Hội Nghề cá Việt Nam: Kiến nghị khẩn cấp gìn giữ môi trường biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 13/7, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có công văn số 79/HNC-PTBV kiến nghị “tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép 1517/GP-BTNMT” về đổ thải xuống vùng biển tỉnh Bình Thuận. Công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT.

Khu vực biển tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận   Ảnh: CTV

Khu vực biển tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận Ảnh: CTV

Vùng biển cho đổ thải 

Theo Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam, vùng biển đổ thải có tầm quan trọng về đa dạng sinh học về nguồn lợi thủy sản biển Bình Thuận. Đây là vùng nước trồi (có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều lần vùng khác); đáy biển là cát và đá, nhưng là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhuyễn thể sinh sống. Xa hơn là khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn đá san hô là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh và chúng được lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung. Dòng hải lưu từ phía Bắc, cùng với thủy sản di cư đi qua vùng biển này.

Vùng biển Bình Thuận cùng với Bình Định đang là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận. Doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Biển ở Bình Thuận cũng là một trong những nơi có vùng nước chất lượng tốt, nơi có khoảng 1/3 số trại giống tôm nước lợ, sản xuất giống tôm cho cả nước.

Tóm lại, vị trí địa lý của vùng ven biển Bình Thuận bao gồm Hòn Cau rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các tỉnh Nam Trung bộ nói riêng, cả nước nói chung, rất cần được coi trọng đúng mức, giữ gìn và bảo tồn.

Nguy hại của việc đổ thải

Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam nhận thấy nhiều nội dung trong giấy phép 1517/GP-BTNMT (cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, đổ gần 1 triệu m3 khối bùn, cát nạo vét luồng lạch ra vùng biển gần khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Cau thuộc tỉnh Bình Thuận) chưa được làm sáng tỏ. 

Trước tiên, bùn thải cửa sông ngoài thành phần chính là bùn hữu cơ, cát, còn là trầm tích lắng đọng của các hóa chất độc do chất thải nhà máy, bệnh viện, canh tác nông nghiệp bao gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các loại chất độc khác. Trong đó có nhiều loại chất độc hàng chục năm không phân hủy (Như: Dioxin, 2,4D…). Trước khi cấp giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu chủ đầu tư đánh giá nội dung này chưa? Trong giấy phép Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư nhận bùn nạo vét cửa sông xuống biển và cho rằng lượng bùn nhận xuống biển hàng triệu mét khối sẽ không ảnh hưởng tới vùng bảo tồn Hòn Cau. “Chúng tôi cho rằng thành phần bùn gồm phần bùn lỏng và phần cát, sỏi, khi đổ xuống biển cát sỏi có thể lắng xuống đáy trong một số ngày, phần bùn lỏng sẽ nhiều tháng thậm chí hàng năm không thể lắng đọng xuống đáy. Trong điều kiện sóng, gió bão, thủy triều và hải lưu thì chỉ trong vài ngày lượng bùn này sẽ được sóng gió đưa đi bồi lấp làm chết sinh vật đáy, mất nơi trú ngụ của thủy sản bố mẹ, nhanh chóng làm thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau. Việc trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là một cách nói kiểu lách luật”, Công văn nhấn mạnh.

Bên cạnh, tại tỉnh Bình Thuận dự kiến có tới 5 nhà máy nhiệt điện, ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn thải ra biển, các nhà máy nhiệt điện tiếp theo sẽ đổ bùn đi đâu, hay được tiếp tục mang ra vùng biển này để đổ? 

Trái luật và kiến nghị 

Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam cũng phân tích: Luật Biển thế giới vẫn cho phép đổ chất thải ra biển, nhưng phải có cơ sở đánh giá toàn diện về tác động đối với hệ sinh thái và phải công bố cho thế giới được biết và thông thường chúng được mang ra vùng biển chung cách xa bờ. Nhưng nơi được cấp giấy phép (tại Giấy phép 1517/GP-BTNMT) đổ bùn thải là vùng ven biển của Bình Thuận, đây là bãi cá, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, là nguồn sống của hàng vạn ngư dân, của các trại giống tôm và ngư dân khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tầng đáy.

Hơn nữa, theo Điều 8 của Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo thì việc xả chất thải ra biển phải không được làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Theo Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường thì việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lấy ý kiến công khai các nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là nhân dân – những người trực tiếp bị ảnh hưởng. “Nhưng theo chúng tôi được biết thì nhiều đối tượng có liên quan chỉ được biết khi giấy phép 1517/GP-BTNMT được công bố”, Công văn viết.

Từ những phân tích trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị: “Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép 1517/GP-BTNMT. Thành lập một tổ chức độc lập kiểm tra xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét lòng sông ra biển Bình Thuận, xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép 1517/GP-BTNMT (đặc biệt là tính khách quan, trung thực, tính đại diện) của Bộ Tài  nguyên và Môi trường”.

>> Vùng biển cho phép đổ thải theo giấy phép 1517/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), cách bờ hơn 10 km. Tổng diện tích được phép đổ thải là 30 ha mặt nước biển, nơi có độ sâu không quá 30 m, cách trung tâm Khu bảo tồn Hòn Cau khoảng 8,2 km. Thời gian đổ thải từ tháng 6 đến hết tháng 10/2017. Tuy nhiên, việc đổ thải hiện chưa thực hiện.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!