Khắc phục khó khăn cho cá tra xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) với cá tra, basa Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), thuế có giảm nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn gặp khó.

Phía Việt Nam vẫn bất lợi

DOC đã công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 11 đối với fillet cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế áp dụng cho kỳ xem xét thứ 11 (POR11, từ 1/8/2013 đến 31/7/2014) thấp hơn POR10 nhưng vẫn ở mức cao.

Hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Hùng Vương và Công ty TNHH SX TM DV Thuận An có thể phải chịu mức thuế lần lượt 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg so với 0,97 USD/kg như trong đợt POR10. 16 bị đơn tự nguyện khác sẽ chịu mức thuế suất 0,6 USD/kg.

Đại diện phía doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, bà Trương Tuyết Hoa, Phó trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, 40% sản phẩm cá tra của Công ty xuất sang Mỹ với kim ngạch 50 triệu USD/năm. Với lần giảm thuế chống bán phá giá này, doanh nghiệp đã đi được 2/3 lộ trình thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá. Một số công ty (như Agifish, South Vina) còn bị áp thuế nhưng thấp hơn nhiều so với mức chịu thuế 4,22 USD/kg sản phẩm cá tra như trước đây.

Nguồn: VASEP

Theo quan điểm của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), mặc dù mức thuế trong POR11 thấp hơn POR10 nhưng vẫn tương đối cao. Các nhà xuất khẩu tại Việt Nam có thể gặp khó khăn khi bán cá tra sang Mỹ. Đây cũng mới chỉ là kết quả sơ bộ của DOC; SSI Research dự tính kết quả cuối cùng của POR11 được công bố đầu năm 2016. Do đó, các công ty tại Việt Nam áp dụng mức thuế này vẫn còn thời gian đánh giá và phản hồi để điều chỉnh kết quả.

 

Hạn chế thiệt hại

Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, các doanh nghiệp cần lưu ý: Không tăng đột biến sản lượng cá tra vào Mỹ, tránh gây sốc cho thị trường này; Đồng thời, nghiên cứu nhu cầu thị trường, tăng cường chế biến các sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao để tránh việc chỉ tập trung xuất khẩu một loại sản phẩm là fillet đông lạnh với mức thuế chống bán phá giá cao; hạn chế thiệt hại bằng một số giải pháp: tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thêm thị trường khác ngoài Mỹ (như Nga, Trung Quốc, Trung Đông, Nam Mỹ…).

Tuy nhiên, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các thị trường nhỏ lẻ là việc cần thiết. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường nhỏ đã tăng. Có 53 thị trường nhỏ, mỗi thị trường nhập dưới 1 triệu USD. Trong đó, 22 thị trường nhỏ nhất chỉ nhập tổng cộng hơn 1 triệu USD. Số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng giảm từ 18 (năm 2014) còn 11 hiện nay.

Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Đoàn Ngọc Phả cho đây là dấu hiệu rất đáng lo, vì cá tra giảm ở các thị trường đòi hỏi chất lượng cao, mà phát triển thị trường “hàng chợ” chất lượng thấp. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho rằng nâng cao chất lượng cá tra để hướng đến thị trường chất lượng cao là cần thiết, việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng theo Nghị định 36 đã “không có tín hiệu tốt với thị trường”. Để giảm bớt nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, cũng như chuẩn bị lâu dài hơn, chúng ta không có cách gì khác hơn thực hiện nghiêm túc Nghị định 36.

>> Theo VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.022,536 triệu USD, giảm 9,1% so cùng kỳ 2014; trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất (chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu). 8 tháng, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt giá trị 207,987 triệu USD, giảm 1,7% so cùng kỳ 2014.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!