Quảng Nam: Ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều người nuôi tôm tại khu vực sông Trường Giang đổ ra cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành hằng ngày vẫn “vô tư” lấy nước đóng giếng gần ven sông, cửa biển, sau đó xả thẳng ra sông, khiến khu vực sông bị ô nhiễm, gây nhiễm mặn nước sinh hoạt.

Ngại làm ao xử lý

Ông Võ Thuần (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) hiện đang nuôi khoảng 500 m2, 9 vạn tôm thẻ chân trắng giống, với hình thức nuôi tôm lót bạt thâm canh. Ông Thuần cho biết, theo quy trình nuôi tôm lót bạt, người nuôi sẽ khoan giếng gần khu vực bãi triều ven biển hoặc sông Trường Giang ở độ sâu 10 – 15 m, độ mặn khoảng 35‰, sau đó bơm nước vào ao nuôi, tôm giống được 20 ngày thì xả nước ao nuôi 1 lần, tùy thời gian sinh trưởng tôm mà xả nước liên tục trong ao nuôi, đến 2 – 3 tháng có thể xuất bán. Với cách nuôi này, người dân xả thải ra sông, biển, khiến tình trạng ô nhiễm nặng nề. Khi được hỏi về vấn đề làm ao lắng xử lý, ông Thuần cho biết: “Nhà chỉ nuôi nhỏ nên không có đất làm thêm ao lắng, nếu làm phải đầu tư kỹ thuật, chi phí cao”. Hiện tại, người nuôi tôm vẫn chỉ xử lý nước thải bằng Chlorine và các hoạt chất khác, tuy nhiên, không thể xử lý hết nước thải ô nhiễm.

Ông võ thuần bên ao nuôi tôm the chân trắng kiểu truyền thống

Ông Võ Thuần bên ao nuôi tôm thẻ chân trắng kiểu truyền thống

 Trong quy trình làm ao lắng, chỉ cần 10% diện tích ao nuôi, thực hiện cải tạo môi trường nuôi nhờ các vi khuẩn có lợi như rong, tảo, các giá thể tự nhiên giúp lắng tụ chất gây ô nhiễm, người nuôi có thể thả cá rô phi, loại cá này giúp cải tạo môi trường nuôi, tránh ô nhiễm khi xử lý nước.

Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết, do bao bọc bởi hai bên sông nước, người nuôi tôm trên địa bàn xã vẫn nuôi theo kiểu truyền thống, không có quy trình xử lý nước thải đầu ra, nên hầu hết xả thẳng ra sông gây ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, người dân sống gần khu vực nuôi tôm đều sử dụng nước bình để uống, vì nguồn nước giếng khoan bị nhiễm mặn.

 Trong đề án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm tập trung xã Tam Tiến tại hai thôn có mật độ nuôi tôm lớn là Long Thạnh và Diêm Trà, gồm giao thông dẫn, hệ thống điện, hệ thống cấp nước mặn từ biển, xử lý nước thải, bể lắng với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Chủ tịch xã, dự án này gồm 100 hộ tham gia, sẽ quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, tránh ô nhiễm môi trường, giao thông vận chuyển tốt hơn, điện 3 pha được cung cấp đầy đủ. Ngoài ra, sẽ tiến hành kéo hệ thống nước ngọt sinh hoạt cho dân và nước nuôi trồng thủy sản.

 

 

>> Xã Tam Tiến là vùng có diện tích nuôi tôm lớn của huyện Núi Thành với tổng trên 400 ha, hơn 1.000 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhiều hộ nuôi tôm tự phát dọc vùng triều, đầu tư kỹ thuật hạ tầng hồ nuôi yếu kém những vì lợi nhuận trước mắt đã bỏ qua việc xử lý môi trường.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!