T2, 06/07/2020 10:18

Nữ doanh nhân tâm huyết với thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần 20 năm gắn bó với ngành thủy sản, vinh quang có, thăng trầm đã từng, nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, người phụ nữ ấy vẫn giữ được ngọn lửa đam mê của mình. Đó chính là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Văn Minh AB – Phan Thị Hường (ảnh).

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Cái “khiếu” kinh doanh của chị có lẽ được hình thành từ trong máu, nên ngay từ năm 1996, khi vẫn còn là một cô gái trẻ, chị đã “nhìn ra” được tương lai của mình, xác định ngay được con đường mình sẽ theo đuổi. “Lúc đó, nhận thấy được Việt Nam có nền tảng nông nghiệp lớn, tôi bắt đầu bước chân vào tìm hiểu, và không ngờ là “lún sâu” đến tận bây giờ. Dần dần, tôi nhận thấy mình thực sự phải gắn bó với nông nghiệp, trong đó, đích mà tôi hướng đến là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản – ngành kinh tế mũi nhọn đã, đang và sẽ được phát huy”, chị chia sẻ.

Để thực hiện ước mơ của mình, chị chính thức tham gia vào thị trường. Và nơi bắt đầu của chị là cửa hàng Văn Minh, với các lĩnh vực gần như tồn tại đến bây giờ, đó là tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… tựu chung lại là dịch vụ hậu cần cho ngành thủy sản. Cái duyên với nghề nhanh chóng phát huy, nên chỉ 3 năm sau, Công ty Văn Minh chính thức ra đời.

Những năm đầu, thị trường chính Công ty hướng đến là các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên… Sau đó, nhận thấy tiềm năng to lớn tại ĐBSCL, Văn Minh AB đã hướng đến “vựa” thủy sản của cả nước này. Và cuối cùng, trời không phụ người có công, nỗ lực đến gần với người nuôi của chị và Công ty đã thành hiện thực. Đến năm 2008, thị trường của Công ty AB đã gần như vươn khắp cả nước, có mặt ở các tỉnh nuôi trồng thủy sản trọng điểm, từ Hải Phòng đến Nghệ An và vào tận Tiền Giang, Bạc Liêu…

 

Luôn tự đổi mới

Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào thương trường, mặc dù đã có được nền tảng vững chắc từ kiến thức thu nhận trong nhà trường, nhưng vào thực tế, với chị cái gì cũng lạ lẫm. Tuy nhiên, bản tính không lùi bước trước khó khăn, không sợ mạo hiểm, không thích đi theo cái cũ, chị đã bước sang hẳn một con đường khác, nhưng cũng không ngờ, đó chính là bước ngoặt lớn, không chỉ cho chị, mà cho cả lĩnh vực nuôi tôm ở Việt Nam.

Văn Minh AB luôn đồng hành cùng người nuôi để có những vụ mùa bội thu – Ảnh: Thanh Ngân

Chia sẻ gánh nặng với nông dân, đó là tâm niệm của chị và phương châm hoạt động của Văn Minh AB. Từ năm 2008 đến nay, với những biến động lớn trong ngành, nuôi trồng thủy sản gặp nhiều rủi ro cả khách quan và chủ quan, thiếu vốn, dịch bệnh xảy ra liên tiếp khiến người nuôi và doanh nghiệp đều lao đao. Trước những khó khăn chung, để cứu mình, nhiều doanh nghiệp quay lưng lại với người nuôi, nhưng Văn Minh AB đã không làm như vậy. Để chia sẻ với ngành, với người nuôi, và cũng là cách làm mới mình, doanh nghiệp đã hướng đến việc tự thay đổi, nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa với bà con nông dân, nhằm giúp họ giảm thiểu thiệt hại, khắc phục khó khăn, thông qua đổi mới và nâng cao khoa học kỹ thuật. “Chưa thể giúp họ được bằng tiền bạc, thì giúp họ bằng hành động, bằng kỹ thuật, để họ vượt qua những khó khăn trước mắt và có thể an tâm sản xuất” – Giám đốc Phan Thị Hường chia sẻ.

Và với tầm nhìn của một người đã có nhiều cơ hội đến thăm những cường quốc về nuôi tôm, chị đã học hỏi và mạnh dạn đưa về Việt Nam, đó chính là mô hình nuôi tôm công nghiệp, quả thật là quá mới mẻ với người nuôi tôm Việt Nam, bởi khi đó, vẫn phổ biến hình thức nuôi quảng canh. Lúc đầu, khi bắt đầu triển khai tại các địa phương ĐBSCL, nhiều cán bộ Sở Thủy sản cũ đã ủng hộ và tiếp sức để chị tiếp tục đi tiếp. Đó là động lực để chị áp dụng tiến bộ vào thực tế sản xuất, thay đổi tập quán canh tác và hiệu quả cải thiện rõ rệt

Kết quả, 1 ha tôm nuôi đã mang lại doanh thu trên 300 triệu đồng. Con số này trước đây người nuôi tôm Việt Nam chưa bao giờ dám nghĩ đến. Đó cũng là một trong những “nguyên nhân” khiến diện tích nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL phát triển mạnh.

 

Cần hơn sự hỗ trợ

2012, một năm đầy khó khăn của ngành thủy sản, dịch bệnh bùng phát khiến nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng nề, người nuôi điêu đứng, điều này khiến lợi nhuận của Công ty ít nhiều không như mong muốn. Nhưng khi được hỏi về tình hình chung này, chị không hề bi quan, mà có một cái nhìn xa hơn, sâu hơn. Theo chị, đây là điểm dừng cần thiết để ngành nhìn nhận lại sự phát triển trong thời gian vừa qua, ghi nhận cái được và điều chỉnh những gì chưa làm được, nhằm xác định cho mình một định hướng mới. Và với Công ty, cũng sẽ hướng đến một tầm cao mới, duy trì nghề nuôi, nâng cao công nghệ thông qua kỹ thuật và nâng cao tính liên kết cộng đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành. Trong khi đó hiện nay, cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước đối với ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng với nhiều chính sách, nhằm thiết thực hỗ trợ người dân duy trì sản xuất. Vì hiện nay, người dân hầu như chưa tiếp cận được, bởi lộ trình để những chính sách này đi vào hoạt động còn quá chậm. Mặt khác, công tác quản lý để ngành nghề này nói chung, Nhà nước cần phát triển sản phẩm trọng điểm, cơ chế thông thoáng hơn, tăng tiêu chí rõ ràng, nhưng giảm hạn ngạch để giúp người nuôi, nhằm xác định tiêu chí chung của sản phẩm. Có nhiều tổ chức sản xuất được vay vốn ưu đãi nông nghiệp, phải ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực để đảm bảo chính sách đúng và chất lượng, Giám đốc Phan Thị Hường tâm sự.

>> Hiện nay, Văn Minh AB đang là hội viên tích cực của Hội Nghề cá Việt Nam, mục tiêu nhằm thực hiện tốt hơn liên kết cộng đồng, đồng quản lý. Cần xây dựng mô hình sản xuất theo tổ, đội, thực hiện quá trình nuôi khép kín, gắn liền chuỗi cung ứng trực tiếp, áp dụng các chính sách vay và hỗ trợ để duy trì phát triển. Đẩy mạnh áp dụng VietGAP vào sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng và giảm rủi ro – Giám đốc Phan Thị Hường chia sẻ.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!