Phân khúc của sản phẩm giá trị gia tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị cho sản phẩm cá tra là xu thế tất yếu. Theo đó, một số doanh nghiệp bước đầu đã tạo ra sản phẩm giá trị cao như dầu ăn, collagen, gelatin… từ cá tra.


Khai thác “bề nổi”

Theo tính toán, sản lượng cá tra Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Với tỷ lệ 2,6 kg nguyên liệu cho ra 1 kg fillet thành phẩm, các nhà máy chế biến phải xử lý phần còn lại của nguyên liệu sau chế biến lên tới hơn 800 nghìn tấn trong một năm. Nếu xử lý tốt thì đây là mỏ vàng, ngược lại không chỉ lãng phí rất lớn cho “kho báu” của vùng ĐBSCL mà nguồn nguyên liệu này còn trở thành “gánh nặng” cho môi trường.

Từ những năm 1987, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu fillet cá tra, đến năm 2008 khi xảy ra cuộc khủng hoảng thừa đầu tiên; lần đầu tiên, lượng phụ phẩm cá tra khổng lồ nêu trên được tách riêng bong bóng cá, bao tử cá và da cá để chế biến xuất khẩu hoặc cung ứng cho các nhà hàng trong nước. Phần còn lại được tách chiết để lấy mỡ thô rồi xuất khẩu sang các nước châu Á với giá rẻ, phần lợi nhuận khổng lồ này thuộc về các thương lái nước ngoài.

Nhu cầu lớn

Được biết hiện nhu cầu tiêu thụ dầu cá, các sản phẩm chế biến sâu từ cá tra rất lớn, nhưng doanh nghiệp trong nước còn hạn chế trong việc sản xuất các sản phẩm này. Mặc dù, có những doanh nghiệp tiên phong và thành công nhưng con số này còn khiêm tốn.

Theo VASEP, tỷ lệ hàng chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng từ cá tra chỉ chiếm khoảng 20%, trong đó thị trường nội địa chiếm 1/2. Sản phẩm xuất khẩu mặt hàng này cũng được thị trường châu Âu đón nhận, dưới dạng bao nhỏ fillet, tẩm bột, phối chế. Hiện, một số sản phẩm cá tra đang được phát triển thêm tại thị trường Nhật Bản và có triển vọng tăng trưởng. Nhật Bản có tập quán không thích cá nuôi nước ngọt, nhưng nếu được chấp nhận, đây sẽ là cơ hội rất tốt. Nhìn chung, vấn đề hàng chế biến sâu phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị, hệ thống phân phối nên không thể phát triển ồ ạt. Sản phẩm fillet có chất lượng tốt, hình thức đẹp, có thể có giá cao nhưng không được gọi là hàng chế biến sâu; nên có thể nói ranh giới giữa hàng thông thường và chế biến sâu cũng không phân biệt rõ ràng.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, các nhà máy chế biến cá tra hiện nay là hiện đại đối với chế biến sản phẩm thô. Để gia tăng giá trị cho sản phẩm cá tra thì việc đầu tư các công nghệ chế biến sâu vô cùng cần thiết. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như chưa quan tâm đầu tư vào các sản phẩm giá trị gia tăng do trình độ chế biến của các doanh nghiệp còn thấp, đầu tư vốn cao và cá tra fillet dễ bán hơn các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng. Mặt khác, khả năng quản trị cũng là trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, bởi một nhà máy chế biến cá tra giá trị gia tăng phải có hàng trăm sản phẩm với hàng trăm loại bao bì khác nhau.

Trước nhiều vấn đề trên, Tổng cục Thủy sản xác định chiến lược “đa dạng sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm giá trị gia tăng”; theo đó, khuyến khích phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao để cải thiện hình ảnh và giá trị của sản phẩm cá tra Việt Nam; bên cạnh đó tận dụng hiệu quả phụ phẩm để khai thác tiềm năng, gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm mới. Để thực hiện được điều này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, để đa dạng sản phẩm, làm đầu mối của chuỗi giá trị mới…

>> Với mặt hàng cá tra chế biến sâu, trong 6 tháng đầu năm, đạt giá trị hơn 7,7 triệu USD, chiếm 0,9% trong giá trị xuất khẩu cá tra. Tại thị trường Mỹ, cá tra chế biến sâu tập trung vào cá tra fillet tẩm bột, chiếm số lượng nhỏ, ngoài ra, tập trung rải rác tại EU và một số thị trường khác.

Tuấn Khang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!