Phát triển ngành sản xuất tôm nước lợ là giải pháp tối ưu để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thời gian tới (Phần III)

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản phẩm tôm của Việt Nam đã được bán cho khoảng 150 quốc gia thuộc 5 châu trên thế giới.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững

>> Phát triển ngành sản xuất tôm nước lợ (Phần I)

>> Phát triển ngành sản xuất tôm nước lợ (Phần II)

3. CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG CHUỖI LIÊN KẾT SẢN XUẤT; TĂNG TỶ LỆ SẢN PHẨM CÓ HÀM LƯỢNG CÔNG NGHỆ CAO; HỖ TRỢ DOANH NGHIÊP XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TOÀN CẦU VÀ KỸ NĂNG VƯỢT QUA CÁC RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI

3.1. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ ao nuôi đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững và hiệu quả

a. Hiện nay cả nước có 475 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thủy sản an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào các quốc gia thuộc EU, Mỹ, Nhật (là những thị trường có yêu cầu an toàn thực phẩm cao nhất thế giới), nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp chế biến tôm, đồng thời có vùng nuôi tôm, mới có 5 đơn vị (Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh phú, Cà Mau; Công ty TNHH và XNK Quốc Việt, Cà Mau; Công ty TNHH Khánh Sủng, Sóc Trăng; Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh, Sóc Trăng; Công ty Cổ phần Thực phẩm SAOTA, Sóc Trăng). Những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm từ khâu nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm (nếu nguyên liệu tôm được thu hoạch từ đầm nuôi của công ty). Hình thức liên kết giữa công ty chế biến với người nuôi tôm thông qua việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đã có, nhưng chưa nhiều và chưa bền vững. Do vậy, phần lớn nguyên liệu tôm cho chế biến, các doanh nghiệp phải trực tiếp mua từ các chủ đầm nuôi hoặc mua qua thương lái và phải gánh chịu nhiều rủi ro (hóa chất, kháng sinh sử dụng trong nuôi tôm thương phẩm, hoặc sử dụng trong bảo quản nguyên liệu; các loại tạp chất bao gồm vi sinh vật gây bệnh và kim loại nặng lẫn trong chất dịch được bơm vào tôm nguyên liệu để kiếm lợi bất chính…). Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng các lô hàng tôm của Việt Nam bị trả về từ các quốc gia nhập khẩu khoảng 1 đến 3% mỗi năm (tương đương hàng chục triệu đô la).

b. Để khắc phục tình trạng trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị: i) Nhà nước sớm có chính sách “mở rộng hạn điền” cho phép tích tụ đất nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng với thời hạn cho thuê 50 năm, theo Luật đất đai (hiện tại là 20 năm); ii) Cho vay vốn ưu đãi để phát triển vùng nuôi tôm đáp ứng yêu cầu VietGAP; iii) Đưa vào Luật Hình sự sửa đổi tội danh bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với khung hình phạt đủ sức răn đe; iv) Nâng cao tính pháp lý của hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp chế biến với người nuôi tôm hoặc các đại lý cung cấp tôm nguyên liệu.

3.2. Xây dựng công ty thương hiệu tôm mạnh, phạm vi toàn cầu

a. Hiện nay, sản phẩm tôm của Việt Nam đã được bán cho khoảng 150 quốc gia thuộc 5 châu trên thế giới. Nhưng khi vào siêu thị của các quốc gia này, thì số bao bì bán lẻ mang tên công ty chế biến của Việt Nam chưa nhiều và những dạng sản phẩm đặc biệt mà người dùng muốn mua, phải tìm đến thương hiệu của công ty Việt Nam lại càng ít hơn. Đây là một yếu tố dẫn tới giá tôm Việt Nam không cao hơn giá của mặt bằng chung của thế giới.

b. Để khắc phục tình trạng trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị: i) Nhà nước nên xây dựng băng hình mô tả quá trình sản xuất tôm của Việt Nam (từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến đến xuất khẩu gắn với bảo vệ môi trường và môi sinh), quảng bá rộng rãi băng hình theo nhiều hình thức và được cập nhật hàng năm; ii) Xây dựng giáo trình hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chế biến tôm và tổ chức đào tạo miễn phí cho tất cả các đối tượng muốn tham gia; iii) Cải tiến hình thức tham gia hội chợ quốc tế, trong đó Nhà nước ưu tiên tài trợ cho các hoạt động quảng bá thương hiệu của quốc gia và từng doanh nghiệp.

3.3. Hỗ trợ kiến thức và kỹ năng vượt qua các rào cản kỹ thuật trong quan hệ thương mại xuất khẩu sản phẩm tôm cho các thành phần trong chuỗi sản xuất sản phẩm tôm

3.3.1. Trong nhiều năm qua: Việt Nam đã lọt vào tốp 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Khi sản lượng tăng, sức mạnh cạnh tranh lớn, tất yếu sẽ gặp phải các rào cản về an toàn thực phẩm; Các loại rào cản khác, điển hình là: rào cản chống bán phá giá, rào cản chống trợ cấp của Chính phủ…

3.3.2. Đẻ giải quyết tình trạng trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị:

a. Đối với rào cản an toàn thực phẩm: Cần hướng dẫn cho người nuôi: i) Biện pháp kiểm soát tốt môi trường mà không dùng đến hóa chất; ii) Kiểm soát bệnh, dịch trrong nuôi tôm thông qua việc thực hiện tốt Chương trình an toàn sinh học hoặc mức độ cao hơn là áp dụng VietGAP (An toàn thực phẩm, An toàn sức khỏe thủy sản nuôi, An toàn môi trường bên ngoài cơ sở nuôi, An sinh xã hội); iii) Nhà nước cần quảng bá sâu, rộng và mạnh mẽ các chương trình kiểm soát mà Việt Nam đã thực hiện, để cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu và người tiêu dùng nước ngoài từ chỗ có lòng tin và yên tâm khi sử dụng, tiến tới yêu thích sử dụng sản phẩm tôm của Việt Nam.

b. Đối với các rào cản kỹ thuật khác: (Rào cản chống bản phá giá, Rào cản chống trợ cấp của Chính phủ…), i) Nhà nước nên tăng cường mạng lưới thông tin thị trường, dự báo sớm những rào cản có thể bị áp đặt ở từng quốc gia đối với sản phẩm tôm Việt Nam, để doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó. ii) Nhà nước nên thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn về biện pháp kỹ thuật chống lại sự áp đặt của các loại rào cản nói trên.

TS. Nguyễn Việt Thắng - KS. Nguyễn Tử Cương

Hội Nghề cá Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!