T2, 06/07/2020 11:54

Phạm Văn Tình với niềm say mê đồng ruộng

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nghiên cứu, quản lý khuyến nông không ít, nhưng người gắn bó với ruộng đồng và tự coi mình là nông dân “chính hiệu” như Thạc sĩ Phạm Văn Tình không nhiều. Bởi, ông luôn coi việc kết hợp giữa lý thuyết và thực tế là hai mặt không thể thiếu của người trí thức trong ngành thủy sản.

Tâm nguyện khi làm quản lý

Tôi tình cờ quen biết và làm việc với Thạc sĩ Phạm Văn Tình từ lúc ông còn làm việc trong cơ quan nhà nước, khi ấy ông là Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phụ trách phía Nam – Bộ NN&PTNT.

Gặp ông lúc nào cũng thấy ông bận rộn với các chương trình khuyến nông. Ông thường xuyên đau đáu việc làm sao đưa kiến thức khuyến nông mới nhất đến nông dân, muốn nông dân giảm tổn thất và đạt hiệu quả sản xuất cao hơn. Nói vậy không có nghĩa những người làm khuyến nông khác không tâm huyết. Điều khác ở người thạc sĩ này là ông luôn gắn bó với đồng ruộng chứ không phải sách vở. Các chương trình khuyến nông, đặc biệt khuyến ngư do ông tổ chức, bao giờ cũng được đưa về địa phương, lắng nghe phản hồi của người nuôi tôm cá, có sự điều chỉnh và đánh giá kết quả. Ông có thể nói chi tiết, cụ thể, rành mạch từng mô hình khuyến ngư, từ lúc thực hiện cho đến hiện tại.

Những nông dân, cán bộ khuyến ngư đều nhận xét Phạm Văn Tình là người dễ gần. Đôi khi, nhìn ông giống một nông dân hơn một nhà quản lý. Song, trong máy tính của ông, rất nhiều tài liệu nước ngoài cập nhật về tình hình dịch bệnh, về các phương pháp nuôi trồng mới. Những thành công hay thất bát của nông dân luôn khiến ông suy nghĩ và rút ra bài học.

Trò chuyện với chúng tôi, Thạc sĩ Phạm Văn Tình thường đề cập những tiến bộ trong khoa học, đặc biệt vấn đề sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn thế giới. Đây là những vấn đề bản lề để hôm nay ngành thủy sản khu vực phía Nam có nhiều bước tiến kịp yêu cầu của thị trường thế giới.

 

Biến ruộng nhà mình thành trạm nghiên cứu

Thạc sĩ Tình cho biết, những gì ông nghiên cứu, giảng dạy, truyền đạt đều được ông thực nghiệm trên ruộng tôm của mình. Ông không bao giờ đưa ra những kiến thức mà không qua kiểm chứng thực tế. Ông tâm sự: “Khi nghỉ hưu, tôi càng có thời gian nghiên cứu về nghề nuôi tôm”. Từ lâu, ông đã là một trí thức thực sự gắn bó với đồng ruộng. Mỗi lần tôi điện hỏi thăm, ông đều trả lời đang chăm mấy con tôm ở Vũng Tàu. Ông nuôi tôm không chỉ để mưu sinh mà còn từ đó nghiên cứu các vấn đề về tôm; bởi, ông vẫn thường đi giảng bài cho các doanh nghiệp và hướng dẫn người nuôi tôm những kỹ thuật quan trọng.

Thạc sĩ  Phạm Văn Tình kể: “Tôi đang nuôi 16 bể tôm giống trong nhà. Công suất mỗi năm có thể 200 triệu con, nhưng tôi chỉ sản xuất lượng vừa phải, vì tôi quan tâm chất lượng và chỉ thực hiện các hợp đồng cung ứng cho các cơ sở quen biết”. Trực tiếp làm con giống ở quy mô nông trại, ông cho biết: Giá cả tôm giống phụ thuộc nhiều vào giá thị trường, song nếu giá thành tôm hiện chỉ khoảng 20 đồng/con thì khi đến tay người nuôi giá lên tới 100 đồng/con, mà chất lượng không đồng đều và tôm đang có nguy cơ chậm lớn.

Tôm của ông được nuôi bằng thức ăn tốt nhất của Mỹ với giá khoảng 3 triệu đồng/kg, nhưng ông nói: “Chỉ cần bán 40 đồng/con đã lãi lắm rồi. Do đó giá tôm giống cao là do khâu quản lý của các cơ sở chưa tốt và việc hạ giá thành tôm giống để giúp nông dân là điều hoàn toàn có thể làm được”.

Nuôi tôm – lúa luân canh đem lại hiệu quả bền vững – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Trăn trở về con tôm giống

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Tình, con tôm chất lượng phụ thuộc 30% vào chất lượng giống, 30% phụ thuộc thức ăn, 30% phụ thuộc môi trường. Nhưng cả ba vấn đề nền tảng này đều đang có vấn đề. Ông cho biết: Chúng ta đã quản lý được con giống bố mẹ nhập về. Nhưng chỉ đến mức đó thôi. Việc kiểm soát quá trình khai thác con tôm giống đến đâu thì rất khó; chẳng hạn tôm đáng thanh lý nhưng vẫn tiếp tục được nuôi sinh sản thì làm sao? Nguồn giống bị thoái hóa là một nguy cơ đã được đề cập.

Quanh vấn đề thức ăn, ông nói: “Thức ăn tốt không thiếu, nhưng giá tôm giống khác nhau. Mua tôm giống giá rẻ bao nhiêu cũng có, đó là do người nuôi tôm dùng thức ăn kém chất lượng để cung cấp những loại tôm giống chất lượng thấp. Tôm giống chất lượng thấp thì tất nhiên hiệu quả kinh doanh sau này kém đi nhiều”.

Thạc sĩ Tình cũng trăn trở vấn đề môi trường đang xuống cấp. Ông nói: “Hiện tượng tôm nuôi chậm lớn đang trở thành phổ biến và một trong những nguyên nhân đó là môi trường ngày càng xuống cấp”. Thực tế thì cùng chất lượng con giống, cùng loại thức ăn mà tôm giống chậm lớn thì yếu tố môi trường rất đáng xem xét. Ông nhận xét, theo những tiêu chuẩn nuôi tôm giống mà bộ ngành đã quy định thì “không nhiều cơ sở nuôi tôm hiện nay đạt được”. Theo ông, điều này ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống và tác động tiêu cực đến nông dân. Ông quan niệm: Tôm nuôi chậm lớn đang là vấn đề lớn của ngành tôm; một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa quản lý được chất lượng con giống, trại giống. Đây là vấn đề cần nghiêm túc đánh giá và phải có giải pháp quyết liệt.

>> Thạc sĩ Phạm Văn Tình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Mục tiêu của Chính phủ là phải chuyển dần sang nuôi tôm luân canh. Luân canh nuôi tôm, trồng lúa vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm và nhiễm mặn, vừa tăng được năng suất. Nuôi tôm luân canh là vấn đề sống còn, khi nhiễm mặn ngày càng tăng.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!