Thị trường Chile: Để thủy sản hanh thông bước vào

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Chile được ký kết và có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng vọt. Song, thủy sản vẫn chưa tận dụng được lợi thế.

Chile có phải một thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam? Nhiều người sẽ tìm được câu trả lời nếu nhìn vào số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan đến 15/3; theo đó, trong khối thị trường Nam Mỹ, Chile là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất.

Thị trường Chile đa dạng hơn trong các mặt hàng thủy sản nhập từ Việt Nam, Do đó, khi một mặt hàng thủy sản nào đó (như tôm, hải sản hay cá tra) gặp khó ở thị trường Chile do rào cản thương mại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam sang thị trường này không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Tiềm năng cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Chile rất lớn – Ảnh: Huy Hùng

Theo những điều khoản trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Chile có hiệu lực từ 1/1/2014, Chile cam kết xóa bỏ thuế cho 99,62% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile trong 10 năm. Những mặt hàng được hưởng mức thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực là thủy sản, cà phê, chè, dầu thô, rau quả, thịt gia súc, giày dép và một số hàng dệt may. Đây chính là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điều này giải thích vì sao kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Chile quý I/2015 vượt cả Brazil. Và, nếu doanh nghiệp biết cách, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ còn tăng trong thời gian tới, do lợi thế về thuế suất mà hai nước đã cam kết.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, dù Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước đã có hiệu lực nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khi xâm nhập thị trường này, bởi lâu nay các doanh nghiệp thủy sản trong nước chỉ làm ra những đơn hàng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, chứ chưa chủ động còn tự đi mở thị trường. Và nếu có thì vẫn ưu tiên ở những thị trường có sức tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, còn thị trường mới như Chile chưa nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ giữa cũng tạo một rào cản vô hình cho doanh nghiệp hai nước, nhất là phía Chile, khi các hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp, các website chỉ có tiếng Chile, không có tiếng Anh, một ngôn ngữ quốc tế dùng trong giao dịch thương mại.

Vì thế, doanh nghiệp thủy sản trong nước không biết nhiều về quốc gia Nam Mỹ này. Đây là điều bất lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nên dù cánh cửa vào Chile đã mở nhưng doanh nghiệp vẫn còn dè dặt khi muốn bước vào thị trường.

>> Giá trị nhập khẩu của Chile tính đến 15/3/2015 gần 2,23 triệu USD; trong đó, khoảng 50%  thu về từ xuất khẩu cá tra, còn lại là các mặt hàng thủy sản khác.

Ngọc Hùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!