T2, 06/07/2020 01:09

Hội Nghề cá Việt Nam: Góp sức vì ngành thủy sản phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản Việt Nam có những kết quả nhất định, nhưng cùng với đó là nhiều khó khăn từ chủ quan lẫn khách quan. Cùng với những nỗ lực của các cấp, ngành, Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng đã có nhiều hoạt động đóng góp vào hoạt động chung của ngành thủy sản.


Ngư dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản Ảnh: MH

Mở rộng để lan tỏa

Tổ chức hoạt động của Hội Nghề cá Việt Nam trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm liên tục được mở rộng, để củng cố hội viên và duy trì hoạt động được rộng khắp, liên tục và kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã kết nạp thêm 1 đơn vị hội viên tập thể và 2 hội viên cá nhân, đến nay, Hội có 78 hội viên tập thể. Sau Hội nghị Ban chấp hành năm 2017, Hội Nghề cá đã ban hành Quy chế hoạt động nhiệm kỳ IV (2017 – 2022); với 84 vị ủy viên Ban chấp hành, trong đó 24 ủy viên Ban thường vụ.

Quyền lợi hội viên là trên hết

Trước tình hình biển đảo có nhiều biến động, Hội đã lên tiếng kịp thời đối với các hành vi của nước ngoài, xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đồng thời, phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam, các Tỉnh hội tăng cường biện pháp hỗ trợ cho ngư dân khai thác trên biển.

Khi đánh giá về hoạt động của Hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Hội Nghề cá Việt Nam là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp luôn tiên phong và làm tốt vai trò tuyên truyền, lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Với đặc thù của mình, Hội cũng có lợi thế trong việc này, do đó, cần phát huy và tuyên truyền tích cực hơn nữa.

Cùng đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng hỗ trợ ngư dân bằng những hoạt động chỉ đạo gián tiếp như chỉ đạo Hội Thủy sản, Hội Nghề cá các tỉnh ven biển đánh giá kết quả thực hiện Nghị Định số 67, Nghị định 89, Nghị định 17. Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Tỉnh hội triển khai thực hiện chỉ thị kết hợp với việc triển khai các hoạt động thực tiễn để tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Đồng thời, kêu gọi hội viên, ngư dân và các doanh nghiệp cam kết “Nói không với đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định, không khai báo – IUU”.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động hỗ trợ ngư dân, trên các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nghề cá Việt Nam đã tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ hai năm 2018 (VietShrimp 2018) tại Bạc Liêu từ ngày 27 – 29/4/2018. Sau hội chợ, Hội đã có báo cáo đề xuất với Bộ NN&PTNT về một số vấn đề về phát triển ngành tôm. Đồng thời, tuyên truyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm; nhiều doanh nghiệp là hội viên của Hội đã tích cực tham gia, hỗ trợ người nuôi, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả.

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù, nhiều chương trình, hoạt động được triển khai có hiệu quả thiết thực, nhưng hoạt động của Hội Nghề cá còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Hội chưa vận động thành lập được tổ chức tỉnh Hội tại 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh. Nhiều tỉnh nội đồng có điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản nhưng chưa thành lập được Tỉnh hội. Sự phối hợp hoạt động của các đơn vị trong hệ thống Hội còn chưa chặt chẽ, thiếu thông tin hai chiều và chưa kịp thời. Mặt khác, sự phối hợp giữa tổ chức Hội với các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành thủy sản còn hạn chế. Công tác bảo vệ quyền lợi của hội viên và bà con ngư dân, nông dân và hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn khó khăn.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức ở các địa phương. Phát triển thêm nhiều hội viên tập thể là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ có tiềm lực tham gia, phối hợp, chia sẻ thông tin, áp dụng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mở rộng hợp tác quốc tế… Chủ động tham gia với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị của Bộ NN&PTNT về các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thủy sản…

>> Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Nhiều trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới Hoạt động của Hội Nghề cá Việt Nam trong những tháng cuối năm, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Như: Phối hợp cùng với ngành thủy sản thực hiện các hoạt động về chống khai thác bất hợp pháp, giúp ngành tôm phát triển bền vững hơn, cùng đó là bảo vệ ngư dân khai thác trên biển. Về phía Hội, cần thực hiện dứt điểm việc đổi tên thành Hội Thủy sản; hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hội được củng cố, nề nếp hơn, phán ánh được tâm tư, nguyện vọng, giải quyết vướng mắc của hội viên; thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực thủy sản tham gia vào Hội. Với một số Hội địa phương hoạt động chưa sôi nổi cần chủ động hơn nữa dựa trên định hướng chung của Hội kết hợp với tình hình thực tế địa phương để tổ chức các hoạt động sao cho hiệu quả.

Dương thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!