Phòng bệnh gan tụy trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Bệnh hoại tử gan tụy đang và sẽ là mối nguy lớn cho người nuôi tôm. Tôm giống có sức khỏe kém, gan tụy bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, gặp điều kiện môi trường không thuận lợi thì bệnh sẽ bùng phát.

Ương tôm trước khi thả nuôi

Giai đoạn đầu tiên trong quá trình nuôi rất quan trọng. Để tôm có sức đề kháng tốt, sẵn sàng với môi trường nuôi mới nên trước khi nuôi ta ương trong môi trường thuận lợi với hàm lượng ôxy cao, pH 7,8 – 8, độ kiềm 90 – 120. Để tăng sức đề kháng tự nhiên, bổ sung dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất, axit hữu cơ) định kỳ cho tôm. Ương tôm 2 – 3 tuần sẽ được tăng cường sức khỏe, có khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường ao lớn.

 

Chuẩn bị ao nuôi

Công tác cải tạo ao nuôi (bón vôi, bừa kỹ, ngâm để phân hủy Cypermrthrin, Deltamerthrin trong bùn đáy) cần được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc, ổn định trong 3 – 5 ngày, quạt nước 24 giờ kích thích cho trứng tôm, cá, giáp xác nở hết tiến hành diệt khuẩn, diệt tạp bằng một số hóa chất Chlorine liều lượng 20 – 30 ppm, BKC liều lượng 3 – 5 ppm, Iodine liều lượng 1 – 3 lít/1.000 m3 nước. Sau đó quạt nước 10 ngày để giải phóng dư lượng hóa chất diệt trùng.

Tiến hành gây màu nước bằng các chế phẩm vi sinh có nguồn gốc rõ ràng và ủ với cám gạo, mật rỉ đường, bột đậu nành trước khi tạt xuống ao nuôi.

Tôm thẻ thả nuôi với mật độ dưới 150 con/m2, tôm sú thả với mật độ dưới 40 con/m2, tùy theo điều kiện đầu tư, chăm sóc.

Cải tạo ao nuôi cần thực hiện theo đúng kỹ thuật – Ảnh: Diệu Lữ

 

Chăm sóc, quản lý

Kiểm soát chặt chẽ thức ăn. Điều chỉnh lượng thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Sau khoảng 15 ngày có thể bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà cung cấp để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Chủ động giảm lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi (oi bức, âm u, mưa bão…) hay khi tôm lột xác.

Trong tháng nuôi đầu tiên duy trì nước có màu xanh nõn chuối, ngăn chặn sự phát triển quá mức của tảo. Sang tháng nuôi thứ 2, giũ nước có màu xanh lục. Duy trì các yếu tố môi trường thích hợp, độ trong 30 – 40 cm, độ kiềm 80 – 120, pH 7,5 – 8,5; ôxy hòa tan > 4 mg/lít. H2S < 0,05 mg/lít, NH3 < 0,3 mg/lít.

Định kỳ 20 – 25 ngày, sử dụng chế phẩm sinh học để đảm bảo chất lượng nước. Khi phát hiện tảo đậm (độ trong dưới 30 cm hoặc dao động pH trong ngày trên 0,5) người nuôi không nên sử dụng hóa chất diệt tảo mà cần cắt giảm thức ăn kết hợp với tăng lượng vi sinh cho đến khi màu tảo trở lại bình thường.

Không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm. Việc dùng các hàng này sẽ không đảm bảo hiệu quả, tác dụng phụ cao (tồn lưu gây chậm lớn, còi cọc), tôm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

>> Tuân thủ theo đúng mùa vụ nuôi đã được khuyến cáo. Chọn con giống đưa vào ương nuôi đảm bảo chất lượng. Tham khảo ý kiến của nhân viên quản lý giám sát dịch bệnh ở từng vùng nuôi hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở địa phương để có được quy trình phòng bệnh hoại tử gan tụy và liều lượng thuốc dùng phù hợp nhất cho từng ao nuôi.

Kỹ sư Nguyễn Nhung - Ban KHKT (Liên hệ: 0968090210)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!