T2, 06/07/2020 11:59

Nâng cao sức khỏe cá tra trong điều kiện thời tiết bất thường

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết bất thường ảnh hưởng lớn việc nuôi cá tra, làm tăng dịch bệnh, giảm tỷ lệ sống. Để hạn chế tối đa thiệt hại, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.

Ảnh hưởng của thời tiết

Các hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lớn, hạn hán, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp… đều bất lợi cho nuôi cá tra. Nắng hạn kéo dài, nhiều lần trong năm, nắng nóng gay gắt vài ngày trong mùa mưa là những ảnh hưởng trực tiếp đến ao nuôi. Đây là những điều kiện thuận lợi để bệnh có điều kiện bộc phát, lây lan trên diện rộng. Mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến kết quả vụ nuôi. Mưa nhiều làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường, vượt quá mức chịu đựng của cá khiến cá bị sốc và dễ cảm nhiễm bệnh.

Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển các loài thủy sản nuôi trồng  nói chung, cá tra nói riêng. Khi nhiệt độ tăng lên, hàm lượng ôxy trong nước giảm mạnh vào ban đêm, môi trường nước xấu đi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá tra. Nhìn chung những hiện tượng thời tiết bất thường không diễn ra đơn lẻ, chúng có liên quan với nhau. Các hiện tượng này xảy ra cường độ ngày càng cao, diễn biến phức tạp hơn và khó đoán, làm thay đổi mùa vụ canh tác, suy giảm tốc độ tăng trưởng, nhiều bệnh tật thường xuyên xảy ra.

Nâng cao sức khỏe cá tra trong điều kiện thời tiết bất thường

Thường xuyên khử trùng điểm cho ăn – Ảnh: Huy Hùng

 

Khắc phục

Dịch bệnh trong ao nuôi cá tra thường bùng phát khi hội tụ ba yếu tố: Môi trường ao nuôi xấu; sức khỏe cá yếu; có sự xuất hiện của mầm bệnh. Để bảo vệ sức khỏe cá tra, chống lại dịch bệnh khi thời tiết bất thường, cần quản lý tốt môi trường ao nuôi, tăng sức đề kháng cho cá và loại trừ các yếu tố mang mầm bệnh.

Diệt trừ mầm bệnh: Để phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao, định kỳ dùng vôi bột hòa nước và tạt đều khắp ao với liều lượng 1,5 – 2 kg/100 m3 nước ao. Có thể dùng các loại chế phẩm vi sinh hoặc Formol để xử lý và khử trùng nước ao nuôi. Đặc biệt, những chỗ cho cá ăn thường chứa thức ăn thừa, thối rữa gây nhiễm bẩn tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển. Do đó, nên vớt bỏ thức ăn thừa, rửa sạch sàng ăn, thường xuyên khử trùng địa điểm cho ăn. Loại thuốc, liều dùng tùy thuộc chất nước, nhiệt độ và mực nước trong ao. Tốt nhất dùng vôi nung hoặc Clorua vôi treo 2 – 3 túi xung quanh chỗ ăn để tẩy trùng, liều lượng: 2 – 4 kg/túi vôi nung, 100 – 200 g/túi Clorua vôi. Ngoài ra, thường xuyên tẩy trùng dụng cụ thường dùng bằng dung dịch Ca(OCl)2, liều lượng 200 ppm, ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng. Nên dùng dụng cụ riêng từng ao, nếu thiếu sau khi sử dụng phải có biện pháp khử trùng trước khi dùng cho ao khác.

Quản lý môi trường: Cá tra chịu rất tốt trong điều kiện khắc nghiệt môi trường nuôi, nhưng do hiện nay thường nuôi thâm canh mật độ cao, thức ăn cho cá nhiều, chất thải ra cũng lớn nên môi trường ao nuôi bị nhiễm bẩn nhanh. Quản lý chất lượng nước trong ao ương và nuôi thật tốt, tránh để xảy ra hiện tượng các yếu tố thủy lý hóa biến động lớn và ao nhiễm bẩn trong quá trình sản xuất. Thường xuyên thay nước, mỗi lần 20 – 30% lượng nước trong ao. Quản lý chặt các yếu tố môi trường nước để có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Nâng cao độ sâu mực nước ao nuôi để giảm biến động nhiệt độ nước, ổn định pH ở mức 6,5 – 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan > 2 mg/lít.

Tăng sức đề kháng của cá: Không ương, nuôi cá với mật độ quá cao khiến cá dễ bị stress. Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học và thuốc có nguồn gốc thảo dược để cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức đề kháng vật nuôi, gia tăng sự chuyển hóa hấp thu thức ăn của vật nuôi sẽ góp phần giảm thiểu dịch bệnh, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đây cũng chính là xu hướng sử dụng sản phẩm thủy sản của các thị trường nhập khẩu cá tra hiện nay mà người nuôi cần đặc biệt quan tâm. Định kỳ bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp, khoáng chất, các loại sản phẩm có tác động đến sự phục hồi hoạt động của thận, tỳ tạng, gan, gia tăng mật độ huyết sắc tố trong máu để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đảm bảo chức năng vận chuyển và trao đổi ôxy, nhất là vào thời điểm giao mùa.

Sử dụng hóa chất và kháng sinh phải tuân theo quy định, sử dụng kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn phải đúng theo hướng dẫn của chuyên môn kỹ thuật. Tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho cá.

>> An Giang là một trong những tỉnh nuôi cá tra có thiệt hại lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thời tiết biến đổi thất thường, môi trường ô nhiễm, nên cá dễ bị trắng mang, gan, thận mủ, phù đầu, đốm đỏ…

Nhật Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!