T2, 06/07/2020 01:09

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 24/5/2018, Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 1805/TCTS-NTTS về việc cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm.

Sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao để ổn định môi trường ao nuôi  Ảnh: PTC

Sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao để ổn định môi trường ao nuôi Ảnh: PTC

Tổng cục Thủy sản cho biết, theo kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc, Nam Trung bộ, ĐBSCL, trong tháng 4 và tháng 5 đã phát hiện sự có mặt của tác nhân gây bệnh AHPND; kết quả giám sát định kỳ một số yếu tố môi trường nước ao nuôi tôm cũng phát hiện sự có mặt tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng, hàm lượng NO2- trong nước một số ao nuôi cao hơn giới hạn cảnh báo và đều có biểu hiện ô nhiễm hữu. Bên cạnh đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới thời tiết có diễn biến bất thường như ngày nắng nóng, chiều tối có mưa rào làm một số yếu tố môi trường biến động như nhiệt độ, pH, độ mặn, DO… là những tác nhân cao dẫn tới sự bùng phát bệnh WSSV và AHPND trên tôm nuôi.

Để hạn chế thấp nhấp nguy cơ bùng phát các bệnh này trên tôm nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ven biển chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

1. Tiếp tục thực hiện tốt công văn về tăng cường quản lý giống tôm nước lợ, khung lịch mùa vụ và hướng dẫn, quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững; nhất là công văn hướng dẫn, tăng cường quản lý tôm, ngao ban hành mới đây.

2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh trên tôm, như:

– Phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng.

– Hạn chế người đi vào cơ sở nuôi; hạn chế sang cơ sở bị bệnh hoặc tôm chết chưa rõ nguyên nhân; trường hợp phải vào ao thì cần thay quần ao và lội qua bể nước khử trùng (Chlorine, formol 5%).

– Không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.

– Định kỳ dùng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2- và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio (Lưu ý: Khi dùng chế phẩm sinh học thì ngừng cho tôm ăn 1 – 2 ngày).

– Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đóng chặt cống cấp và thoát nước; quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá… vào ao, căng dây và lắp hình nộm để chống chim, cò vào ao.

– Đối với cơ sở/hộ nuôi được cảnh báo về kết quả dương tính với AHPND trong nước ao nuôi và dương tính với mầm bệnh WSSV, AHPND trên tôm nuôi, tuyệt đối không tháo nước ra ngoài môi trường và cần ngừng cho tôm ăn 1 – 2 ngày, sau đó cho tôm ăn hạn chế bằng 10% định mức hàng ngày, sau đó tăng dần đến khi đạt định mức bình thường (trong 7 – 10 ngày). Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe tôm và báo ngay với cơ quan chuyên môn khi tôm có dấu hiệu bất thường.

– Đối với ao nuôi có hàm lượng NO2- và vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt giới hạn cho phép, cần tăng cường sục khí ôxy, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm, đồng thời xác định chính xác khẩu phần thức ăn bằng cách sử dụng sàng để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó, tăng cường vệ sinh/xi phông đáy ao kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc và vi khuẩn Vibrio; định kỳ bổ sung vitamin, khoáng để tăng sức đề kháng cho tôm.

– Duy trì và ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!