T2, 06/07/2020 10:52

Gian truân ngư dân tự bơi ra biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều chiếc tàu cá neo đậu ở cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) không còn mang màu xanh truyền thống, mà khoác lên màu đỏ đậm hoặc vàng. Lão ngư Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu) cho biết: “Tàu cá hợp đồng chui với Malaysia phải sơn màu theo quy định của họ”.

Tự bơi ra nước ngoài

Những năm gần đây, ngư dân thị trấn Sông Đốc đưa tàu trọng tải lớn, có khả năng khai thác xa bờ “hợp đồng chui” với Malaysia. Ông Phạm Biên Giới ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc nói: “Malaysia chỉ cho tàu lớn khai thác xa bờ, cấm tàu nhỏ khai thác gần bờ, nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt nặng lắm!”

Chủ của 3 con tàu đánh cá ở thị trấn Sông Đốc, đề nghị không nêu tên, cho biết: “Tôi đưa 3 tàu đánh cá lưới vây, trông đèn với 40 ngư phủ sang Malaysia khai thác. Làm thủ tục bán tàu với giá 163.000 USD, trả trước 30.000 USD, có chứng thực của Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP. HCM nhưng thực chất làm giả để tàu có giấy phép khai thác ở Malaysia. Làm được giấy phép khai thác, tôi phải trả cho người môi giới 300 triệu đồng”. Mỗi chiếc tàu từ đó có 2 bộ hồ sơ, một của Việt Nam để ra cửa biển Sông Đốc, một của Malaysia để được khai thác vùng biển bên đó và ngư phủ có giấy tờ tùy thân theo quy định của 2 nước. Hàng tháng, chủ tàu phải đóng phí cho Malaysia 25 triệu đồng.

Những con tàu neo đậu ở Sông Đốc được sơn màu của Malaysia – Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Đi xa với thủ tục tốn kém nhưng ngư dân Sông Đốc vẫn ham vì có hai lý do. Thứ nhất, biển Malaysia được quản lý tốt nên hải sản nhiều. Malaysia quy định, tàu khai thác theo mùa vụ và phải cách đất liền 30 hải lý, cách các đảo 15 hải lý. Những tàu có phép hoạt động trên vùng biển Malaysia được gắn chíp định vị toàn cầu để cơ quan quản lý theo dõi. Nếu phát hiện vi phạm, có thể dùng trực thăng hoặc tàu cao tốc xử lý ngay trên biển (ngư dân bị phạt nặng và tịch thu sản phẩm).

Ông Năm Thiên ở thị trấn Sông Đốc cho biết: “Trung bình, mỗi chuyến biển, ngư dân khai thác trên ngư trường Malaysia đạt sản lượng gấp 2 – 3 lần so ngư trường Cà Mau, khoảng 20 – 30 tấn hải sản”. Theo quy định của Malaysia, một chuyến tàu ra biển phải có nghĩa vụ bán 1 – 2 tấn cá còn tươi, có giá trị cao, cho địa chỉ được chỉ định. Với trình độ đánh bắt của ngư dân Cà Mau, phần nghĩa vụ này rất nhẹ, số còn lại được bán cho thương lái hoạt động trên vùng biển chồng lấn.

Cái lợi thứ hai là ngư dân ra biển được hỗ trợ tiền dầu. Mỗi chuyến biển được chính quyền Malaysia bán cho 20.000 – 30.000 lít dầu, giá thấp hơn giá dầu ở Việt Nam 6.000 đồng/lít. Chỉ khoản này đã cầm chắc giảm chi phí vài trăm triệu đồng.   

 

Mất tàu, vô tù

Tuy nhiên, một số chủ tàu không có tiền để kiếm giấy phép đánh bắt ở nước ngoài thì làm liều đánh bắt lén trên vùng biển của họ, bị phát hiện, bị bắt tịch thu tàu, người bị tù. Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, tình trạng ấy xảy ra như cơm bữa. “Ngư trường cạn kiệt, chi phí tăng cao, khai thác không hiệu quả nên ngư dân làm liều, may nhờ, rủi chịu”, ông Hiền nói.

Còn ở ngôi nhà gỗ ở khóm 6, thị trấn Sông Đốc, bà Huỳnh Thị Thanh, 50 tuổi, đang chạy ăn từng ngày cho 8 người con. Bà là chủ 2 chiếc tàu câu mực, nhớ lại: “Đêm giao thừa năm 2013, con trai tôi gọi điện về báo, thất quá, chưa đến 10 triệu đồng, lỗ tiền dầu, đành làm liều”. Đêm đó, 2 chiếc tàu của bà Thanh vào vùng biển Thái Lan, bị bắt tịch thu tàu, xử tù 45 ngư phủ, trong đó có 3 người con trai của bà. Người con trai đầu lòng, từng làm thuyền trưởng là Nguyễn Hải Sơn kể: “Anh em ngư phủ bị cạo trọc đầu, ngồi tù, chờ gia đình gởi tiền sang mua vé máy bay về”. 

Bà Trần Mỹ Duyên và con trai, có chồng là thuyền trưởng đang bị tù ở nước ngoài

Khác với những ngư dân ở thị trấn Sông Đốc hối hả “ăn tết biển”, mẹ con bà Trần Mỹ Duyên, 35 tuổi, buồn bã vì chồng Nguyễn Văn Thanh làm thuyền trưởng bị Thái Lan bắt bỏ tù. Hàng ngày, bà Duyên vá lưới mướn, kiếm tiền chuộc chồng. Bà kể: “Tôi đã đưa cho người môi giới 36 triệu đồng, nhưng chưa chuộc được”.

 

Khó ngăn chặn

Trước tình trạng ngư dân lén đánh cá trên vùng biển các nước lân cận, gặp rủi ro quá lớn, chính quyền tỉnh Cà Mau cũng đã liên tục cảnh báo, ngăn chặn, xử phạt nhưng chưa có hiệu quả. Mới đây, ông Mai Văn Khởi là ngư dân Sông Đốc chuyển sang tìm người môi giới ở Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), bị Công an tỉnh Cà Mau bắt giữ. Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, nói: “Chính quyền đã cấm hợp đồng chui với nước ngoài”.

Tuy nhiên, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, thừa nhận: “Nguồn lợi hải sản trong nước bị suy giảm mạnh, giá nhiên liệu tăng liên tục, sản phẩm khai thác tăng không đáng kể, hoạt động khai thác kém hiệu quả. Từ đó, bà con đưa tàu ra nước ngoài hoặc một số thuyền trưởng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, rủi ro lớn nhưng rất khó ngăn chặn. Bộ NN&PTNT đã tìm đường hợp tác chính thức với các nước bạn nhưng chưa có kết quả”.

Ông Nguyễn Bửu Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Cà Mau, phân tích: Việc quản lý khai thác biển ở Việt Nam lỏng lẻo, không quy hoạch, để tự phát nên dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi. Cà Mau có ngư trường trọng điểm cả nước nhưng chỉ có một trạm kiểm ngư ven bờ, quản lý loại tàu 20 CV. Còn tuyến khơi, tuyến lộng là ngư trường chung, ai muốn đánh kiểu gì thì đánh.

Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai dự án lắp máy quan sát định vị toàn cầu có trạm quan sát tại Hà Nội, khá tốn kém. Nhưng ông Sang nói: “Ngư dân lại không chịu mở máy định vị vì bị theo dõi, hạn chế khai thác thông qua ngư dân hợp đồng chui ở vùng biển Malaysia. Quả thật, nước bạn quản lý nguồn lợi thủy sản rất chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm nên bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản”.

Nguyễn Tiến Hưng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!