đang xây dựng nhà máy tại Myanmar, song song với xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.

 

>> “Tại De Heus, chúng tôi xây dựng văn hóa công ty dựa trên 4 tiêu chí: Luôn luôn học hỏi, luôn biết lắng nghe, giúp đỡ và chia sẻ nhau trong công việc thông qua việc giao tiếp hiệu quả và luôn mang trong mình tinh thần chiến thắng”, Tổng Giám đốc De Heus Khu vực châu Á, Gabor Fluit nói.

Ông thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam như thế nào?

Đó là sự kết hợp giữa thách thức và cơ hội. Luôn có một sự cạnh tranh khắc nghiệt ở thị trường này bởi người Việt là những nhà kinh doanh thực thụ, họ luôn luôn tìm kiếm những giải pháp thay thế tốt hơn cho những sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ đang sử dụng. Điều này phần nào đem lại cơ hội cho những công ty mới như De Heus thuyết phục khách hàng thử nghiệm sản phẩm. Một khi mà họ đã sẵn lòng thử nghiệm thì chúng tôi tự tin rằng, chúng tôi có thể thuyết phục được họ trở thành khách hàng của mình vì chúng tôi luôn giữ đúng cam kết về chất lượng sản phẩm.

 

Giữa một thị trường thức ăn chăn nuôi và thủy sản đầy cạnh tranh như hiện nay, De Heus Việt Nam có gặp khó khăn nào không?

Chúng tôi đã có sự phát triển vượt bậc trong suốt 6 năm qua tại thị trường Việt Nam, chúng tôi dần hiểu thị trường và cách thức tiếp cận khách hàng, đội ngũ bán hàng và đội ngũ kỹ thuật của mình. Ban giám đốc Công ty cũng phải dành thời gian đi thị trường để có thể nắm được nhu cầu thật sự của khách hàng. Bước đầu, khi chúng tôi tung sản phẩm thức ăn thủy sản ra thị trường vào năm 2012, chúng tôi đã phải trải qua một khoảng thời gian để điều chỉnh công thức dinh dưỡng sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trên nhiều phương diện, tuy nhiên hiện tại thì thị trường thức ăn thủy sản của chúng tôi đang phát triển rất tốt.

de heus việt nam

 

De Heus Việt Nam đã làm gì để vượt qua những khó khăn này?

De Heus luôn luôn cố gắng cải thiện, học hỏi từ những lỗi sai và gắn kết mật thiết với khách hàng (đại lý phân phối, các trại), đó là lý do tại sao chúng tôi thường nói “Cùng chung sức cho kết quả tốt hơn”. De Heus cũng quyết định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, năm 2016 tới chúng tôi sẽ khánh thành các trại thực nghiệm thủy sản, heo và gia cầm tại Việt Nam. Đây là bằng chứng thiết thực nhất cho thấy rằng, De Heus luôn luôn phấn đấu để cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

 

Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi là thế mạnh của De Heus Việt Nam, song, sản phẩm thức ăn thủy sản còn khá mới. Đâu là sự khác biệt của những sản phẩm này?

Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt bằng việc đưa ra một loạt các sản phẩm đa dạng. Trong lĩnh vực thức ăn thủy sản cũng vậy, chúng tôi có những dòng sản phẩm riêng biệt dành cho cá da trơn, cá điêu hồng, cá rô phi, ếch, cá lóc, tôm và cá biển. Tương tự như thức ăn gia súc, bài toán về chi phí giá thành của người chăn nuôi vẫn là quan trọng nhất, vì vậy thức ăn của De Heus phải luôn vượt trội so với đối thủ như là đáp ứng tiêu chuẩn giá thành đi đôi với chất lượng, năng suất cao, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp và chất lượng fillet tốt. Ví dụ như ở trường hợp thức ăn cho cá da trơn.

nhà máy thức ăn thủy sản de heus tại vĩnh long

Khánh thành Nhà máy thức ăn thủy sản của De Heus Việt Nam tại Vĩnh Long


Đối với những sản phẩm thức ăn thủy sản, De Heus Việt Nam đã và đang có những nghiên cứu gì nhằm giúp bà con giảm chi phí, tăng lợi nhuận khi sử dụng?

Mới đây, De Heus đã đầu tư một Trung tâm Thực nghiệm Thủy sản với diện tích khoảng 6 ha dọc bờ sông huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện những thử nghiệm nhằm mục đích cải thiện chất lượng sản phẩm thức ăn của mình. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn tập trung cải thiện chất lượng con giống cho các loại cá có vảy, cá da trơn. Bên cạnh các cải tiến, chúng tôi còn muốn đầu tư nghiên cứu các phương pháp phòng bệnh, phương pháp xử lý nước thải… Mục đích cuối cùng mà chúng tôi hướng đến là giúp người chăn nuôi tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất; tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng, để đạt được hiệu quả như mong đợi thì cần có thời gian như mọi hoạt động thực nghiệm khác.

 

Mục tiêu, phương hướng mà De Heus Việt Nam hướng tới ở tương lai gần, nhất là trong lĩnh vực thủy sản là gì, thưa ông?

Với việc xây dựng Trung tâm Thực nghiệm Thủy sản, De Heus đã đánh dấu một bước đi quan trọng việc cải tiến, nâng cao chất lượng cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản. Bước kế tiếp là cải thiện con giống. Bên cạnh đó, trong năm 2016, De Heus còn có một bước tiến quan trọng khác vào thị trường thức ăn tôm. De Heus sẽ mở rộng nhằm tăng gấp đôi sản lượng Nhà máy thức ăn thủy sản tại Vĩnh Long và cũng sẽ đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất thức ăn chuyên biệt cho tôm. Việc đưa 7 nhà máy ở Việt Nam đi vào hoạt động trong năm 2016 sẽ góp phần nâng tổng công suất các nhà máy lên khoảng 1,5 triệu tấn/năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thị trường thức ăn thủy sản năm tới sẽ có nhiều thách thức nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ thành công khi cùng chung tay với các đối tác trong ngành (nhà phân phối, người nuôi và các công ty chế biến thủy sản).

Trân trọng cảm ơn ông!

>> De Heus Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Hoàng gia De Heus, một tập đoàn gia đình hoạt động trên quy mô toàn cầu, với hơn 100 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!