Thị trường thủy sản Mỹ: Hấp dẫn nhưng khắc nghiệt

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỹ là một thị trường giàu tiềm năng với rất nhiều quốc gia sản xuất thủy sản, bởi nơi đây kinh tế phát triển, dân số đông và thị hiếu ưu chuộng thủy sản. Tuy nhiên, thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rào cản và cạnh tranh khốc liệt.

Giàu tiềm năng

Với dân số gần 320 triệu (tính đến hết năm 2014); thu nhập bình quân 53.143 USD/người/năm (Ngân hàng Thế giới công bố đầu tháng 7/2014); nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, nhất là thủy sản (cả số lượng và chất lượng) ở mức cao; sức mua lớn, giá cả ổn định; mặt hàng chất lượng càng cao, càng đắt giá thì càng dễ tiêu thụ…

Bên cạnh đó, người Mỹ rất tự do trong việc chọn hàng tiêu dùng cho mình. Họ có thể chọn sản phẩm trong hoặc ngoài nước tùy ý, miễn là đáp ứng được nhu cầu… Tất cả những yếu tố đó khiến Mỹ trở thành thị trường hấp dẫn nhất, không chỉ đối với các nhà xuất khẩu thủy sản ở châu Á (trong đó có Việt Nam), mà còn là mục tiêu của nhiều nước thuộc châu lục khác.

Mỹ cũng là quốc gia có ngành thủy sản khá phát triển nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân về chủng loại và chất lượng một số mặt hàng thủy sản; theo đó, vẫn phải nhập khẩu từ nước khác, và Việt Nam cũng là thị trường được chọn trong số đó. 11 tháng đầu năm 2014, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, với giá trị 1,6 tỷ USD, tăng 16,2% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, mặt hàng tôm 990 triệu USD, cá tra 302 triệu USD, cá ngừ 161 triệu USD, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 6,45 triệu USD… Nhìn tổng quát, Mỹ là thị trường tiêu thụ rộng lớn và giàu tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam.

Chế biến tôm xuất khẩu – Ảnh: An Đăng

 

Nhiều trở ngại

Thị trường Mỹ giàu tiềm năng nhưng khá khắt khe. Khi đời sống lên cao thì nhu cầu đối với các loại thủy sản cũng tăng mạnh, nhưng người tiêu dùng Mỹ lại đòi hỏi rất cao. Sản phẩm thủy sản phải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn thực phẩm, hàm lượng chất dinh dưỡng thì mới đủ khả năng xuất hiện và cạnh tranh trên thị trường này.

Chính phủ Mỹ cũng có nhiều quy định đôi với sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Ngày càng nhiều rào cản phi thuế quan xuất hiện: Luật hiện đại hóa thực phẩm (loại rào cản SPS, TBT); Luật trang trại (loại rào cản SPS); Điều tra chống bán phá giá có nguy cơ lặp lại; thuế chống trợ cấp… Cùng đó, hàng thủy sản nhập khẩu vào Mỹ phải qua sự kiểm tra chặt chẽ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) theo tiêu chuẩn HACCP. Vấn đề vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái… là những lý do mà Mỹ thường đưa ra để hạn chế nhập khẩu.

Hơn nữa, Việt Nam bước vào thị trường Mỹ chậm hơn so với hầu hết các đối thủ, khi thị trường đã ổn định người mua, người bán, thói quen, sở thích, sản phẩm.

 

Cần nâng cao chất lượng     

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ năm 2014 đóng góp 22% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam, tăng trưởng hơn 16%. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ  đẩy mạnh xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, năm 2015, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ liệu có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay hay không, khi mới đây bên cạnh việc áp thuế chống bán phá giá với cá tra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong một tuyên bố mới nhất đã tiếp tục giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam. Như vậy, áp thuế chống bán phá giá và kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh tiếp tục sẽ là những thách thức cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ.

Theo đó, nhiều chuyên gia trong ngành, để tránh các rào cản, nhất là các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và lập ra đội ngũ kỹ thuật chuyên trách ứng phó các vụ kiện; doanh nghiệp cần chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng, thay đổi thói quen canh tác đảm bảo an toàn, hiện đại, không nên sử dụng các loại hóa chất cấm trong quá trình bảo quản, chế biến, kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến… Đồng thời, Chính phủ cần tranh thủ cơ hội đàm phán những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) để các nước khác công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

>> Điều quan trọng nhất mà tất cả các thị trường hướng đến là buộc các nhà sản xuất/chế biến thủy sản Việt Nam phải cải tiến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu làm tốt điều này, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ nói riêng, các thị trường khác nói chung, hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng giá trị hai con số trong năm 2015.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!