Quản lý sức khỏe tôm nuôi khi chuyển mùa

Chưa có đánh giá về bài viết

Hàng năm, vào thời điểm tháng 9 – 11 âm lịch, do chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, gió mùa đông bắc nên các vùng nuôi trồng thủy sản thường bị ảnh hưởng lớn. Do vậy, khâu chăm sóc và quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi cần được chú trọng.

Thả giống

Thời điểm chuyển mùa thường có những cơn mưa lớn vào buổi chiều hay về ban đêm. Tôm giống mới thả gặp mưa dễ bị “sốc” độ mặn, nhiệt độ… do đó, nên thả tôm giống vào buổi sáng. Nếu sau khi thả gặp mưa, dùng vôi nông nghiệp (CaO) rải đều trên khắp bờ ao để khắc phục tình trạng pH giảm đột ngột làm tăng độc tính của khí H2S, ảnh hưởng tới sức khỏe của tôm nuôi (đặc biệt chú ý đối với các ao đầm trên vùng đất có nhiều phèn). Sau khi mưa cần kiểm tra độ pH, nếu vẫn thấp, dùng vôi CaO hòa vào nước, tạt đều vào ao nuôi, liều lượng 10 –  20 kg/1.000 m3, xử lý từ từ cho đến khi pH đạt trong ngưỡng từ 7,5 trở lên.

Nên thả tôm giống vào buổi sáng, lúc trời mát – Ảnh: Thanh Nhã

Quản lý môi trường ao nuôi

Khi trời mưa, bùn đất sẽ kéo từ trên bờ xuống ao đầm nuôi, gây đục nước, hạn chế sự quang hợp của tảo. Nếu gây màu nước không đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật tảo dễ bị tàn đột ngột, tôm thiếu ôxy, bỏ ăn, chạy theo đàn. Do đó, cần quản lý các chỉ tiêu môi trường ổn định, nằm trong ngưỡng cho phép, gây màu nước bằng phân hữu cơ sinh học BIO COMPOST (sản xuất từ nguyên liệu chính phân trùn quế), liều lượng 8 – 10 kg/1.000m3.

 

Chăm sóc và quản lý

Sử dụng loại thức ăn có chất lượng cao, chia làm 3 – 4 lần/ngày, liều lượng cho ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi tôm được 1 tháng tuổi, cho ăn bổ sung dịch trùn BIOZYM (sản phẩm thủy phân từ trùn quế) liều lượng 1 kg/50 – 60 kg thức ăn, trộn đều, để 20 – 30 phút cho khô rồi cho tôm ăn, liều lượng 1 – 2 lần/ngày vào bữa ăn chính.

 Khi nhiệt độ thấp, trời lạnh cho ăn thêm  chế phẩm E.M tỏi, liều lượng 1 lít/10 kg thức ăn, trộn đều, để 20 – 30 phút cho tôm ăn. Giúp phòng và trị bệnh đường ruột cho tôm để kích thích tôm ăn.

Giữ độ sâu mực nước trong ao nuôi 1,2 – 1,5m để ổn định nhiệt độ nước, hạn chế tối đa những hoạt động có thể làm tôm bị “sốc” như kéo lưới, san tôm… Định kỳ 7 – 10 ngày/lần bón E.M thứ cấp, liều lượng 2 – 4 lít/1.000m3 để ngăn chặn sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây bệnh cho tôm.

Đối với tôm thẻ chân trắng thường phải nuôi với mật độ dày, do sự hoạt động mạnh của tôm nên thường gây đục nước, bùn đất bám vào mamg làm tôm nuôi dễ bị sưng mang, đen mang… Trường hợp này nên sử dụng CaC03 để lắng tụ các chất bẩn (xác tảo, vỏ tôm, đất bùn…) liều lượng 10 – 20 kg/1.000m3; sau đó, xiphông ra ngoài làm sạch môi trường ao nuôi. Sử dụng vôi vào ban đêm để nâng cao nhiệt độ nước khắc phục thời tiết lạnh, đồng thời hạn chế mức độ tăng pH.

Trong mùa mưa, tôm nuôi có thể bị mềm vỏ, khó lột xác, tôm không ăn được thức ăn. Để khắc phục tình trạng này dùng dolomite, liều lượng 10 – 20 kg/1.000m3, xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt đến ngưỡng cho phép, cho tôm ăn thức ăn chất lượng cao, hàm lượng P/Ca là 1/1, bổ sung thêm Vitamin tổng hợp và không nên nuôi mật độ quá dày.

 

Các sự cố thường gặp, biện pháp khắc phục

Phân tầng nhiệt độ nước: Tôm sẽ chết nếu nhiệt độ nước thấp hơn 150C, bị ngạt nếu nhiệt độ trong khoảng 15 – 220C. Do tôm hoạt động trên cả ba tầng nước (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) nên việc duy trì quạt nước để pha trộn đều lớp nước trên tầng mặt và tầng đáy là rất cần thiết khi trời mưa.

Ngăn chặn tảo đáy phát triển: Trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường, những ao, đầm nuôi tôm nếu gây màu nước không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật thì rất dễ mất tảo, nước trong rong tảo đáy sẽ phát triển nhiều làm cản trở hoạt động sống của tôm, cạnh tranh ôxy với tôm, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước làm khó gây màu, đồng thời làm biến động các yếu tố môi trường như: pH, ôxy hòa tan… Để khắc phục tình trạng trên, ta phải quản lý tảo ổn định trong mùa mưa bão. Khâu cải tạo ao phải tuân thủ theo yêu cầu kỹ thuật, trước khi bón phân gây màu phải bón vôi dolomite 10 – 20 kg/1.000m3, kiểm tra pH từ 7,5 trở lên, độ kiềm 80 mg/l. Sau hai ngày bón E.M thứ cấp để bổ sung các vi sinh vật có lợi cho ao đầm nuôi, liều lượng 2 – 4 lít/1.000m3, sau đó mới bón phân gây màu nước, khi tảo phát triển (thể hiện qua màu nước). Độ trong đạt; 30 – 40cm.

>> Lưu ý: Khác với tôm sú, tôm thẻ chân trắng chịu được trong môi trường có độ pH cao hơn ngưỡng 7,5 – 8,5 nhưng không chịu được trong môi trường có độ pH thấp.

Hồ Hữu Sơn - Trạm Khuyến nông Diễn Châu, Nghệ An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!