T6, 17/11/2023 05:15

Thành lập khu bảo tồn cá nhà táng rộng gần 800 km2 tại Dominica

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dominica vừa ra thông báo về việc thành lập khu bảo tồn cá nhà táng tại vùng biển thuộc bang Caribbean. Đây là khu bảo tồn cá nhà táng đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu bảo vệ các loài dễ bị tổn thương và thúc đẩy du lịch sinh thái trong khu vực.

Dominica là một quốc đảo nằm ở vùng Caribe, nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cá voi đã bị săn bắt ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả khu vực Caribe. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các quy định quốc tế ngày càng chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ loài sinh vật khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng này. Dominica đã thể hiện cam kết bảo vệ môi trường và động vật hoang dã thông qua việc thiết lập các khu dự trữ tự nhiên và công viên quốc gia. Năm 2014, Dominica đã công bố lệnh cấm săn bắt cá voi và mua bán sản phẩm cá voi trong lãnh thổ của quốc gia này.

Khu vực bảo tồn cá nhà táng tại vùng bờ biển Dominica dự kiến sẽ là nơi sinh sống của khoảng hơn 200 cá nhà táng. Ảnh: Manu San Félix/National Geographic-Pristine Seas

Mới đây, theo công bố của chính phủ Dominica, quốc gia vùng Trung Mỹ này đang lên kế hoạch thành lập khu bảo tồn cá nhà táng có diện tích 788 km². Dominica là một trong số ít quốc gia sở hữu điều kiện môi trường vùng biển phù hợp, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào và các điều kiện sống lý tưởng cho cá nhà táng sinh trưởng và trú ẩn quanh năm. Chính phủ bang Caribbean cam kết bảo vệ cá nhà táng khỏi các hoạt động săn bắt có ảnh hưởng từ con người, đây là một bước quan trọng trong việc bảo tồn loài động vật này trước nguy cơ tuyệt chủng. 

Hình ảnh một nhóm cá nhà táng bơi lội tại vùng biển ngoài khơi Dominica. Hình ảnh của Brian Skerry/National Geographic

Thủ tướng Dominica Roosevelt Skerrit cho biết: “Theo thống kê hiện có khoảng 200 cá nhà táng sống xung quanh vùng biển Dominica. Chúng tôi mong muốn đảm bảo an toàn cho loài động vật to lớn và cực kỳ thông minh này, đồng thời bảo vệ các đại dương trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”. 

Theo ông Shane Gero, nhà sáng lập Dự án Cá nhà táng Dominica, quần thể cá nhà táng trên thế giới đang suy giảm nghiêm trọng. Kể từ năm 2010, số lượng cá nhà táng ở tại khu vực biển Dominica trung bình giảm khoảng 3% mỗi năm. 

“Cộng đồng cá nhà táng đang sinh sống tại vùng biển ngoài khơi Dominica thường bị vướng vào ngư cụ và ăn phải rác thải nhựa trôi ra biển. Dưới lòng biển sâu thẳm, loài sinh vật khổng lồ này bị “nhấn chìm” trong ô nhiễm tiếng ồn đến từ các hoạt động của con người, chúng bị mất phương hướng và đâm vào tàu thuyền. Tất cả những điều này vẫn đang diễn ra hằng ngày và chính con người đang góp phần vẽ nên một bức tranh đau buồn cho tương lai của cá nhà táng.” Ông Gero bày tỏ.

Ông Enric Sala, Nhà sáng lập National Geographic Pristine Seas, khẳng định: “Bảo vệ cá nhà táng chính là giải pháp chống lại biến đổi khí hậu hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Bởi cá nhà táng đóng vai trò lớn trong việc hấp thụ carbon và duy trì cân bằng sinh thái biển và hệ sinh thái toàn cầu”.

Ngoài ra, Dominica cũng đưa ra một số quy định về kích cỡ các tàu hoạt động tại khu vực này. Cụ thể, tàu thuyền có chiều dài từ 18 m trở lên sẽ không được phép đi qua khu vực bảo tồn. Các nhà chức trách cũng đang cân nhắc mở một hành lang cho phép tàu thuyền cập cảng tại thủ đô Roseau để hỗ trợ cho các hoạt động thương mại trên biển.

Một số hình ảnh tại khu vực bờ biển nằm trong khu bảo tồn cá nhà táng tại Dominica:

Bức tranh tuyên truyền về hoạt động bảo vệ cá nhà táng do nghệ sĩ Marcus Cuffi thực hiện tại Roseau, Dominica. Ảnh: The Canadian Press

Một thợ lặn quan sát hoạt động của cá nhà táng tại vùng biển Dominica. Ảnh: Manu San Félix/National Geographic-Pristine Seas

Cá nhà táng bơi bên dưới lớp tảo mơ (Sargassum) ở vùng biển ngoài khơi Dominica. Ảnh: Brian Skerry/National Geographic-Pristine Seas

Cá nhà táng bơi lội và ngoi lên mặt biển để hít thở. Ảnh: Wanderlustchloe

Oanh Thảo 

(Theo Seafoodsource)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!