Hồng Kông: Phát triển bền vững nghề nuôi hàu có lịch sử 800 năm

Chưa có đánh giá về bài viết

Trái ngược với hình ảnh một khu tài chính thương mại sầm uất, vẫn có một Hồng Kông đang duy trì nghề nuôi hàu truyền thống hơn 800 năm và nỗ lực hồi sinh vùng vịnh Deep Bay.

Lọc sạch vịnh Deep Bay

Deep Bay là một vịnh hẹp và nông, nằm trên đường biên giới giữa Hồng Kong và Thâm Quyến – hai thành phố lớn với hàng triệu cư dân và là nơi hội tụ nhiều ông lớn trong ngành tài chính và công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (TNC) vẫn lựa chọn Hồng Kông và Thâm Quyến để hỗ trợ phục hồi nghề nuôi thủy sản.

Hồng Kông và Thâm Quyến đều là những phần quan trọng của vùng đồng bằng Châu Giang – nơi có nhiều nhánh sông đa dạng sinh học đã phục vụ cuộc sống của cộng đồng cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị quá nhanh đã khiến chất lượng nước vịnh Deep Bay ô nhiễm nặng đến mức chính quyền Thâm Quyến phải quyết định xóa sổ nghề nuôi hàu trên vịnh Thâm Quyến ở phía tây Deep Bay cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc lại đang dốc sức cho một quy trình tái cơ cấu và đặt ra mục tiêu trọng tâm mới cho sự phát triền bền vững thông qua phục hồi và tăng cường bảo vệ hệ sinh thái. Hồng Kông đã đóng cửa hàng loạt trại chăn nuôi heo và nhà máy để giảm ô nhiễm vịnh Deep Bay. Thâm Quyến và Hồng Kông đều thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn thiên nhiên ở vịnh Deep Bay và khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Thâm Quyến, Khu bảo tồn thiên nhiên Mai Po nhằm bảo vệ môi trường sống tự nhiên của động vật tại các nhánh sông. Cả hai thành phố cùng phối hợp giám sát chất lượng nước vịnh Deep Bay và các nhánh sông cấp nước cho vịnh Deep Bay.

 

Nuôi hàu bền vững

Đại diện của TNC tại Hồng Kông cho biết, hồi sinh nghề nuôi hàu sẽ mang lại lợi ích cho môi trường, kinh tế và xã hội. Trong khi Thâm Quyến đã cấm nuôi hàu vào đầu thập niên 2000 thì cộng đồng nuôi hàu Hồng Kông Lau Fau Shan ở phía đông vịnh Deep Bay vẫn tồn tại từ hàng trăm năm qua mặc dù quy mô sản xuất và sản lượng đều giảm mạnh. Hàu được nuôi dưỡng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và cuối cùng là bán cho các khu chợ.

Kế hoạch TNC đặt ra là giúp người dân phát triển nghề nuôi hàu trên vịnh Deep Bay theo hướng bền vững. TNC đã hợp tác với Mỹ, Belize, Indonesia, Palau và New Zealand phát triển các chương trình NTTS và phục hồi vùng vịnh nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế và môi trường từ nghề nuôi hàu như lọc sạch nước vịnh và cải thiện sự đa dạng hệ sinh thái.

Ngoài ra, tổ chức này còn hợp tác với Đại học Hồng Kông nghiên cứu các rạn hàu và nghề nuôi hàu tại vịnh Deep Bay, quan sát sự đa dạng sinh học, môi trường sống và chất lượng nước. TNC đánh giá tỷ lệ lọc nước của hàu ở vịnh Deep Bay và phát hiện rằng những con hàu trưởng thành (Crassostrea hongkongensis) có thể lọc hơn 30 lít nước chỉ trong 1 giờ, hoặc nói cách khác chỉ 1 con hàu có thể làm sạch một lượng nước tương đương một bồn tắm.

TNC cũng đánh giá các rạn hàu và trại nuôi về vai trò cùng giá trị của chúng trong môi trường sống và đa dạng sinh thái. Sau một năm rưỡi giám sát và phục hồi thử nghiệm rạn hàu và trại nuôi cân bằng, TNC kết luận cấu trúc của rạn hàu là yếu tố then chốt để gia tăng số lượng các loài sinh vật và sự đa dạng ven bờ vịnh Deep Bay, đặc biệt là các loài giáp xác. Sự phát hiện này tương tự câu chuyện thành công của vịnh Chesapeak, nơi đã từng phục hồi trữ lượng và nghề nuôi hàu thành công nhằm góp phần hồi sinh nguồn lợi cua xanh địa phương.

Vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần vượt qua. Số lượng bè hàu nổi đang tăng, ước tính 10.000 bè trên vịnh trong khi sản lượng hàu lại giảm trong những năm gần đây. Trước thực tại đó, TNC Hồng Kông và các đối tác đã lên kế hoạch xây dựng chương trình đánh giá năng lực NTTS của vịnh Deep Bay để tìm ra phương pháp nuôi hàu tối ưu. Tổ chức này sẽ làm việc với nông dân để phát triển hướng dẫn thực hành quản lý cho từng vùng nuôi, hiện đại hóa công cụ nuôi và cách thức hoạt động cũng như kiểm soát môi trường. Ngoài ra, TNC đề xuấtcác chính sách quản lý giấy phép và chương trình đền bù nhằm bảo vệ quyền của nông dân và tiếp cận trợ cấp của chính phủ khi xảy ra tình huống bất khả kháng như lốc xoáy hoặc dịch bệnh Covid-19.

>> Người dân địa phương coi hàu là một món đặc sản không thể thiếu, đặc biệt trong các dịp Tết Nguyên đán. Hàu được sấy khô và chế biến theo một công thức đặc biệt thành món “hàu hoàng kim”, hoặc Ho Si, Gum Ho để làm quà tặng quý giá trong các sự kiện đặc biệt. Nghề nuôi hàu hiện đã chính thức được đưa vào danh sách di sản phi vật thể tại Hồng Kông và Thâm Quyến.

Đan Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!