Năm 2017, thủy sản tiếp tục tăng trưởng

Chưa có đánh giá về bài viết

Với những dấu hiệu tích cực về thị trường trong năm nay, 2017 được dự báo sẽ là một năm thuận lợi cho thủy sản Việt Nam. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… thì châu Á cũng là thị trường được các doanh nghiệp đặt kỳ vọng với chiến lược xuất khẩu bài bản.

Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu khả quan Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu khả quan Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tăng trưởng mạnh

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 11 tháng của năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước 6,4 tỷ USD, tăng gần 7% so cùng kỳ năm 2015. Điều đáng nói, trong 4 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có ba cái tên đến từ châu Á. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2016, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc lần lượt là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chỉ 4 thị trường này đã chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương gần 3,5 tỷ USD. Đáng nói là Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh nhất khi có mức tăng trưởng gần 48% so cùng kỳ và so với các thị trường khác. 

VASEP dự báo, năm 2017, Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng thủy sản Việt Nam và có thể vượt Mỹ (thị trường có giá trị nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam lâu nay) để trở thành thị trường có giá trị nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, về tổng thể, trong năm 2017, Mỹ vẫn là thị trường đứng số 1 của thủy sản Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc là gần 540 triệu USD. Hai sản phẩm xuất khẩu với số lượng lớn là cá tra và tôm đông lạnh, nguyên con. Còn thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu là 1,2 tỷ USD, tức là gấp hơn 2 lần giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, còn tổng các mặt hàng thủy sản khác như tôm, hải sản khó vượt qua Mỹ, chí ít trong vài năm tới. 

Đối với Nhật Bản, thị trường này nhiều khả năng sẽ không giữ được vị trí thứ 2 và có thể bị thay thế bởi Trung Quốc hay Hàn Quốc trong thời gian vài năm tới. Số liệu cho thấy, trong 10 tháng qua, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản là 875 triệu USD, còn Hàn Quốc là 484 triệu USD. Như vậy, trong năm 2017, vị trí 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam sẽ không có gì thay đổi nhưng chắc chắn một điều, khoảng cách về giá trị nhập khẩu giữa các thị trường sẽ rút ngắn lại chứ không quá lớn như hiện nay.

Theo đánh giá của VASEP, ngoài thị trường Trung Quốc, thì Hàn Quốc, ASEAN cũng hứa hẹn những chuyển biến đáng kể, và Australia sẽ là một trong những thị trường về xuất khẩu tôm của Việt Nam. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ vào những thị trường mới nổi ở châu Á.

Kỳ vọng năm 2017

Năm 2016 đã ghi nhận không ít khó khăn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi mà vấn đề tồn dư tạp chất trong sản phẩm xuất khẩu, việc gia tăng hàng rào thương mại tại các thị trường nhập khẩu cùng với đó là bài toán nguyên liệu vẫn là nỗi lo thường trực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều trở ngại này, vẫn có  những đơn vị vượt “bão táp” và đặt niềm tin vào sự tăng trưởng trong năm 2017 tới này. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn khi sở hữu cho mình hai nhà máy sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra với dây chuyền tẩm bột, nướng cá. Với công suất 2.000 tấn sản phẩm/năm, trong năm 2017 tới, dự báo nhóm sản phẩm này sẽ đem lại doanh thu khoảng 15 triệu USD cho Vĩnh Hoàn. Hay Công ty CP Chế biến Thực phẩm Sao Ta cũng là một đơn vị có nhiều thành công trong năm 2016. Cụ thể, sau thương vụ thâu tóm Công ty TNHH Tin An với giá trị đạt 40 tỷ đồng, Sao Ta đã bỏ ra thêm 60 tỷ đồng để nâng cấp nhà máy phục vụ cho các hoạt động gia công chế biến nên dự kiến doanh thu của công ty sẽ tăng thêm và lợi nhuận sẽ được duy trì ổn định trong các năm tới.

Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực tôm tại Việt Nam đó là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Năm qua, Minh Phú ghi nhận được một dấu ấn quan trọng khi đã thắng trong vụ kiện chống bán phá giá tôm của Mỹ. Cùng đó, Tập đoàn cũng có những bước chuyển mình lớn khi thực hiện rất thành công chuỗi liên kết trong nuôi tôm, với việc cam kết tạo sản phẩm sạch, đáp ứng đòi hỏi tại nhiều thị trường khó tính. 

>> Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết, năm nay cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng khả quan nhất trong ngành thủy sản cả về giá trị lẫn sản lượng. Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng ở hầu hết các thị trường cho đến quý I/2017 với mức tăng khoảng 20%. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Á (nổi bật là Trung Quốc) sẽ tăng trưởng cao gấp rưỡi thị trường Mỹ.

Tiểu Kiều - Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!