Giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, rất nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực thủy sản được thảo luận, trao đổi; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm đưa thủy sản phát triển bền vững.

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản, đạt kết quả quan trọng với sản lượng năm 2018 đạt 7,7 triệu tấn với kim ngạch trên 9 tỷ USD và tới 10 tháng năm 2019 là 7,1 tỷ USD. Việt Nam là một trong những quốc gia có sản phẩm thủy sản thuộc top đầu thế giới; góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, ngư dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản cũng còn những tồn tại, thách thức nhất định như: quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành chưa hợp lý, đầu tư cho hạ tầng thiếu đồng bộ và lạc hậu, giá trị gia tăng thủy sản thấp; từ đó, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, tiêu thụ thủy sản; việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, chính sách cho phát triển thủy sản còn bất cập, việc khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt… 

Việt Nam nhập khẩu tôm nguyên liệu gia tăng   Ảnh: Quang Hiếu

Việt Nam là một “ông lớn” xuất khẩu thủy sản trên thế giới – Ảnh: Quang Hiếu

Theo đó, để thủy sản phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế, khắc phục tồn tại; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể:

– Thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường từng vùng, từng địa phương và thế giới; hướng tới thích ứng biến đôi khí hậu, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm thủy sản. Thực hiện tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi ngành thủy sản từ nuôi trồng, khai thác sang công nghiệp hóa thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường, hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Phát triển nuôi trồng trên biển, coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc thủy sản trong giai đoạn tới, thực hiện theo Nghị quyết 36 về phát triển kinh tế biển.

– Trên cơ sở tái cấu trúc ngành, Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung lập quy hoạch mới, trong đó có quy hoạch sử dụng biển quốc gia: xác định khu vực biển có tiềm năng khai thác và nuôi biển để đầu tư; gắn với điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản trên biển để có kế hoạch khai thác phù hợp với bảo vệ nguồn lợi và theo nội dung tại chiến lược ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050. Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch – Đầu tư tiến hành lập quy hoạch vùng kinh tế, quy hoạch vùng, trong đó có tích hợp quy hoạch hạ tầng thủy sản như: giao thông, điện, hạ tầng nghề cá…

– Các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm và 5 năm (2021 – 2025); đầu tư vốn cho các quy hoạch này; huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng cấp thiết như cảng cá, khu neo đậu, hạ tầng thủy sản nuôi tập trung cho vùng duyên hải và ĐBSCL; phát triển NTTS tập trung, trong đó có nuôi biển bằng việc huy động nguồn vốn xã hội hóa.

– Thực hiện hợp tác quốc tế mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản, phân định vùng biên, lãnh hải; đàm phán với các quốc gia về khai thác thủy sản để hình thành đội tàu khai thác viễn dương. Đồng thời, giải quyết dứt điểm tàu cá vi phạm về khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; trước mắt tập trung khắc phục triệt để các khuyến nghị của EC để nhanh chóng tháo gỡ ”thẻ vàng”…

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!