Phòng bệnh cho nhuyễn thể

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhuyễn thể thường được nuôi ở những vùng bãi bồi hoặc vũng vịnh ven biển có thủy triều lên xuống hàng ngày. Khi dịch bệnh xảy ra sẽ lây lan nhanh, việc chữa trị không hiệu quả. Vậy, việc phòng bệnh là rất cần thiết.

Chọn địa điểm nuôi

Lựa chọn địa điểm nuôi là việc vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cả vụ nuôi. Địa điểm nuôi nhuyễn thể (như ngao (nghêu), ngán, sò…) thường ở những vùng bãi triều của các cửa sông, nơi giao lưu giữa nước ngọt và mặn, độ mặn dao động 10 – 25‰, thủy triều lên xuống đều và có lượng nước ngọt nhất định đổ vào. Vị trí bãi thường là ở vùng trung triều, thời gian phơi bãi không quá 4 giờ/ngày. Chất đáy của vùng bãi triều thích hợp là cát bùn (cát 80%, bùn 20%). Bãi triều phải lựa chọn xa các khu công nghiệp nhằm tránh nguồn nước thải gây ô nhiễm cho khu vực nuôi và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của vật nuôi.

 

Cải tạo khu vực nuôi

Khu vực nuôi phải tập trung và có diện tích lớn (hàng trăm ha) các khu vực nuôi được cắm mốc ranh giới, quây lưới và dựng chòi để trông coi.

Làm vệ sinh mặt bãi, thu gom tất cả những vật lạ như: cây, que, đá, sỏi lớn, mảnh sành, sứ, bao bì…  xa khỏi mặt bãi. Cày xới mặt bãi để khi thả giống dễ dàng chui xuống sâu, tránh bị cuốn trôi và chết vì nắng nóng. Dùng bừa hoặc cào xới tơi bề mặt bãi sâu 5 – 10 cm.

San phẳng mặt bãi, bơm cát vào những vùng lõm tránh đọng lại nước, phòng khi phơi bãi gặp trời nắng nóng sẽ gây chết đối tượng nuôi, vì khi chết quá trình phân hủy sẽ sinh ra nhiều khí độc và sẽ gây chết theo dây chuyền, lan rộng ra khu vực nuôi, người nuôi sẽ lầm tưởng vật nuôi chết do dịch bệnh.

Bơm cát san phẳng mặt bãi nuôi ngao – Ảnh: Trần Út

Ở những khu vực có thời gian nuôi trên 3 vụ, chất hữu cơ lắng đọng có thể tăng lên 5 – 6 lần so với bình thường, bề mặt bãi có lớp đất cát đen dày 2 – 3 cm và có mùi thối của khí H2S nếu chỉ cải tạo bình thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vật nuôi. Do vậy, cần chọn thời điểm cải tạo bãi vào mùa nắng, cày xới bãi sâu 10 – 20 cm, phơi đáy nhiều ngày rồi mới thả giống.

Nên tạo luống nuôi để thuận tiện cho nước lưu thông, tránh đọng nước trên bãi và tiện đi lại chăm sóc. Luống rộng 2 – 3 m, cùng hướng với dòng chảy của nước thủy triều khi lên xuống. Nếu ở khu vực nuôi nhuyễn thể có thời gian phơi bãi quá 5 giờ/ngày, vào mùa hè cần đào mương giữ nước để tạo độ ẩm cho bãi.

 

Thả giống và chăm sóc

Giống nhuyễn thể có hai nguồn chính là nguồn thu gom ngoài tự nhiên và sản xuất nhân tạo. Khi lựa chọn giống, người nuôi nên lựa giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh. Trong quá trình vận chuyển giống cần lưu ý hạ nhiệt độ để vật nuôi khỏe mạnh sau khi thả. Thả nuôi với mật độ phù hợp theo khuyến cáo của các ngành chức năng nhằm hạn chế dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Để con giống có sức kháng bệnh tốt cần mua con giống lớn cỡ 7.000 – 10.000 con/kg, mật độ thả nuôi 150 – 200 con/m2. Trước khi thả nuôi, nên tắm giống bằng nước ngọt để hạn chế ảnh hưởng của ký sinh trùng Perkinsus sp. Với ngao là loài rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột độ mặn, vậy nên trong thời gian nuôi cần cử đại diện nhóm liên hệ chặt chẽ với ban quản lý cống xả nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương để có sự thống nhất đóng mở cống phù hợp tránh gây chết ngao nuôi do xả nước ngọt.

>> Trong quá trình nuôi nếu nhuyễn thể bị dịch bệnh chết, cần thu gom hết vỏ, rắc vôi, bừa kỹ hoặc phủ cát mới lên bãi để làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan. Tạm ngừng thả giống 2 – 3 tháng rồi mới tiến hành thả nuôi vụ mới.

ThS Nguyễn Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!