Thủy sản Việt Nam: Nghịch lý tiêu thụ nội địa khó hơn xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Phải khẳng định một điều rằng, sản phẩm thủy sản Việt Nam rất đa dạng, phong phú chủng loại và ngày càng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, sản phẩm đang rất khó tiêu thụ, nhất là tại các siêu thị.

Hiệu quả…

Hiệu nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có một câu lạc bộ doanh nghiệp với 26 thành viên cung cấp hàng thủy sản nội địa; doanh nghiệp thành viên của Câu lạc bộ đều đang là các nhà sản xuất và cung cấp mặt hàng thủy sản cho hệ thống siêu thị, các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà VASEP lập ra câu lạc bộ này; phía sau quyết định đó là muốn chiếm lĩnh thị trường hơn 90 triệu dân, trong đó, 1/3 dân số sống ở thành thị. Đây chính là thị trường tiêu thụ tiềm năng của thủy sản Việt Nam, đặc biệt, khi tầng lớp trẻ bắt đầu quen dần với sản phẩm đông lạnh.

Theo số liệu điều tra của Công ty CP Sài Gòn Food (SGFood) tại 20 siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2014, cho thấy, trong các tủ đông lạnh chuyên bán các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, mặt hàng thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 55% tổng diện tích. Điều đó chứng tỏ, mặt hàng thủy sản được tiêu thụ nhiều trong kênh siêu thị.

thuỷ sản trong siêu thị nội địa

Nhiều mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại siêu thị nội địa – Ảnh: CTV

Cùng đó, sản phẩm chủ yếu là hàng hải sản đánh bắt từ biển (như cá ngừ, mực, ghẹ) hay đã qua chế biến (như hải sản tẩm bột, mực tẩm bột, tôm cuốn khoai tây), còn hai mặt hàng thủy sản nuôi là tôm thẻ chân trắng, tôm sú và fillet cá tra, chả hay bao tử cá tra.

Theo VASEP, doanh nghiệp chế biến sản phẩm thủy sản nuôi như cá tra, tôm thường chọn thị trường xuất khẩu mà ít quan tâm đến thị trường nội địa vì giá trị mang lại chưa lớn; đó là chưa kể, ngoài bao bì sản phẩm, chi phí tiếp thị cũng tiêu tốn của doanh nghiệp một số tiền lớn. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng thủy sản của người dân vẫn còn thích sản phẩm tươi sống nên nếu tập trung thị trường nội địa cần có chiến lược lâu dài, bài bản. Do đó, giữa chọn lựa chế biến đóng container xuất khẩu và sau đó có “tiền tươi, thóc thật” với một bên chi phí bao bì, tiếp thị lớn nhưng sản phẩm bị “chôn chân” tại siêu thị lâu khiến vòng quay dòng tiền chậm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chung của công ty.

 

… nhưng khó mở rộng

Nhìn một cách tổng thể, dù Việt Nam có dân số đông và tiêu thụ một lượng thủy sản lớn nhưng đa phần thủy sản tươi sống và nguồn cung cấp là các hộ gia đình nuôi trồng và chế biến thủy sản. Chỉ có một số ít doanh nghiệp xem thị trường nội địa là thị phần chính (và đa phần là những doanh nghiệp trong câu lạc bộ doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa của VASEP). Vì thế, nếu đánh giá hiệu quả mối liên hệ giữa người nuôi trồng thủy sản và kênh tiêu thụ sẽ rất khó xác định và chưa ai đưa ra được giải đáp cho câu hỏi này một cách thỏa đáng.

Tuy nhiên, xu hướng chung, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân đang có dấu hiệu tăng sau mỗi năm cả về số lượng lẫn giá trị. Theo tính toán của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, sản lượng thủy sản tiêu thụ nội địa tăng trung bình 7% mỗi năm, trong khi, giá trị tiêu thụ lại tăng 14% mỗi năm, chứng tỏ người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn để mua những sản phẩm thủy sản đã qua chế biến. Đây được xem là thông tin rất hữu ích cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong việc định vị lại chiến lược, bằng cách tập trung vào những mặt hàng thủy sản có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ những mặt hàng thủy sản qua sơ chế, đóng gói và đông lạnh rồi tung ra thị trường.

Ở một phương diện khác, hiện phần lớn doanh nghiệp trong đó có lĩnh vực thủy sản đang khá chật vật để có thể đưa hàng vào hệ thống các siêu thị lớn. Như việc Tập đoàn Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua bán siêu thị BigC; khiến các doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ phải rút khỏi kệ hàng bởi chiết khấu cao. Theo đó, VASEP đã có công văn gửi kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản thuộc Câu lạc bộ hàng nội địa tới hệ thống siêu thị BigC đề nghị tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng chiết khấu xuống mức nhỏ hơn hoặc bằng 15%. Đại diện một doanh nghiệp thủy sản cho hay, trong các hệ thống siêu thị đề nghị tăng chiết khấu năm 2016 thì BigC Việt Nam đòi cao nhất, tăng thêm 4,25  –  5% so năm 2015. Với mức tăng thêm này, doanh nghiệp phải chịu chiết khấu lên đến 17 – 20%, thậm chí có mặt hàng chiết khấu 25%.

>> Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cả nước có khoảng trên dưới 4.000 cơ sở hộ gia đình và khoảng 140 doanh nghiệp chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa, lớn nhất là lĩnh vực sản xuất nước mắm chiếm 40% tổng số. Đáng nói là sản phẩm thủy sản dạng đông lạnh được tiêu thụ ngày một tăng.

Út Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!