Quảng Ngãi: Thay đổi thế độc canh con tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau những rủi ro trong nuôi tôm thẻ chân trắng, hiện nay tại Quảng Ngãi, mô hình nuôi ghép đối tượng này với các loài khác như cá đối mục đã thu được kết quả rất triển vọng.

Nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối mục

Năm 2018, huyện Bình Sơn đã triển khai mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối mục cho người dân tại xã Bình Dương; nhằm đa dạng hóa các loại thủy sản góp phần khắc phục tình trạng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước.

Mô hình được Trạm triển khai từ tháng 4, ban đầu thả nuôi cá đối sau 2 tháng tiến hành thả tôm giống trên diện tích diện tích 5.000 m2. Hộ anh Nguyễn Văn Nhựt ở thôn Đông Yên 2 thực hiện nuôi 200.000 tôm thẻ chân trắng mật độ 40 con/m2 và 1.000 cá đối mục mật độ 1 con/m2. Đến cuối tháng 8, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã tổng kết để đánh giá ưu, khuyết điểm, hướng đến nhân rộng mô hình. Kết quả, sau gần 5 tháng nuôi đối với cá và 2,5 tháng nuôi đối với tôm, cả 2 loại tôm, cá đều phát triển tốt, phù hợp với vùng nuôi ao đất theo hình thức bán thâm canh nên tỷ lệ sống đạt trên 90%. Anh Nguyễn Văn Nhựt cho biết, với giá tôm 95.000 đồng/kg anh thu về trên 171 triệu đồng; còn cá đối 100.000 đồng/kg anh thu trên 34 triệu đồng. Tổng thu của mô hình trên 205 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, công lao động, lãi trên 77,7 triệu đồng.

Theo đáng giá của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Bình Sơn, với đặc tính ăn tạp, cá đối sử dụng triệt để lượng mùn bả hữu cơ ở đáy ao như: phân tôm, thức ăn dư thừa của tôm, tảo tàn, lab-lab… cân bằng được hệ sinh thái trong ao nuôi, tạo nền đáy ao tốt, giúp tôm sinh trưởng, phát triển nhanh hơn, hạn chế được dịch bệnh. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép, tôm sống ở tầng mặt, còn cá đối sống ở tầng đáy nên tôm vẫn phát triển tốt. Vừa mang lại hiệu quả kinh tế với một diện tích mà người nuôi tôm có thể nuôi kết hợp hai loại thủy sản, hơn nữa cá lại có thể giúp người nuôi tiết kiệm chi phí vệ sinh hồ. Ngoài nuôi ghép với cá đối, người dân có thể ghép tôm với cá dìa, cá măng, cá rô phi đơn tính đực. Tuy nhiên, cá đối mục có nguồn giống được sinh sản nhân tạo nên cỡ cá đồng đều, cá có thịt thơm ngon, giá thương phẩm cao và dễ tiêu thụ.

 Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn khẳng định, thực hiện mô hình nuôi ghép tôm sú với cá thương phẩm trong nuôi tôm nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm. Thông qua mô hình này đã giúp nông dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi, mạnh dạn nhân rộng ở một số vùng nuôi khác để tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

>> Cá đối mục rất có triển vọng, được phát triển tại nhiều địa phương trong thời gian qua như Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị… Hình thức nuôi ghép với tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân. 

Nguyên Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!