Hội Nghề cá Việt Nam: Không ngừng đổi mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ IV (2017 – 2022) với mục tiêu hướng đến là tiếp tục đổi mới hoạt động, tăng cường hợp tác và hội nhập, phát triển nghề cá bền vững và hiệu quả.

Hội luôn lên tiếng để bảo vệ kịp thời quyền lợi chính đáng  cho nông dân, ngư dân   Ảnh: Lê Hiếu

Hội luôn lên tiếng để bảo vệ kịp thời quyền lợi chính đángcho nông dân, ngư dân   Ảnh: Lê Hiếu

Bước nhảy vọt

Trong nhiệm kỳ (2012 – 2017), thực hiện phương châm phát triển toàn diện mọi mặt, lấy hội viên là trung tâm, Hội Nghề cá Việt Nam đã triển khai các hoạt động như củng cố, phát triển tổ chức, quan tâm và chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và nông dân, ngư dân, tham gia góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn phản biện… đều đạt kết quả tốt.

Kết quả hoạt động chung thời gian qua, tổ chức Hội đã được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các tỉnh, huyện và cơ sở đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và khẳng định được vai trò của Hội đối với hội viên, nông dân, ngư dân, doanh nghiệp nghề cá, nhất là vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho quần chúng nông dân, ngư dân trong những thời điểm nhạy cảm. Đặc biệt, liên quan đến sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Công ty THHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây nên, Hội Nghề cá Việt Nam đã kịp thời tổ chức phân tích đánh giá và kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Công an sớm tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế gây thiệt hại nặng về kinh tế, tâm lý lo lắng của ngư dân đi đánh bắt hải sản; các hộ nuôi cá, thu mua chế biến, tiêu thụ hải sản; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng do cá chết.

Mặt khác, Hội cùng với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ký kết chương trình phối hợp số 15/2016; cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ ngư dân trong vùng bị thiệt hại. Chủ động đề xuất, phối hợp Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam và các tỉnh hội tổ chức thăm hỏi, động viên ngư dân sản xuất trên biển bị thiên tai, hoạn nạn, bị phía nước ngoài và các lực lượng Trung Quốc đâm hỏng tàu thuyền, gây thiệt hại tài sản của ngư dân. Hội cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan làm rõ vụ việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam công bố nước mắm nhiễm Asen nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm và ổn định tâm lý của người tiêu dùng. Kiến nghị cơ quan chức năng miễn giảm thuế, đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

Xây dựng tổ chức vững mạnh

Hội Nghề cá Việt Nam xác định trong nhiệm kỳ mới, khó khăn, thách thức vẫn tiếp tục và còn phức tạp hơn, do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tình hình tranh chấp trên biển Đông, yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, rào cản thương mại và giá cả thị trường biến động… Những tồn tại, hạn chế nhiệm kỳ qua là những khó khăn, cản trở hoạt động trong nhiệm kỳ IV, đòi hỏi Hội Nghề cá Việt Nam phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.

Nhiệm vụ của Hội Nghề cá Việt Nam được xác định rõ trong chiến lược phát triển của ngành thủy sản đó là Hội và VASEP phối hợp với Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy sản gắn với tổ chức lại sản xuất có hiệu quả và bảo vệ môi trường… Để làm được điều đó, Hội Nghề cá Việt Nam cần chủ động tham gia góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của ngành thủy sản như: Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường; coi trọng hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh là chủ yếu đối với nước ngọt, nước lợ  và nước mặn, gắn nuôi trồng với chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam, trong nhiệm kỳ mới Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn liền với hợp tác, phối hợp với các đơn vị, vì sự nghiệp phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững; tổ chức mạnh từ gốc, từ các tổ chức cơ sở gắn liền với nghề nghiệp và sản xuất kinh doanh nghề cá; Hội phải biết tạo tiềm lực kinh tế để hoạt động ổn định và lâu dài, tiếp tục chăm lo củng cố và phát triển tổ chức vững mạnh; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, gắn liền với hợp tác, phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp. Tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Hội từ Trung ướng đến cơ sở.

>> Hội Nghề cá Việt Nam phấn đấu trong nhiệm kỳ IV (2017 – 2022), 28 tỉnh ven biển đều thành lập tỉnh hội nghề cá. Những tỉnh có nghề nuôi trồng phát triển, có vùng nuôi tập trung theo quy hoạch đều có hội thành viên của Hội Nghề cá. Đồng thời, tăng cường xây dựng hội cơ sở vững mạnh. Tổ chức các chi hội ngành nghề ở những nơi có nghề tương đồng.

Dương thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!