Sa Pa xây dựng nhãn hiệu tập thể và phát triển thị trường cá nước lạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Huyện Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai, ở độ cao trung bình khoảng 1.800 m so với mực nước biển, với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ và nguồn nước lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm). Đây là những đối tượng nuôi trồng đem lại giá trị kinh tế cao, có chất lượng sản phẩm tạo ra tốt có ưu thế riêng biệt chỉ vùng nuôi mới có được.

Thành công ban đầu

Khảo sát thực trạng nuôi cá nước lạnh trên địa bàn Sa Pa cho thấy nghề nuôi cá nước lạnh được phát triển bắt đầu từ năm 2005, khi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I phối hợp với Sở NN&PTNT Lào Cai nuôi thử nghiệm thành công cá hồi và cá tầm thương phẩm, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng trang trại nuôi tập trung chủ yếu tại xã Bản Khoang, San Sả Hồ, Tả Giàng Phình, Sa Pả, Tả Phìn… với số vốn lên tới hàng tỷ đồng. Tới thời điểm vụ cá 2013 – 2014, đã có khoảng 30 hộ nuôi cá với sản lượng cá hồi, cá tầm thương phẩm thu hàng năm khoảng 500 tấn, tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân 10%/năm. Giá trị sản xuất bình quân tính trên 100 m2 ao nuôi đạt 159,19 triệu đồng/năm, giá trị gia tăng đạt  81,29 triệu đồng, thu nhập hỗn hợp 69,65 triệu đồng. Cá nước lạnh Sa Pa sản xuất ra chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn phục vụ khách du lịch và cung cấp cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng… với nhóm sản phẩm rất đa dạng từ cá tươi sống, cá xông khói, fillet, tới các sản phẩm ruốc cá. Thị trường cá nước lạnh Sa Pa từ người sản xuất tới tiêu dùng thông qua 4 kênh tiêu thụ sản phẩm với nhiều tác nhân tham gia:

 

Cạnh tranh cá nhập lậu

Khi cá nước lạnh Sa Pa phát triển nhanh chóng về năng suất, sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm thì cũng là lúc sản phẩm chịu sức ép từ cá hồi, cá tầm nhập lậu với chất lượng kém trôi nổi trên thị trường được tiêu thụ lấy danh nghĩa cá nước lạnh Sa Pa. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới uy tín chất lượng cá nước lạnh Sa Pa, đồng thời gây thiệt hại lợi ích kinh tế của người nuôi cá và người tiêu dùng. Do đó, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh Sa pa được triển khai sẽ là rào cản chống xâm nhập của sản phẩm kém chất lượng, bảo vệ uy tín sản phẩm trong nước, người tiêu dùng từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cá hồi nuôi tại Sa Pa – Ảnh: Trần Huấn

Nghiên cứu các kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản cho thấy, bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể sẽ nhanh, không phức tạp, không tốn kém, thời gian ngắn, kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, có nhiều thuận lợi do các cơ sở sản xuất kinh doanh cá nước lạnh Sa Pa đã được UBND tỉnh Lào cai cho phép thành lập Hội Nuôi cá nước lạnh Sa Pa. Đây là tổ chức đăng ký chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (NHTT) Cá nước lạnh Sa Pa và phát triển thị trường cho sản phẩm này. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới thì vấn đề cạnh tranh giữa các sản phẩm, dịch vụ cùng loại sẽ trở nên gay gắt và quyết liệt. Lúc này, vấn đề thương hiệu sản phẩm được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi vậy, việc xây dựng NHTT Cá nước lạnh Sa Pa sẽ là một bước đi vững chắc cho hoạt động nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa. Lợi ích của các hộ, cơ sở sản xuất mong muốn sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể là được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, thị trường mở rộng, giá bán sản phẩm cao hơn, được bảo vệ quyền lợi khi tham gia thương mại.

Tuy vậy, một trong những hạn chế của các cơ sở sản xuất và kinh doanh là nhận thức về thương hiệu, chỉ có 23,3% người được hỏi biết về nhãn hiệu tập thể nhưng không hiểu rõ về bản chất. Trong khi đó, số người thật hiểu về nhãn hiệu tập thể chỉ chiếm 8,3% tổng số người được hỏi, những người này là chủ các HTX, công ty lớn và cán bộ trẻ chuyên môn tốt, năng động, luôn trăn trở tìm hướng phát triển cho ngành thủy sản nước lạnh tại địa phương. 

Nếu giả định NHTT Cá nước lạnh Sa Pa là một hàng hóa, thông qua phương pháp CVM đánh giá nhu cầu xây dựng NHTT, các yếu tố ảnh hưởng (biến độc lập) tới WTP được khảo sát và có kết quả tại mô hình sau:

WTPi = 1,643128 + 0,002398X1 + (-0,089927)X2 + 0,217753X3 + (-0,000783)X4 

Với WTP:  Mức sẵn lòng chi trả (đồng/năm)

X1: Biến thu nhập từ sản xuất, kinh doanh cá nước lạnh Sa Pa (đồng/năm)

X2: Biến trình độ học vấn (năm)

X3: Biến năm kinh nghiệm nuôi (năm)

X4: Biến quy mô sản xuất: diện tích nuôi (m2)

Kết quả  R2 = 0,76, n = 34; Các kết quả đạt được của mô hình có độ tin cậy và ý nghĩa thống kê. Tính toán mức sẵn lòng chi trả bình quân (Mean WTP) của hộ cho việc xây dựng và phát triển NHTT Cá nước lạnh Sa Pa của các cơ sở nuôi là 4,61 nghìn đồng/kg. Tổng quỹ cho xây dựng theo ước tính sẽ là khoảng 2,305 tỷ đồng. Đây là cơ sở có Hội Nuôi cá nước lạnh Sa Pa xúc tiến đăng ký xây dựng NHTT Cá nước lạnh Sa Pa bảo vệ uy tín, danh tiếng, lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, để xây dựng thành công NHTT Cá nước lạnh Sa Pa: cần thu hút các cơ sở tham gia và sử dụng NHTT “Cá nước lạnh Sa Pa” một cách tự nguyện; các bên liên quan cần tuyên truyền vận động các cơ sở tham gia và sử dụng NHTT “Cá nước lạnh Sa Pa”; quy hoạch vùng sản xuất để các hộ, cơ sở mở rộng diện tích nuôi; tạo điều kiện cho các cơ sở vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật để mô hình nuôi cá nước lạnh ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Đồng thời, hình thành thị trường với nhiều kênh tiêu thụ; cần liên kết các tác nhân trong thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường kết nối thông tin để linh hoạt phù hợp với xu hướng thị trường và thị hiếu của khách hàng. Mặt khác, duy trì các kênh bền vững, nâng cấp các kênh tiêu thụ còn yếu, cùng với đó là phân phối hài hòa lợi ích kinh tế giữa các tác nhân trong kênh tiêu thụ so với mức đầu tư, thời gian, công sức tham gia vào thị trường tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa.

Hồ Ngọc Cường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!