Lựa chọn ngư trường phù hợp

Chưa có đánh giá về bài viết

Lựa chọn ngư trường phù hợp từng loại hình khai thác là yếu tố quyết định để có thể nâng cao năng suất, hạn chế tai nạn thường gặp và mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Khai thác nghề lưới kéo

Nghề lưới kéo cá tầng đáy: Các vùng biển có địa hình đáy bằng phẳng đều là ngư trường hoạt động của nghề lưới kéo cá tầng đáy. Tuy nhiên một vùng biển gọi là ngư trường tốt cho nghề kéo lưới kéo chỉ cần hội đủ một số các yếu tố như: có nhiều cá và hải sản tầng gần đáy sinh sống hoặc di cư qua. Những vùng biển có dòng chảy tương đối ổn định, ít xáo trộn. Đáy biển có ít chướng ngại vật hoặc mảnh vỡ gây khó khăn cho việc thu lưới và làm giảm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các vùng bằng phẳng xen giữa rạn san hô, gò nổi… cũng là ngư trường khai thác tốt cho nghề kéo cá tầng đáy. Một số bãi cá đáy tập trung là ngư trường tốt cho nghề lưới cá tầng đáy ở biển Việt Nam. Một số ngư trường tốt cho nghề lưới kéo như: Nam Bạch Long Vỹ, Đông Bắc Hòn Mê, Đông – Đông Nam Côn Sơn,…

Ngư trường khai thác của nghề lưới kéo tôm: Tôm thường phân bố ở các vùng nước ven bờ, chất đáy bùn hoặc bùn pha cát, đặc biệt ở các vùng cửa sông, bãi bồi… Tôm cũng thường phân bố dọc theo các đường đẳng sâu. Một số bãi tôm quan trọng ở Việt Nam như quanh đảo Cô Tô, Ba Lạt – Thanh Hóa, Hòn Mê – Hòn Mắt, Đông Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,… là các ngư trường tốt của nghề lưới kéo tôm.

Lựa chọn ngư trường phù hợp loại hình khai thác mang lại hiệu quả cao – Ảnh: Huy Hùng

 

Khai thác nghề lưới vây

Ngư trường để khai thác nghề lưới vây có đặc điểm nhiều cá nổi xuất hiện và tập trung thành từng đàn ở những vùng nước trong. Những ngư trường nước nông yêu cầu không có nhiều chướng ngại vật và ưu tiên lựa chọn vùng ít sóng gió và dòng chảy không phức tạp.

Sự phát triển của nghề lưới vây phụ thuộc nhiều vào trữ lượng cá nổi của vùng biển, sự tập trung thành từng đàn vào các mùa vụ khác nhau… Cụ thể ở vùng biển Vịnh Bắc bộ, gió mùa đông bắc kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Cá nổi thường tập trung ở vùng nước sâu giữa vịnh. Gió mùa tây nam từ tháng 4 đến tháng 9, cá di cư vào vùng ven bờ để đẻ trứng, vì vậy cá nổi tập trung nhiều nhất. Vùng biển miền Trung cá nổi tập trung ở gần bờ để đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 9, trong đó có cả cá nổi đại dương như cá thu, cá ngừ,… Ở vùng biển Đông – Tây Nam bộ, thời kỳ gió mùa đông bắc, cá nổi tập trung đẻ trứng ở vùng gần bờ nhiều hơn thời kỳ gió mùa tây nam và có những đàn cá nổi lớn di chuyển trên tầng mặt.

 

Khai thác nghề lưới rê

Vịnh Bắc bộ là khu vực biển nông, độ sâu trung bình khoảng 40 m, có nhiều sông ngòi nên rất phong phú động thực vật, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Mùa vụ khai thác vào các tháng mùa đông đạt hiệu quả rất thấp còn vào các tháng hè thu hiệu suất đánh bắt cao nhất. Ở vùng biển miền Trung, có dòng chảy khá phức tạp, phía Nam xuất hiện nước trồi có ý nghĩa rất lớn đối với nghề khai thác hải sản bằng lưới rê. Vùng này có nguồn lợi cá nổi lớn như các loài cá ngừ, cá thu, cá kiếm… ngoài ra còn có các loài cá nổi nhỏ như cá nục, cá trích, cá bạc má…; nguồn lợi cá đáy khai thác được chủ yếu là cá phèn, cá mối, cá lượng, cá mú, cá hồng… Mùa vụ khai thác bằng lưới rê ở vùng biển này từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Vùng biển Nam bộ có dòng chảy yếu hơn vùng biển miền Trung. Trữ lượng và khả năng khai thác cá nổi và cá đáy bằng lưới rê ở vùng này rất cao. Mùa vụ khai thác đạt sản lượng cao nhất vào tháng 2 đến tháng 6 âm lịch hàng năm.

>> Hiện nay, Vụ Khai thác Thủy sản đã thực hiện chức năng dự báo ngư trường khai thác chủ yếu như lưới kéo, lưới rê, lưới vây… Đã thiết lập được các bản tin dự báo theo mùa vụ, quý, tháng để cung cấp thông tin cho ngư dân trên biển.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!